10:52 07/11/2007

Iran ngấm đòn trừng phạt kinh tế của Mỹ

Trung Việt

Nhiều ngân hàng lớn châu Âu và châu Á đã hạn chế, hoặc ngừng giao dịch với Iran, sau các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ

40% hàng nhập khẩu vào Iran có nguồn gốc từ châu Âu.
40% hàng nhập khẩu vào Iran có nguồn gốc từ châu Âu.
Nhiều ngân hàng lớn châu Âu và châu Á đã hạn chế, hoặc ngừng giao dịch với Iran, sau các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ. Trong khi đó, Mỹ đang gia tăng sức ép cấm vận Iran và điều này tác động xấu đến thị trường dầu mỏ cũng như kinh tế nhiều nước.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Nicholas Burns hôm 2/11 cho biết, Washington muốn Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc ra nghị quyết trừng phạt Iran càng sớm càng tốt. Ông cũng thúc giục Liên minh châu Âu tiến hành thêm các biện pháp cấm vận đối với Iran và cảnh báo rằng, Iran sẽ bị cô lập và bị áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung, nếu không ngừng chương trình làm giàu uranium ở Natanz trong vài tuần nữa.

Các biện pháp khắc nghiệt của Mỹ

Ngày 25/10, Chính quyền Mỹ đã công bố các biện pháp mới nhằm trừng phạt Iran với lý do "trợ giúp khủng bố" và "tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân". Lệnh trừng phạt nặng nề mới được áp dụng đối với Bộ Quốc phòng và hơn 20 ngân hàng, công ty Iran.

Trong đó có 3 ngân hàng lớn của Iran gồm Melli, Mellat, Saderat bị đưa vào "danh sách đen". Lệnh trừng phạt của Mỹ đã loại các ngân hàng trên ra khỏi hệ thống tài chính sử dụng đồng USD, làm cho các ngân hàng này rơi vào hoàn cảnh "bị bỏ rơi", không có đối tác nước ngoài nào muốn hợp tác cùng.

Mỹ cũng yêu cầu các công dân hay tổ chức tư nhân ở nước này không được phép giao dịch tài chính với các đối tượng bị áp đặt trừng phạt ở Iran. Bất cứ tài sản nào ở Mỹ bị phát hiện thuộc sở hữu của các đối tượng nằm trong lệnh trừng phạt sẽ bị phong toả.

Đây là những biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhất mà Mỹ từng áp đặt chống Iran kể từ sau vụ các sinh viên Iran tấn công Đại sứ quán Mỹ tại Teheran năm 1979. Đây cũng là lần đầu tiên, Mỹ áp dụng cách thức trừng phạt cụ thể như vậy đối với quân đội của một quốc gia khác.

Trước khi công bố các biện pháp trừng phạt, Mỹ đã đưa ra nhiều biện pháp phong toả tài chính và nền kinh tế Iran bắt đầu bị ảnh hưởng từ một loạt các biện pháp trừng phạt ngân hàng do Mỹ áp đặt.

Ngân hàng Phát triển xuất khẩu Iran xác nhận, tất cả các ngân hàng lớn ở châu Âu đã ngừng hợp tác với Iran. Ngân hàng HSBC tại Anh và hai ngân hàng lớn của Thụy Sĩ gồm UBS và Credit Suisse là những ngân hàng đầu tiên cắt đứt giao dịch với Iran hồi năm 2006.

Tiếp đến là các ngân hàng Deutsche Bank của Đức, Commerzbank và BNP Paribas đã ngừng giao dịch với Iran trong năm nay. Thậm chí, một số ngân hàng châu Á có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Iran cũng hạn chế hoạt động giao dịch, do lo ngại sự trả đũa từ phía Mỹ.

Trừng phạt Iran, nhiều nước bị ảnh hưởng

Hiện tại, các ngân hàng nước ngoài từ chối tiến hành mọi hoạt động giao dịch tiền tệ với Iran. Do đó, các công ty Iran phải sử dụng giải pháp trả tiền mặt hoặc thông qua một nước thứ ba để nhập hàng, điều này làm tăng giá thành hàng hóa tại Iran.

Iran cáo buộc Mỹ âm mưu cắt đứt "cầu nối tài chính" giữa Iran với thế giới và làm ảnh hưởng xấu đến cuộc sống dân thường. Bộ Ngoại giao Iran đã lên án động thái của Mỹ và Tổng thống Iran M.Ahmadinejad hôm 2/11 doạ sẽ tiến hành các biện pháp trả đũa về mặt kinh tế đối với nước châu Âu nào ủng hộ Mỹ.

Ông nhấn mạnh: "Nếu họ có kế hoạch hợp tác với kẻ thù của Iran, chúng tôi không thể coi đó là cư xử thân thiện. Chúng tôi sẽ phản ứng lại. Người châu Âu, biết rõ điều gì sẽ xảy ra trong lĩnh vực kinh tế, nếu Iran tiến hành các biện pháp trả đũa". Hãng thông tấn IRNA bình luận rằng: "Châu Âu cần Iran hơn. Hiện châu Âu là đối tác thương mại lớn nhất của Iran. 40% hàng hoá nhập khẩu vào Iran có nguồn gốc từ châu Âu”.

Giới phân tích cho rằng, những biện pháp trừng phạt Iran của Mỹ sẽ tác động xấu đến thị trường dầu mỏ. Iran sẽ không muốn xuất khẩu dầu cho các khách hàng ở những nước mà ở đó tài sản của Iran bị phong tỏa. Nếu xuất khẩu dầu mỏ của Iran giảm 50%, thì nguồn cung dầu của thế giới sẽ giảm khoảng 1,3 triệu thùng/ngày, tức khoảng 1,5%.

Theo đó, nguy cơ giá dầu lên tới 100 USD/thùng sẽ trở thành hiện thực. Mỹ trừng phạt có thể làm cho kinh tế Iran chậm tăng trưởng, nhưng có thể cũng làm kinh tế của nhiều nước suy giảm, kể cả các nước thực hiện trừng phạt Iran.

Đây cũng là một trong những lý do khiến các nước lớn có quan hệ làm ăn với Iran không muốn trừng phạt kinh tế Iran. Tổng thống Nga V.Putin cảnh báo Mỹ đang "dồn Iran vào chân tường".