19:09 17/09/2012

Ngân hàng Nhà nước lên tiếng trước biến động giá vàng

An Huy

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng nói về nguyên nhân giá vàng tăng và biện pháp bình ổn thị trường

Theo ông Lê Minh Hưng, khác với các giai đoạn trước đây, mặc dù giá vàng thế giới tăng mạnh nhưng thị trường trong nước không xuất hiện các “cơn sốt” vàng.
Theo ông Lê Minh Hưng, khác với các giai đoạn trước đây, mặc dù giá vàng thế giới tăng mạnh nhưng thị trường trong nước không xuất hiện các “cơn sốt” vàng.
Giá vàng trong nước và thế giới đã trải qua những biến động khá mạnh trong mấy ngày qua. Trước vấn đề này, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã có bài trả lời phỏng vấn báo chí được đăng tải trên website của Ngân hàng Nhà nước.

Lý giải về nguyên nhân giá vàng trong nước tăng mạnh mấy ngày gần đây, ông Hưng cho biết, đây chủ yếu là do ảnh hưởng của giá vàng thế giới.

“Có thể thấy thị trường vàng trong nước biến động phức tạp chủ yếu là do ảnh hưởng biến động của giá vàng thế giới, bắt nguồn từ hai sự kiện gần đây: việc Ngân hàng Trung ương châu Âu công bố quyết định mua trái phiếu để hỗ trợ nền kinh tế các nước trong khu vực đồng tiền chung châu Âu vượt qua khó khăn của cuộc khủng hoảng nợ và đặc biệt sau thông báo ngày hôm 13/9/2012 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ về việc thực thi chính sách nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế Mỹ và cam kết giữ lãi suất ở mức thấp ít nhất đến giữa năm 2015, giá nguyên liệu, giá vàng và các kim loại quý trên thị trường tăng đột biến. Giá vàng trong nước tăng khá nhanh theo diễn biến của giá vàng thế giới. Ngoài ra, giá vàng trong nước cũng còn chịu tác động mạnh mẽ của các sự kiện trong nước diễn ra trong vài tuần gần đây”, ông Hưng nói.
 
Tuy nhiên, theo ông Hưng, khác với các giai đoạn trước đây, mặc dù giá vàng thế giới tăng mạnh nhưng thị trường trong nước không xuất hiện các “cơn sốt” vàng.

“Lực cung trên thị trường vẫn tăng do trước đây, nhiều nhà đầu tư và người dân đã mua vàng ở mức giá 42 - 43 triệu đồng/lượng, đến nay, khi thấy giá vàng trong nước tăng đạt mức kỳ vọng, họ đã bán ra thị trường với khối lượng tương đối lớn. Từ cuối tuần trước đến nay (ngày 17/9/2012), mặc dù giá vàng thế giới tăng nhẹ nhưng giá vàng trong nước lại có xu hướng giảm”, ông Hưng nói.

Tuần trước, giá vàng SJC đã có lúc lên mức 47,4 triệu đồng/lượng, cao nhất trong vòng hơn 1 năm trở lại đây. Cuối giờ chiều nay (17/9), giá vàng  SJC tại thị trường Tp.HCM do Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết còn 46,5 triệu đồng/lượng (mua vào) và 46,85 triệu đồng/lượng (bán ra). Từ cuối tuần đến nay, giá vàng trong nước đã điều chỉnh giảm cho dù giá vàng thế giới vẫn giữ đà tăng.
 
“Thị trường vàng trong nước không còn dấu hiệu “sốt vàng”, không có hiện tượng nhập lậu vàng, nhờ đó tỷ giá và thị trường ngoại tệ nói chung rất ổn định”, ông Hưng khẳng định.

Ông Hưng cũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã và đang triển khai nhiều biện pháp nhằm bình ổn thị trường vàng, trong đó có chuyển đổi vàng miếng khác SJC sang thành vàng miếng SJC.
 
“Trước diễn biến phức tạp của thị trường vàng trong nước, Ngân hàng Nhà nước đã và đang triển khai nhiều biện pháp nhằm ổn định thị trường vàng, cụ thể: Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định cho phép tổ chức tín dụng gặp khó khăn về thanh khoản vàng được vay vốn bằng vàng, đồng thời để bổ sung nguồn cung cho thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quy định về tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước nhằm cho phép các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp kinh doanh vàng được chuyển đổi vàng miếng khác SJC sang vàng miếng SJC và gia công lại vàng miếng SJC móp méo. Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu các đơn vị trên báo cáo cập nhật chính xác về số lượng, loại vàng miếng tồn quỹ thực tế cần chuyển đổi sang vàng miếng SJC”, ông Hưng nói.
 
Ông Hưng cũng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi sát diễn biến của thị trường vàng và áp dụng các biện pháp thích hợp để thị trường dần đi vào ổn định. Đồng thời, ông Hưng cho biết, Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến cáo người dân cần bình tĩnh khi tham gia mua bán trên thị trường để tránh những thiệt hại không đáng có.