Khi sửa luật mà nguyên nhân chính... không phải do luật
Cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra họp rất nhiều lần, cả ban đêm và rất nhiều thứ 7, chủ nhật để xem xét, chỉnh lý nhưng, đến nay, dự thảo luật cũng còn nhiều vấn đề
20 đại biểu phát biểu, 6 tấm biển tranh luận được sử dụng, vẫn còn 12 người đăng ký nhưng hết thời gian, phiên thảo luận về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) sáng 28/5 tại Quốc hội cho thấy cái khó khi mà sửa luật nhưng nguyên nhân chính lại... không phải do luật.
Chính phủ trình tại kỳ họp thứ sáu (cuối 2018) của Quốc hội, trải qua nhiều phiên thảo luận ở nghị trường, ở Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, ở hội nghị đại biểu chuyên trách, rồi lại ra Quốc hội, song dự thảo luật vẫn đang còn rất ngổn ngang.
Đó là chưa kể, theo như lời đại biểu Bùi Văn Xuyền, người trực tiếp tham gia thẩm tra dự án luật cùng Uỷ ban Tài chính - ngân sách, là cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra họp rất nhiều lần, cả ban đêm và rất nhiều thứ 7, chủ nhật để xem xét, chỉnh lý. Nhưng, đến nay, dự thảo luật cũng còn quá nhiều vấn đề, ông Xuyền nhận xét.
Trước khi các vị đại biểu Quốc hội thảo luận, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu 18 vấn đề, từ phạm vi sửa đổi cho đến đối tượng áp dụng, phân loại dự án đầu tư công, tiêu chí phân loại dự án, thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn...
Trong đó, một số vấn đề vẫn phải đưa ra hai phương án để xin ý kiến đại biểu. Chẳng hạn, về thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn, phương án 1, Ủy ban thường vụ Quốc hội và nhiều đại biểu đề nghị quy định: Quốc hội quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn bao gồm tổng mức đầu tư, tiêu chí, danh mục và mức vốn bố trí cho từng dự án chi đầu tư từ ngân sách Trung ương theo đúng tinh thần của Hiến pháp.
Phương án hai, Chính phủ và một số vị đại biểu đề nghị quy định Quốc hội quyết định tổng mức, giao Chính phủ quyết định, điều chỉnh danh mục dự án theo đúng khung kế hoạch đầu tư công trung hạn được quốc hội thông qua. Vì, quy định Quốc hội quyết định danh mục dự án và mức vốn bố trí cho từng dự án sẽ dẫn tới mất nhiều thời gian, phát sinh nhiều thủ tục hành chính. Mặt khác, danh mục dự án cần qua nhiều bước để xác định thông tin nên cần có thời gian, nếu có thay đổi sẽ phải thực hiện các thủ tục báo cáo Quốc hội tại kỳ họp, tính linh hoạt trong điều hành kế hoạch đầu tư công trung hạn sẽ hạn chế...
Vấn đề lớn thứ hai cũng chưa chốt là việc có nâng mức vốn dự án quan trọng quốc lên 20.000 tỷ hay vẫn giữ như luật hiện hành là 10.000 tỷ.
Và, cả hai vấn đề này, cùng với không ít vấn đề khác theo nhiều ý kiến là không cần thiết phải sửa như đề xuất của Chính phủ, tức là không cần sửa luật, vì lý do nằm ở khâu thực hiện chứ không vướng do luật.
"Tôi thực sự băn khoăn về việc sửa Luật Đầu tư công. Vấn đề không phải vì luật mà vấn đề do triển khai thực hiện", Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên phát biểu.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Tp.HCM) cũng khẳng định, theo dõi tình hình thực tiễn của Tp.HCM thì vướng chủ yếu ở khâu tổ chức thực hiện.
Nhắc lại lý do Chính phủ đề nghị giao Chính phủ quyết định, điều chỉnh danh mục dự án theo đúng khung kế hoạch đầu tư công trung hạn vì quy định Quốc hội quyết định sẽ dẫn tới mất nhiều thời gian, đại biểu Tâm nói : những vấn đề quan trọng của quốc gia cần bao nhiêu thời gian Quốc hội đều đảm đương được.
Nếu giao Chính phủ quyết định danh mục đầu tư công trung hạn đồng nghĩa với việc giao Chính phủ quyết định dự toán trung hạn. Điều này không phù hợp với Hiến pháp, ngược về quy trình, ngược về thẩm quyền, dẫn đến một nghịch lý đó là Quốc hội sẽ phải căn cứ vào danh mục mà Chính phủ đã quyết để ban hành dự toán hàng năm, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai phân tích.
Bà Mai cũng khẳng định, nếu Quốc hội không quyết định danh mục thì đó sẽ là một bước lùi trong phân bổ ngân sách. Và nguyên nhân một số dự án chậm tiến độ qua giám sát cho thấy lý do không nằm ở cơ quan lập pháp.
"Tôi không coi đây là tranh luận căng thẳng giữa quyền lực Quốc hội và Chính phủ", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói khi được mời giải trình cuối phiên thảo luận.
Bộ trưởng cũng thừa nhận, về nguyên nhân sửa luật thì vấn đề do pháp luật không phải nguyên nhân chính. Việc ban hành Luật đầu tư công hiện hành là một bước tiến quan trọng trong việc thu hút, sử dụng hiệu quả đầu tư công nhưng trong thực hiện còn nhiều vướng mắc, chủ yếu nằm ở khâu tổ chức thực hiện.
Về các vấn đề được nhiều đại biểu phản biện, liên quan đến thẩm quyền quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn, Bộ trưởng nói: "Tôi vẫn muốn giữ quyền năng cao nhất là Quốc hội nhưng việc điều hành cụ thể thế nào cho linh hoạt thì giao lại cho Chính phủ và Chính phủ thực hiện và chịu trách nhiệm."
Cuối cùng, Bộ trưởng xin tiếp thu ý kiến đại biểu và tiếp tục cùng cơ quan thẩm tra rà soát, chỉnh lý dự thảo luật cho phù hợp hơn.
Theo nghị trình, dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) sẽ được Quốc hội bấm nút quyết định tại kỳ họp này.