10:31 18/09/2012

Khác biệt của sóng vàng hiện tại

Minh Đức

Không có cảnh người dân căng thẳng chen lấn đi mua vàng, tỷ giá USD/VND không leo thang

Diễn biến giá vàng SJC trong một tháng qua - Nguồn: SJC.
Diễn biến giá vàng SJC trong một tháng qua - Nguồn: SJC.
Có những khác biệt lớn giải thích vì sao Ngân hàng Nhà nước trước mắt có thể kiên quyết không dùng đến “liều thuốc an thần” quen thuộc trước đây trên thị trường vàng.

Tròn một tháng qua, giá vàng SJC liên tục tăng cao, từ mức 42,5 triệu/lượng lên 47,4 triệu đồng/lượng, tăng tới 11,5%.

So với những năm gần đây, con sóng này có khác biệt rất lớn: không có cảnh người dân căng thẳng chen lấn đi mua vàng, tỷ giá USD/VND không leo thang. Và đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước không sử dụng biện pháp quen thuộc trước đây là cho nhập khẩu để can thiệp.

Cuối chiều 17/9, Cổng thông tin Ngân hàng Nhà nước đăng tải bài phỏng vấn Phó thống đốc Lê Minh Hưng với một số điểm đáng chú ý, cho dù chưa hẳn đã thực sự thỏa mãn về mặt thông tin trước một số vấn đề mà dư luận đặt ra.

Nhưng, Ngân hàng Nhà nước cũng có lý do khi đề cập đến giá vàng hiện nay một cách chừng mực như vậy.

“Vàng không phải là… phân bón, xăng dầu!”


Chia sẻ với VnEconomy ở quan điểm cá nhân, một lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng Nhà nước cho rằng, điều mà công chúng quan tâm hiện nay là cách can thiệp thị trường vàng và lý giải, xử lý mức chênh lệch khá lớn giữa giá trong nước với thế giới.

“Nếu nhìn vào đặc điểm của đợt biến động này, cũng như quá trình điều hành của Ngân hàng Nhà nước hơn một năm trở lại đây thì có thể rút ra một số điểm, đặc biệt là vấn đề bình ổn hay không và can thiệp như thế nào”, vị lãnh đạo trên gợi ý.

Cụ thể, cá nhân ông cho rằng hiện nay vàng tại thị trường Việt Nam không phải là mặt hàng thiết yếu như phân bón, xăng dầu… để đặt ra yêu cầu ngang giá và bình ổn. Bởi nếu giá các mặt hàng thiết yếu biến động quá lớn sẽ gây ảnh hưởng tới nền kinh tế và ổn định vĩ mô, cần phải bình ổn trong khả năng có thể để hạn chế tác động; còn với giá vàng, những biến động mạnh vừa qua và hiện nay không gây những xáo trộn bất lợi.

Thông tin Ngân hàng Nhà nước vừa đăng tải cũng đưa ra khẳng định: đợt biến động này gắn với đà tăng mạnh trên thị trường thế giới. Thế nhưng, thị trường vàng trong nước không còn dấu hiệu “sốt vàng”, không có hiện tượng nhập lậu vàng, nhờ đó tỷ giá và thị trường ngoại tệ nói chung rất ổn định - khác biệt rất lớn so với những biến động trước đây.

Đó cũng là mục tiêu quan trọng hàng đầu khi xây dựng và triển khai Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Không
chi ngoại tệ cho găm vàng

Chính với sự khác biệt trên, hơn một năm qua và hiện nay Ngân hàng Nhà nước đã không chi một USD nào cho việc nhập khẩu vàng. Điều này tạo nên một sự độc lập tương đối của giá vàng trong nước với thế giới, không còn theo bình thông đáy, hay có một chênh lệch khá lớn trong thời gian qua và mang tính lịch sử.

Nếu trước đây chênh lệch giá lớn kích thích việc nhập lậu, và cùng lúc là căng thẳng tỷ giá với những xáo trộn phức tạp và bất ổn trên thị trường ngoại hối. Thì nay, điều đó không xẩy ra nên chênh lệch đó không gây áp lực lớn đối với các cân đối vĩ mô.

Với thị trường, với người mua - bán vàng, do đặc điểm và tính độc lập nói trên, chênh lệch đáng quan tâm hơn là giữa giá mua vào và bán ra.

Quan điểm mà vị lãnh đạo trên chia sẻ là, giả sử bình ổn giá vàng lúc này, rút ngắn ngay chênh lệch giá trong nước với thế giới thì cho nhập khẩu. Theo đó, ngoại tệ tiếp tục chảy máu để “đầu tư” cho vàng và bị đầu cơ, găm giữ trong dân cư thay vì đồng vốn đi vào sản xuất kinh doanh, trong khi lượng vàng găm giữ trong dân vốn đã rất lớn. Và khi chảy máu ngoại tệ, tỷ giá biến động có thể dẫn tới những bất ổn vĩ mô và an sinh xã hội.

“Mặt khác, nếu tiếp tục tung ngoại tệ cho nhập khẩu, việc điều hành theo đó càng làm phức tạp thêm vấn đề vàng hóa trong nền kinh tế”, ông nói thêm.

Chính thị trường đang tự bình ổn


Trao đổi với VnEconomy, nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước xác nhận: tuần qua, bên cạnh biến  động của lãi suất vàng, một số ngân hàng thương mại đã tiến hành mua vào, và điều này tác động nhất định đến giá.

Nguyên do, giá vàng liên tục tăng cao, nhiều người gửi vàng đã rút trước hạn để bán, ngân hàng buộc phải mua vào cùng với tăng huy động để  đảm bảo yêu cầu thanh khoản. Điều này một lần nữa cho thấy yếu tố rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động huy động và cho vay vàng của các ngân hàng thương mại, mà chủ trương ngừng hẳn từ 25/11 sắp tới được cho là đúng đắn.

Những diễn biến trên là phản ứng của thị trường, do cung - cầu và những phản ứng đó đang tác động đến giá. Sau khi các ngân hàng ngừng mua, chính hoạt động bán ra của người dân là yếu tố giúp giá bình ổn.

“Khác với các giai đoạn trước đây, mặc dù giá vàng thế giới tăng mạnh nhưng thị trường trong nước không xuất hiện các “cơn sốt” vàng. Lực cung trên thị trường vẫn tăng do trước đây, nhiều nhà đầu tư và người dân đã mua vàng ở mức giá 42 - 43 triệu đồng/lượng, đến nay, khi thấy giá vàng trong nước tăng đạt mức kỳ vọng, họ đã bán ra thị trường với khối lượng tương đối lớn. Từ cuối tuần trước đến nay (ngày 17/9/2012), mặc dù giá vàng thế giới tăng nhẹ nhưng giá vàng trong nước lại có xu hướng giảm”, Phó thống đốc Lê Minh Hưng cho biết trong bài phỏng vấn nói trên.

Dĩ nhiên, sự can thiệp và điều tiết của Ngân hàng Nhà nước vẫn là chính yếu. Sau khi ban hành quy định cho phép tổ chức tín dụng gặp khó khăn về thanh khoản vàng được vay vốn bằng vàng, ban hành quy định về tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng để bổ sung nguồn cung, cơ quan này cho biết sẽ tiếp tục bám sát diễn biến của thị trường vàng và áp dụng các biện pháp thích hợp để thị trường dần đi vào ổn định.