15:04 10/11/2010

Khi khách VIP thành “đười ươi giữ ống”

Người viết có cơ hội được nghe “thành tích” mượn chứng khoán để bán của không ít môi giới VIP tại Hà Nội

Những tài khoản bị lợi dụng hầu hết là của nhà đầu tư bị lỗ nhiều (nên có tâm lý chờ chứng khoán bật lên lại) hoặc của nhà đầu tư có lượng chứng khoán lớn và không đặt mục tiêu giao dịch lướt trong ngắn hạn.
Những tài khoản bị lợi dụng hầu hết là của nhà đầu tư bị lỗ nhiều (nên có tâm lý chờ chứng khoán bật lên lại) hoặc của nhà đầu tư có lượng chứng khoán lớn và không đặt mục tiêu giao dịch lướt trong ngắn hạn.
Một nghịch lý là một số nhà đầu tư lớn - vốn là khách VIP thường được công ty chứng khoán o bế - có tư tưởng đầu tư lâu dài, lại trở thành “đười ươi giữ ống” để tài khoản bị lợi dụng mượn cổ phiếu đánh xuống nhằm trục lợi.

Lâu nay, câu chuyện giám sát tài khoản nhà đầu tư vẫn dừng lại ở phía cơ quan quản lý, nơi việc thanh tra - giám sát chủ yếu mang tính xử lý thông tin phản ánh và... kiểm tra ngẫu nhiên. Tuy nhiên, đã đến lúc nhà đầu tư cần được tăng quyền tự kiểm soát tài khoản của mình, tránh tình trạng bị lợi dụng như đã xay ra...

“Mượn” không hỏi

Hai tuần trước, trong buổi gặp mặt của một nhóm môi giới chứng khoán tại Hà Nội, người viết có cơ hội được nghe “thành tích” mượn chứng khoán để bán của không ít môi giới VIP tại Hà Nội.

Tại đây các môi giới dã chia sẻ kinh nghiệm bán chứng khoán và “cover” (mua trả) hàng lại tài khoản. Một môi giới còn khá trẻ (sinh năm 1983) cho biết, chị đã từng “mượn tạm” hơn 400.000 cổ phiếu của mấy tài khoản khách hàng mà mình đang quản lý để bán, sau đó 1 tuần thì mua trả lại, thu lời được gần 1 tỷ đồng.

Theo các môi giới, để việc “mượn hàng” thành công, ngoài việc có sẵn tài khoản chứng khoán của khách hàng phù hợp, mối liên kết khăng khít với những bộ phận khác trong công ty chứng khoán, môi giới còn phải có kỹ thuật “đè hang” và... “bơm vá” thông tin.

Có một điểm đáng lưu ý là, trong số những thương vụ “mượn hàng” mà các môi giới trên nhắc tới, đa phần chủ tài khoản không biết mình bị mượn chứng khoán và tất nhiên, họ cũng không hề được chia sẻ quyền lợi. Những tài khoản bị lợi dụng hầu hết là của nhà đầu tư bị lỗ nhiều (nên có tâm lý chờ chứng khoán bật lên lại) hoặc của nhà đầu tư có lượng chứng khoán lớn và không đặt mục tiêu giao dịch lướt trong ngắn hạn.

Như vậy, một nghịch lý là một số nhà đầu tư lớn - vốn là khách VIP thường được công ty chứng khoán o bế - có tư tưởng đầu tư lâu dài, lại trở thành “đười ươi giữ ống” để tài khoản bị lợi dụng mượn cổ phiếu đánh xuống nhằm trục lợi.

K., một môi giới chứng khoán có uy tín tại Hà Nội cho biết, trong bối cảnh thị trường chứng khoán đi ngang và giảm như hiện nay, thanh khoản duy trì ở mức thấp là điều kiện quan trọng để giúp các môi giới kiếm chác bằng con đường đánh xuống.

Cũng theo môi giới này, không chỉ có những người muốn bán chứng khoán để kiếm lời mới mong chứng khoán xuống, mà thậm chí, với việc ký các hợp đồng quyền chọn (mua/bán), nhiều nhà đầu tư cũng đang hào hứng với công cuộc... làm giá xuống!

“Khi thị trường đang trầm lắng, nếu không có thông tin đột biến thì chỉ cần một phiên đột ngột tăng lượng bán ra là chúng tôi đã có thể duy trì xu hướng giảm của một mã chứng khoán trong khoảng 3 - 4 phiên”, một môi giới tên Giang cho biết.

...và một đề xuất

Không ít nhà đầu tư cho rằng, chính tình trạng mượn chứng khoán để bán và ép giá khi “cover hàng” đã khiến thị trường không có lối ra như hiện tại và không ít mã chứng khoán bị giảm giá “oan”. Và nếu trên thị trường còn có nhiều người mong xuống và đủ khả năng can thiệp như hiện tại thì đến khi nào thị trường chứng khoán Việt Nam mới có thể đi lên?

Theo những nhà đầu tư này, thông tin mà khách hàng có được khi truy vấn tài khoản chứng khoán là do công ty chứng khoán cung cấp, nên việc một số bộ phận liên quan trong công ty chứng khoán liên kết với nhau “mượn hàng” đánh xuống là dễ xảy ra. Điều cần thiết lúc này là việc phải có thêm những cơ chế giám sát đủ sức mạnh và sâu sát để tình trạng trục lợi tài khoản nhà đầu tư được giảm thiểu.

Tuy nhiên, trông chờ vào khả năng giám sát nội bộ của công ty chứng khoán thì không hẳn lúc nào cũng hiệu quả. Trong khi đó, phía cơ quan quản lý cũng chưa tìm ra biện pháp hiệu quả để giải bài toán này.

Một nhà đầu tư tại Hà Nội đặt câu hỏi, tại sao cơ quan quản lý không tạo điều kiện để nhà đầu tư tăng cường khả năng giám sát chính tài khoản của họ? Theo vị này, do Trung tâm Lưu ký hiện tại đã quản lý tới tận chân tài khoản nhà đầu tư, có nghĩa là mỗi giao dịch chứng khoán của khách hàng, cơ quan này đều có thể giám sát được.

Chính vì vậy nếu tạo cơ chế cho phép nhà đầu tư kiểm tra trực tiếp từ Trung tâm Lưu ký (ví dụ truy vấn giao dịch bằng tin nhắn tổng đài) thì có lẽ, việc ngụy tạo thông tin giả để lợi dụng tài khoản khách hàng sẽ được hạn chế đáng kể.

Hầu hết các công ty chứng khoán hiện nay đều có cổng thông tin truy vấn tài khoản cho nhà đầu tư, nên việc lạm dụng tài khoản của nhà đầu tư VIP để trục lợi thường do cấp dưới câu kết thực hiện, chứ không phải ý chí của Ban lãnh đạo. Bên cạnh đó, không phải lúc nào việc “mượn” cổ phiếu đánh xuống cũng mang lại lợi nhuận cho người thực hiện hành vi này, nhất là khi thị trường đột ngột bật dậy.

Nhưng hành vi này, nếu thực hiện, là việc làm trái pháp luật, ảnh hưởng đến quyền định đoạt tài sản của người khác. Đồng thời, việc này có thể gây ảnh hưởng đến diễn biến thị trường chung, giảm niềm tin đầu tư vào thị trường chứng khoán.

Thị trường vẫn đang chờ đợi những cải tiến làm minh bạch hơn, việc tăng quyền giám sát cho mỗi nhà đầu tư có thể là một bước tiến dần tới sự minh bạch đó.

Bùi Sưởng (ĐTCK)