09:38 12/06/2014

“Không phải lợi ích nhóm thì đó là cái gì?”

Nguyên Hà

Nhiều câu hỏi khó được các đại biểu Quốc hội dành cho Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: Có những luật không phải hoàn toàn vấn đề lobby hay chạy cái này cái khác nhưng cũng có tranh thủ nọ, tranh thủ kia.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: Có những luật không phải hoàn toàn vấn đề lobby hay chạy cái này cái khác nhưng cũng có tranh thủ nọ, tranh thủ kia.
“Không phải lợi ích nhóm thì đó là cái gì?”, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nhấn mạnh khi nhấn nút lần hai để tranh luận với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trong phiên chất vấn chiều 11/6 của Quốc hội.

Là người mở màn, đại biểu Thúy muốn biết quan điểm và hướng khắc phục của Bộ trưởng trước hiện tượng cài đặt lợi ích nhóm, lợi ích riêng của bộ, ngành trong một số văn bản quy phạm pháp luật hoặc còn có nhiều quy định theo hướng tạo thuận lợi cho việc quản lý của các cơ quan công quyền đẩy khó khăn về phía người dân.

Hiện nay bộ nào quản lý nhà nước cái gì thì xây dựng luật cái đó, nhưng quyền thì nặng cho mình còn trách nhiệm thì nhẹ đi và thiếu tính hệ thống của pháp luật, vậy trách nhiệm của Bộ Tư pháp thế nào, đại biểu Trần Du Lịch chất vấn.

“Câu chuyện cài đặt lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, lợi ích ngành trong các văn bản quy phạm pháp luật từ quyết định của Thủ tướng Chính phủ trở lên, chúng tôi thấy chưa phải là vấn đề đặt ra”, ông Cường đáp.

Cũng theo Bộ trưởng thì “thực tế trong nhiệm kỳ này lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, lợi ích cơ quan ở trong các văn bản của các bộ cũng chưa phải là vấn đề gì nổi lên”.

Sau đó, cả đại biểu Kim Thúy và Trần Du Lịch đều nhấn nút lần hai.

“Người ta bảo lợi ích nhóm có không thì đồng chí nói không hay nói có, có một câu thôi”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng sốt ruột nhắc Bộ trưởng.

“Nếu như Bộ trưởng nói không có việc cài đặt lợi ích nhóm, lợi ích riêng của các bộ, ngành trong một số văn bản quy phạm pháp luật, vậy thì xin Bộ trưởng cho biết trong việc soạn thảo các văn bản pháp luật thường rất quan tâm đến vấn đề tổ chức bộ máy hay các quỹ hoặc thủ tục hành chính, vậy đó là cái gì?”, đại biểu Kim Thúy “truy”.

“Bây giờ chúng ta phải nhìn thấy rừng, chứ còn tính từng cây thì gây rối loạn về hệ thống pháp luật. Tôi thấy nhiều luật, Bộ Tư pháp đã thẩm định rồi, nhưng ra Quốc hội còn bàn cả phạm vi điều chỉnh”, đại biểu Trần Du Lịch nói.

“Có những luật không phải hoàn toàn vấn đề lobby hay chạy cái này cái khác nhưng cũng có tranh thủ nọ, tranh thủ kia”, Bộ trưởng tiếp tục trả lời đại biểu Thúy.

Hoàn toàn đồng tình với đại biểu Trần Du Lịch, song Bộ trưởng Hà Hùng Cường “cũng báo cáo thật là trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa quy định giá trị pháp lý của văn bản thẩm định đến đâu, tiếp thu giải trình như thế nào.

Vẫn băn khoăn về chất lượng của hệ thống pháp luật, đại biểu Bùi Mạnh Hùng nêu con số từ báo cáo của Chính phủ, có 312/1574 văn bản được khảo sát là chưa đảm bảo về chất lượng, thiếu tính khả thi, không đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, thậm chí có dấu hiệu không hợp hiến, hợp pháp.

Sai sót trên đã và sẽ có ảnh hưởng đến mức độ nào đối với kinh tế - xã hội của đất nước cũng như tinh thần thượng tôn pháp luật, tình hình trên đến bao giờ khắc phục được và trách nhiệm của Bộ trưởng ra sao là chất vấn được đại biểu Hùng đặt ra.

Khẳng định là thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, cảnh báo nhưng bao giờ khắc phục vấn đề này “thì trước quốc dân đồng bào và Quốc hội, có lẽ tôi không dám hứa một cách vững chắc”, Bộ trưởng đáp.
 
“312 văn bản mà Bộ Tư pháp báo cáo là sai gây hậu họa gì chưa? Nếu người ta căn cứ vào 312 văn bản này để tổ chức thực hiện thì gay go rồi nhưng không thi hành thì cũng không được, chỗ này tôi thấy rất nghiêm trọng”, Chủ tịch Quốc hội bình luận.

Ông cũng đề nghị Bộ trưởng suy nghĩ để sáng 12/6 trả lời kỹ hơn, để tìm trách nhiệm, tìm cách giải quyết.

Ngày mai, Bộ trưởng cũng còn khá nhiều chất vấn khác cần phải trả lời. Những câu hỏi cuối chiều đã đặt ra không ít vấn đề cho người đứng đầu ngành tư pháp.

Theo đại biểu Đỗ Văn Đương, cử tri rất buồn vì tỷ lệ thu hồi tài sản trong các đại án hàng ngàn tỷ rất thấp, chỉ khoảng dưới 10%, còn phần lớn kia đi đâu? Có phải chăng cứ đi tù rồi là xong?

Câu hỏi đại biểu này dành cho Bộ trưởng là có giải pháp gì để kết nối giữa công tác điều tra, truy tố xét xử với công tác thu hồi tài sản cho nhà nước và cho công dân?

Đại biểu Chu Sơn Hà thì đề nghị Bộ trưởng cho biết rõ trong công tác xây dựng luật thì bộ nào yếu kém nhất trước đồng bào cử tri, để các bộ trưởng phấn đấu trong thời gian tới.

Là đại biểu cuối cùng nêu câu hỏi, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền nói, ông đặc biệt quan tâm ý của Bộ trưởng về nhà nước pháp quyền, tức là nhà nước phải tôn trọng luật mà nhân dân cũng phải tôn trọng luật.

“Nhưng nhân dân không chấp hành luật thì chúng ta phạt hết sức ghê gớm, còn các cơ quan nhà nước đến 312 văn bản vi phạm pháp luật, chúng ta xử lý rất chậm thì có phải là nhà nước pháp quyền không?”, ông Thuyền phát biểu.

 Ông muốn biết Bộ trưởng có nghĩ đến việc đề xuất mở rộng quyền làm chủ của người dân, để người dân được khởi kiện các văn bản quy phạm pháp luật sai trái của nhà nước để bảo vệ quyền lợi của mình hay không?

Đại biểu Thuyền cũng nêu vấn đề là Nghị định 107 của Chính phủ có quy định ủy ban chỉ có 3 phó chủ tịch, nhưng vừa rồi chủ trương luân chuyển cán bộ bằng một công văn của Văn phòng Chính phủ cho bầu thêm phó chủ tịch.

“Rất nhiều người điện hỏi tôi là anh ra anh hỏi thử xem như vậy, công văn của Chính phủ có cao hơn nghị định của Chính phủ không?”. Ông đề nghị Bộ trưởng trả lời cho dân được rõ.