06:02 15/11/2022

Khó khăn của ngành thép có thể kéo dài đến quý 2/2023

Mạnh Đức

Sản xuất và tiêu thụ thép trong tháng 10/2022 tiếp tục diễn biến theo chiều hướng đi xuống, khi giảm lần lượt 16,38% và 29,4% so với cùng kỳ. Về nguyên liệu sản xuất thép như quặng sắt, cuộn cán nóng (HCR), thép phế liệu nhập khẩu cũng ghi nhận mức giảm khá mạnh…

Nguồn cung thép trong nước tăng dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp.
Nguồn cung thép trong nước tăng dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp.

Theo báo cáo mới nhất vừa được Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) công bố, trong tháng 10/2022, sản xuất thép thành phẩm đạt 2,046 triệu tấn, giảm 16,38% so với tháng 9/2022 và giảm 28,7% so với cùng kỳ 2021; tiêu thụ thép các loại đạt 1,888 triệu tấn, giảm 5,53% so với tháng trước và giảm 29,4% so với cùng kỳ.

Tính chung 10 tháng năm 2022, sản xuất thép thành phẩm đạt 25,31 triệu tấn, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm 2021; tiêu thụ thép thành phẩm đạt 23,159 triệu tấn, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2021.

Tình hình sản xuất thép thành phẩm năm 2022. Nguồn:VSA.
Tình hình sản xuất thép thành phẩm năm 2022. Nguồn:VSA.
Tình hình tiêu thụ thép thành phẩm năm 2022. Nguồn: VSA.
Tình hình tiêu thụ thép thành phẩm năm 2022. Nguồn: VSA.

Về tình hình xuất khẩu, số liệu cập nhật đến tháng 9/2022 cho thấy, xuất khẩu thép thành phẩm của Việt Nam đạt 533 nghìn tấn, tăng 3,8% so với tháng trước nhưng giảm 60,63% so với cùng kì năm 2021. Trị giá xuất khẩu đạt 429 triệu USD, giảm 6,17% so với tháng 8/2022 và giảm 69,32% so với cùng kỳ năm 2021.

Tính chung 9 tháng năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 6,46 triệu tấn thép giảm 34,38% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu đạt 6,5 tỷ USD giảm 22,65% so với cùng kỳ năm 2021.

Diễn biến lượng và giá thép xuất khẩu của Việt Nam năm 2022. Nguồn: VSA.
Diễn biến lượng và giá thép xuất khẩu của Việt Nam năm 2022. Nguồn: VSA.

Thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là: khu vực ASEAN (41,47%), Khu vực EU (16,57%), Hoa Kỳ (8%), Hàn Quốc (6,03%) và Hồng Kông (Trung Quốc) (5,65%).

Từ chiều ngược lại, trong tháng 9/2022, nhập khẩu thép thành phẩm vào Việt Nam đạt 743 triệu tấn với kim ngạch đạt 710 triệu USD, giảm 5,32% về lượng và giảm 16,32% về trị giá so với tháng trước, so với cùng kỳ năm trước giảm 11,79% về lượng và giảm 24,83% về trị giá.

Tính chung 9 tháng năm 2022, nhập khẩu thép thành phẩm các loại về Việt Nam khoảng 8,93 triệu tấn với trị giá hơn 9,56 tỷ USD, giảm 8,3% về lượng nhưng tăng 9,9% về giá trị so với cùng kỳ 2021.

Diễn biến lượng và giá thép nhập khẩu vào Việt Nam năm 2022. Nguồn:VSA.
Diễn biến lượng và giá thép nhập khẩu vào Việt Nam năm 2022. Nguồn:VSA.

Các quốc gia cung cấp thép chính cho Việt Nam bao gồm: Trung Quốc (44,68%), Nhật Bản (15,46%), Hàn Quốc (11,44%), Đài Loan (9,64%) và Ấn Độ (7,93%).

Về tình hình nguyên liệu sản xuất thép, báo cáo của VSA cho thấy, giá quặng sắt ngày 7/11/2022 giao dịch ở mức 87,8 - 88,3 USD/tấn CFR cảng Thiên Tân (Trung Quốc), giảm khoảng 7,75 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 10/2022.

Mức giá này giảm khoảng 122,2-123,7 USD/tấn so với mức giá cao nhất được ghi nhận hồi đầu tháng 5/2021 (~ 210 – 212 USD/tấn).

Giá than mỡ luyện cốc xuất khẩu tại cảng Úc ngày 7/11/2022 giao dịch ở mức khoảng 302 USD/tấn FOB, tăng mạnh 46,5 USD/tấn so với đầu tháng 10/2022.

Trong tháng 10/2022, giá thép phế nội địa tăng từ 800 VND/kg đến 1.000 VND/kg giữ mức 8.200 đến 9.200 VND/kg. Ngược lại, giá thép phế liệu nhập khẩu cảng Đông Á ở mức 394 USD/tấn CFR Đông Á ngày 7/11/2022 giảm 11 USD/tấn so với hồi đầu tháng 10/2022.

Giá điện cực than chì (GE) tại Trung Quốc giảm tháng thứ năm liên tiếp trong bối cảnh tình hình kinh tế nước này xấu đi và nhu cầu thiếu trầm trọng. Các nhà sản xuất điện cực graphite của Trung Quốc đã bị lỗ tại thị trường nội địa trong quý 3/2022 (khoảng 20-60 USD/ tấn) do giá lao dốc và tốc độ giảm chi phí sản xuất quá chậm.

Giá cuộn cán nóng (HRC) ngày 7/11/2022 ở mức 488 USD/tấn, CFR cảng Đông Á, giảm mạnh 81 USD/Tấn so với mức giá giao dịch đầu tháng 10/2022.

Nhìn chung, thị trường HRC thế giới biến động, khiến thị trường HRC trong nước khó khăn do các doanh nghiệp sản xuất thép dẹt (CRC, tôn mạ, ống thép,…) sử dụng HRC làm nguyên liệu sản xuất.

Giá nguyên liệu sản xuất thép năm 2022. Nguồn: VSA.
Giá nguyên liệu sản xuất thép năm 2022. Nguồn: VSA.

Lý giải nguyên nhân sụt giảm của ngành thép, một số chuyên gia cho rằng trái ngược với các kỳ vọng từ tăng trưởng kinh tế trong nước, thị trường thép quý 3/2022 đối mặt với nhiều khó khăn khi giá thép thế giới lao dốc tạo sức ép lớn lên giá thép trong nước.

Bên cạnh đó, tình trạng xung đột vũ trang giữa Nga và Ucraine cùng với các khó khăn của nền kinh tế thế giới dẫn đến nhu cầu suy giảm, ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu thép của Việt Nam. Sản lượng xuất khẩu suy giảm dẫn đến tăng nguồn cung trong nước và tình trạng cạnh tranh gay gắt trên thị trường nội địa. 

Dự báo, thị trường thép trong nước quý 4/2022 sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn do hoạt động xuất khẩu kém khả quan, cạnh tranh gay gắt giữa các nhà sản xuất; các chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất, tỷ giá leo thang có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu và hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị trong ngành thép.

Theo VSA, kinh tế - xã hội Việt Nam trong 10 tháng năm 2022 khá ổn định, các cân đối vĩ mô đưa ra triển vọng, lạm phát trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, tình hình thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh các ngành, đặc biệt ngành thép trong nước đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức có khả năng kéo dài đến quý 2/2023.