09:58 05/09/2008

Khởi tố vụ lừa đảo bán cổ phần Ngân hàng Hồng Việt

Dù việc thành lập Hồng Việt mới được chấp thuận về nguyên tắc, nhưng quyền mua cổ phần ngân hàng này đã được rao bán

Giá chào bán "cổ phiếu" ngân hàng Hồng Việt vẫn được "xướng" từ 11.000 đồng đến 20.000 đồng tùy lô. Điều đó chứng tỏ hoạt động giao dịch quyền mua đã từng có thời kỳ rất sôi động.
Giá chào bán "cổ phiếu" ngân hàng Hồng Việt vẫn được "xướng" từ 11.000 đồng đến 20.000 đồng tùy lô. Điều đó chứng tỏ hoạt động giao dịch quyền mua đã từng có thời kỳ rất sôi động.
Mặc dù việc thành lập Hồng Việt mới được chấp thuận về mặt nguyên tắc (và hiện tại đã không được thành lập nữa), nhưng quyền mua cổ phần ngân hàng này đã được rao bán rộng rãi dưới hình thức trao tay.

Ngày 3/9, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế Hà Nội (PC15) cho biết đã khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến việc bán quyền mua cổ phần Ngân hàng Hồng Việt.

Lừa đảo chiếm đoạt  trên 12 tỷ đồng

Theo Công an Hà Nội, Lê Quang Hưng (sinh năm 1977, trú tại 476 đường Trường Chinh, Hà Nội) đã lợi dụng vị trí công tác là cán bộ Ban trù bị Ngân hàng Hồng Việt để dùng quyền mua 600.000 cổ phần bán cho nhiều người, chiếm đoạt trên 12 tỷ đồng rồi bỏ trốn. Cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố và phát lệnh truy nã Hưng trên toàn quốc.

Vụ việc được cơ quan Công an Hà Nội phát hiện khi nhận được hàng loạt đơn tố cáo hành vi lừa đảo của Lê Quang Hưng. Một trong số những nạn nhân là chị Hoàng Thanh Bình trú tại Sơn Tây.

Chị Bình cho biết vào đầu tháng 6/2008, Hưng gặp chị Bình đề nghị bán 600.000 cổ phần của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hồng Việt, nơi Hưng đang công tác với giá 6 tỷ đồng. Do có quan hệ làm ăn từ trước với Hưng nên chị Bình tin lời và đưa cho Hưng 6 tỷ đồng, đồng thời Hưng sẽ viết giấy cho tặng cổ phần cho chị Bình.

Tháng 7/2008, qua thông tin trên báo, chị Bình thấy Ngân hàng Hồng Việt sẽ không được thành lập nên liên lạc với Lê Quang Hưng nhưng Hưng tắt máy. Khi đến nhà riêng của Hưng, gia đình Hưng đã bỏ trốn.
 
Sau khi nhận được đơn trình báo của các bị hại, Cơ quan điều tra - Công an TP.Hà Nội đã tiến hành xác minh và xác định đúng là Hưng được quyền góp vốn mua cổ phần của Ngân hàng Hồng Việt.
 
Nhưng theo quy định tại khoản 2b, Điều 21, Quyết định số 24/2007/QĐ-NHNN ngày 7/6/2007 của Ngân hàng Nhà nước, các cổ đông không phải là cổ đông sáng lập trong thời gian 3 năm kể từ ngày được cấp phép không được chuyển nhượng số cổ phần ra bên ngoài.

Không chỉ có vậy, cho dù lúc đó Ngân hàng Hồng Việt vẫn chưa được cấp phép thành lập, nhưng Lê Quang Hưng đã bán quyền mua này cho nhiều người.

Cụ thể, Lê Quang Hưng sử dụng các giấy uỷ nhiệm chi và giấy báo nợ của số tiền 6 tỷ đồng tại ngân hàng Quốc tế, giấy đề nghị thành lập Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hồng Việt, hợp đồng thuê nhà 79 Láng Hạ (dự kiến là trụ sở Ngân hàng Hồng Việt)... để thuyết phục các bị hại đưa tiền mua 600.000 cổ phần của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hồng Việt.

Bước đầu cơ quan điều tra đã làm rõ Lê Quang Hưng dùng số giấy tờ này lừa cùng lúc 3 cá nhân, chiếm đoạt số tiền 250.000USD và trên 8,34 tỷ đồng. Sau khi lấy tiền của các bị hại, Lê Quang Hưng đã  tự ý nghỉ việc không có lý do và bỏ trốn khỏi nơi cư trú.
 
Cơ quan điều tra đã  ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Quang Hưng và đề nghị những ai là bị hại của Lê Quang Hưng, đến cung cấp thông tin cho Đội 5 PC15 - Công an TP.Hà Nội.

Không phải lần đầu

Việc mua bán quyền mua cổ phần của các dự án, doanh nghiệp sắp cổ phần hóa, doanh nghiệp cổ phần chuẩn bị thành lập vốn diễn ra ồn ào từ khá lâu mà đình đám nhất gần đây là vụ cổ phần hóa Bệnh viện Bình Dân hay vụ Tổ công ty Bất động sản Lilama (Lilama Land) năm 2007 mà chúng tôi đã đưa tin.

Mặc dù tiến trình thực hiện các đề án như vậy chưa rõ ràng, nhưng nhiều đối tượng lợi dụng mối quan hệ đã thực hiện các giao dịch quyền góp vốn. Ngoài các giao dịch có yếu tố lừa đảo, vẫn còn nhiều giao dịch tự phát và chủ động của nhà đầu tư với một kỳ vọng mơ hồ về lợi nhuận tương lai.

Dạo quanh một số diễn đàn chuyên rao bán cổ phiếu OTC quen thuộc, các thông tin về giao dịch quyền mua cổ phiếu của Ngân hàng Hồng Việt (có mã là PVB) hầu như đã bị xóa. Tuy nhiên, theo một số thông tin còn lưu trữ được thì đến cuối tháng 7/2008, vẫn còn khá nhiều tin chào bán "cổ phiếu" này.

Tại thời điểm đó, thông tin "đổ bể" kế hoạch thành lập Ngân hàng Hồng Việt đã được báo chí đề cập đến khá nhiều và thông tin chính thức được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) đưa ra ngày 28/7. Tuy nhiên giá chào bán "cổ phiếu" ngân hàng Hồng Việt vẫn được "xướng" từ 11.000 đồng đến 20.000 đồng tùy lô. Điều đó chứng tỏ hoạt động giao dịch quyền mua đã từng có thời kỳ rất sôi động.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Ngọc Sự, Phó tổng giám đốc Petro Vietnam cho biết: Hội đồng Quản trị, Ban trù bị thành lập ngân hàng cũng đã cảnh báo việc giao dịch trao tay quyền mua, thậm chí còn có thể áp dụng biện pháp kỷ luật với các cá nhân vi phạm. Dù vậy, thực tế vẫn có hàng chục số điện thoại di động liên hệ rao bán trên mạng Internet, thậm chí còn "quảng cáo" là "chính chủ"!

Theo ý kiến của một chuyên gia tài chính, các quyền mua này ở một khía cạnh nào đó cũng có thể coi là một dạng chứng khoán phái sinh và có thể định giá. Tuy nhiên, Việt Nam hiện vẫn chưa có đầy đủ khung pháp lý cho hoạt động giao dịch này và đương nhiên các giao dịch đó chỉ là quan hệ kinh tế giữa người mua và người bán theo các thỏa thuận viết tay.

Điều đáng nói là các giao dịch này phải chịu một rủi ro lớn hơn do rất hiếm khi giá trị giao dịch được thực hiện bằng giá trị vốn góp: "Yếu tố thị trường có thể đẩy giá lên một mức nào đó mà hai bên chấp nhận với một yếu tố kỳ vọng nhất định. Đó là rủi ro mà bên mua phải lường trước".
 
Việc huỷ kế hoạch thành lập Ngân hàng Hồng Việt có thể không tác động nhiều đến các cổ đông chính nhưng với nhà đầu tư đã lỡ "ôm" quyền mua cổ phiếu này - nhất là qua các giao dịch trao tay lòng vòng - khả năng đòi lại được phần góp vốn là khá mờ mịt.

Bên cạnh trách nhiệm của đơn vị thành lập doanh nghiệp trong việc công khai thông tin, trách nhiệm của nhà đầu tư với túi tiền của mình phải lớn hơn khi chấp nhận mua một mảnh giấy viết tay cộng với một lời hứa hẹn mà không có sự đảm bảo chắc chắn về mặt pháp lý.

(Theo Lao Động)