15:50 04/04/2012

Không “phong bì”, doanh nghiệp khó được việc!

Bảo Anh

Phần lớn doanh nghiệp được hỏi cho rằng, kẽ hở chính sách và việc thực thi pháp luật là nguyên nhân chính dẫn tới nạn tham nhũng hiện nay

Không ít doanh nghiệp cho rằng, chiếc phong bì đã trở thành "bùa hộ mệnh" của họ.
Không ít doanh nghiệp cho rằng, chiếc phong bì đã trở thành "bùa hộ mệnh" của họ.
Trên 75% doanh nghiệp được hỏi cho rằng, việc thực thi pháp luật của các cơ quan nhà nước chưa tốt và vấn nạn “phong bì” được xem như là một cứu cánh để mọi chuyện được đầu xuôi đuôi lọt.

Đó là một trong những nội dung của báo cáo nghiên cứu thực trạng tham nhũng trong khu vực doanh nghiệp tại Việt Nam, được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Thanh tra Chính phủ công bố sáng 4/4.

Theo đó, để nắm rõ được phần nào thực trạng tham nhũng trong doanh nghiệp hiện nay, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát định lượng 270 doanh nghiệp trong số 1.050 doanh nghiệp được chọn mẫu trên cả nước với các nội dung chính là thực trạng tham nhũng trong quan hệ giữa doanh nghiệp và cán bộ, cơ quan quản lý trong các lĩnh vực đăng ký kinh doanh, cấp phép, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các thủ tục về đất đai, tham nhũng giữa doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước khác cũng như tham nhũng giữa các doanh nghiệp với nhau.

Kết quả khảo sát cho thấy, nếu doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ tư vấn trong việc đăng ký kinh doanh mới hay sửa đổi cũng như các loại giấy phép khác thì chủ yếu là để “đỡ mất nhiều thời gian”.

Tuy nhiên, việc doanh nghiệp không nắm rõ quy định về trình tự, thủ tục và quy trình, thủ tục phức tạp, phiền hà cũng là một trong những lý do để gần 50% doanh nghiệp được hỏi phải thuê tư vấn. Ngay cả khi có đến 60% doanh nghiệp đồng ý với các nhận định các thủ tục đăng ký kinh doanh hiện đã đơn giản và minh bạch hơn, song vẫn có tới 30% doanh nghiệp cho rằng, thuê tư vấn vẫn là một cách tiết kiệm chi phí hơn là tự mình thực hiện và phải trả các khoản phí giao dịch hay chi phí không chính thức.

Song cũng có tới 63% doanh nghiệp đồng ý với nhận định “hệ thống giấy phép chuyên ngành phức tạp, không minh bạch là một trong những nguyên nhân gây ra tham nhũng hiện nay”. 15% doanh nghiệp cho biết họ phải đưa phong bì, quà biếu khi thực hiện đăng ký kinh doanh là do cán bộ gợi ý.

Trong lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có tới 39,9% doanh nghiệp tin rằng “phải có mối quan hệ quen biết mới được giao đất, cấp đất”, điều đó khẳng định, việc có quan hệ thân thiết vẫn chiếm một “chỗ đứng” quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề giao đất, cấp đất. 20% doanh nghiệp cho biết họ được gợi ý đưa phong bì khi làm các thủ tục trong lĩnh vực này.

Đối với quan hệ giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước khác như thuế, hải quan, quản lý thị trường... có hơn 10% cho biết, chi phí hàng năm cho các cơ quan này là nhiều, thậm chí rất nhiều. Ngay cả chi phí không chính thức cho các đơn vị cấp điện, nước cũng được một số doanh nghiệp khẳng định phải lo lót mới không bị cắt điện, ngắt nước.

Việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp từ ngân hàng cũng gặp không ít rào cản khi có đến 47,7% cho rằng, phải có chi phí bồi dưỡng cho cho cán bộ tín dụng. Hơn 60% doanh nghiệp đồng ý phải có mối quan hệ với ngân hàng hoặc cán bộ tín dụng mới vay được vốn hỗ trợ của nhà nước.

Trong việc đấu thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ, cũng có tới 50% cho rằng “việc gửi quà biếu cho cán bộ phụ trách đấu thầu là rất phổ biến”.

Trên cơ sở kết quả khảo sát, nhóm nghiên cứu cho rằng, tham nhũng xảy ra ở nhiều ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan đến doanh nghiệp. Ngược lại, trong tất cả các loại hình doanh nghiệp cũng đều có các hành vi liên quan đến tham nhũng, chỉ khác nhau về cấp độ.

Điều đáng mừng trong quá trình khảo sát là tỷ lệ doanh nghiệp có chi phí không chính thức cho các cơ quan quản lý chiếm trên 5% không quá cao. Tuy nhiên, tình trạng “đưa phong bì cảm ơn”, mời cơm... giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý hiện nay vẫn đang là tình trạng đáng báo động.

Trong quan hệ doanh nghiệp với doanh nghiệp, khi mà có đến 16,57% doanh nghiệp phải sử dụng dịch vụ trung gian môi giới, tư vấn để vay vốn ngân hàng với chi phí trung bình cho một khoản vay là 2,8% (có trường hợp 10%) tổng số vay, cũng phần nào cho thấy những tiêu cực hao hao tham nhũng không phải là ít.

Cùng với đó, hoạt động đấu thầu, lựa chọn nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ cũng ẩn chứa vô số tiêu cực khi chỉ có 30,45% doanh nghiệp cho biết họ có thực hiện động thái đấu thầu. Trong số này cũng chỉ có 7,89% cho biết là thực hiện thường xuyên, phần đa còn lại cho biết thỉnh thoảng hoặc hiếm khi mới tổ chức. Ngay cả chuyện lại quả, hoa hồng cho chính người tổ chức đàm phán hay phụ trách hợp đồng của đối tác cũng được 61,5% doanh nghiệp cho biết phải chi bằng tiền mặt, 47% mời cơm và gửi quà biếu...
 
Theo nhóm nghiên cứu, đa phần doanh nghiệp được khảo sát (69%) cho rằng, họ là nạn nhân của tham nhũng, và có đến 80% cho rằng, tham nhũng tác động tiêu cực đến sự phát triển của doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng có tới 38% doanh nghiệp cho rằng, đôi khi tham nhũng cũng có tác dụng tích cực đối với doanh nghiệp. Có tới 87% doanh nghiệp được khảo sát đồng ý với nhận định “pháp luật vẫn tồn tại những kẽ hở cho nạn tham nhũng phát triển và 75% cho rằng liên quan đến việc thực thi của cán bộ, công chức.

Theo ông Nguyễn Ngọc Anh, thành viên nhóm nghiên cứu, tình trạng tham nhũng giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý dù chưa phải là bức tranh toàn cảnh về thực tế này, song với những kết quả thu được, nguy hiểm nhất chính là là đánh mất lòng tin của các thành viên trong xã hội vào bộ máy công quyền.

Tham nhũng kéo dài sẽ ảnh hưởng tới các thế hệ sau và theo đó ảnh hưởng tới triển vọng phát triển của đất nước. Nó cũng sẽ tác động xấu đến cộng đồng doanh nghiệp khi luôn phải nghĩ cách đối phó với cơ chế xin - cho để tìm lối thoát.