IMF tính hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu vì chiến tranh thương mại
Với lo ngại về ảnh hưởng bất lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, IMF hồi tháng 10 đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đã ảnh hưởng đến niềm tin doanh nghiệp và hoạt động đầu tư ở khu vực châu Á - hãng tin Reuters dẫn nhận định ngày 17/12 của một quan chức cấp cao Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Vị này cũng cảnh báo rằng IMF có thể một lần nữa cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào tháng 1 tới.
Ông Changyong Rhee, Giám đốc Vụ Châu Á-Thái Bình Dương thuộc IMF, nói rằng Nhật Bản và Hàn Quốc có thể là hai trong số những quốc gia trong khu vực chịu ảnh hưởng bất lợi nhiều nhất từ chiến tranh thương mại, xét đến sự phụ thuộc của hai nền kinh tế này vào xuất khẩu sang Trung Quốc.
"Hoạt động đầu tư hiện nay đang yếu hơn nhiều so với kỳ vọng. Tôi cho rằng vấn đề niềm tin đã có ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các nền kinh tế ở châu Á", ông Rhee nói với Reuters.
"Chúng tôi nhận thấy tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong tháng 10 chậm hơn một chút so với chúng tôi dự báo", ông Rhee phát biểu.
Với lo ngại về ảnh hưởng bất lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, IMF hồi tháng 10 đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống còn 3,7% cho cả năm 2018 và 2019, từ mức dự báo tăng 3,9% đưa ra hồi tháng 7.
Cũng trong lần dự báo tháng 10, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế châu Á giảm còn 5,4% trong năm 2019, từ mức tăng 5,6% dự kiến đạt được trong năm nay.
Ông Rhee cho biết có khả năng IMF sẽ một lần nữa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong báo cáo công bố tháng 1 năm sau, xét đến những dấu hiệu của sự giảm tốc không chỉ ở châu Á, mà còn ở cả châu Âu và Mỹ.
"Sự bấp bênh là rất lớn… bấp bênh có nghĩa là nền kinh tế toàn cầu có cả tiềm năng tăng trưởng và cả những rủi ro suy giảm tăng trưởng. Ở thời điểm hiện tại, chúng tôi cho rằng rủi ro suy giảm tăng trưởng là lớn hơn", ông Rhee nói.
Đối với Trung Quốc, ông Rhee cho rằng nước này sẽ không sử dụng đến một kế hoạch kích cầu tăng trưởng quy mô lớn, bất chấp những yếu tố bất lợi từ bên ngoài, bởi sự cần thiết phải xử lý những thách thức dài hạn như giảm bớt tình trạng nợ nần trong nền kinh tế.
"Họ sẽ không đẩy mạnh việc kích cầu… nhưng điều đó không loại trừ khả năng nếu căng thẳng thương mại leo thang và tăng trưởng giảm tốc sâu hơn, họ sẵn sàng dùng đến biện pháp kích cầu", ông Rhee nhận định.
"Điều khiến chúng tôi lo ngại và đang tư vấn cho họ là những mục tiêu trung hạ như giảm nợ vẫn có vai trò rất quan trọng đối với ổn định tài chính", ông Rhee nói về Trung Quốc. "Bởi vậy, khi họ thực sự phải dùng đến biện pháp kích cầu, chúng tôi hy vọng là họ có thể sử dụng các biện pháp tài khóa nhiều hơn là mở rộng tín dụng".