14:30 19/10/2011

Cử tri lo lắng vì tham nhũng chưa được đẩy lùi

Nguyễn Vũ

Cử tri cả nước cho rằng, tình trạng tham nhũng, lãng phí hiện nay vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp

Tập hợp trên 1.000 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội tại kỳ họp thứ hai, sẽ khai mạc sáng mai (20/10), Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, còn nhiều hạn chế, yếu kém trong điều hành kinh tế, xã hội khiến cử tri lo lắng.

Đó là sự phát triển chưa vững chắc của nền kinh tế, lạm phát, giá cả, lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao, nhập siêu còn lớn. Sản xuất, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn, còn tiềm ẩn những yếu tố tác động đến ổn định chính trị-xã hội, tình trạng ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, tai nạn giao thông, tội phạm, tệ nạn xã hội không giảm; thiên tai, dịch bệnh xẩy ra ở nhiều nơi.

Bên cạnh đó, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân chưa tốt, cải cách thủ tục hành chính còn chậm, tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi.

Những kiến nghị được gửi đến kỳ họp này cũng cho thấy sự quan tâm của cử tri đến mọi hoạt động của Quốc hội.

Về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, cử tri kiến nghị Hiến pháp cần quy định rõ cách thức sử dụng quyền lực nhà nước của nhân dân thông qua dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp. Tiếp tục khẳng định Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền công dân, quyền con người; xác định rõ quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

“Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và các cơ quan hữu quan cần thật sự phát huy dân chủ, huy động tối đa sự đóng góp trí tuệ của các tầng lớp nhân dân vào việc tổng kết, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp”, báo cáo tập hợp kiến nghị cử tri nêu rõ.

Liên quan đến sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân, ngăn ngừa lạm phát cao trở lại, bình ổn giá cả thị trường là kiến nghị của nhân dân tại nhiều địa phương.

Trước tình trạng các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đầu tư ngoài ngành, gây bức xúc trong dư luận về tính minh bạch và hiệu quả kinh tế của các đơn vị này, cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty sớm chấm dứt tình trạng này.

 Nhấn mạnh việc lập và quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu thời gian vừa qua không được sự đồng tình của nhân dân, cử tri đề nghị Chính phủ có giải pháp quản lý, điều hành giá xăng dầu, giá điện một cách hiệu quả, vừa đảm bảo vận hành từng bước theo cơ chế thị trường, vừa đảm bảo thúc đẩy sản xuất phát triển, không vì lợi ích cục bộ của doanh nghiệp mà ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân.

Luôn “nóng” tại các bản tập hợp ý kiến cử tri là tham nhũng, lãng phí với nhiều nhận định cho rằng, tình trạng tham nhũng, lãng phí hiện nay vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp.

Tại kỳ họp của Quốc hội vào cuối năm 2010, cử tri và nhân dân cũng nhận định, tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi, vẫn là vấn đề bức xúc. Trong khi đó công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí vẫn còn hạn chế, yếu kém; không ít trường hợp chưa phát hiện kịp thời, xử lý chưa nghiêm, nhất là xử lý trách nhiệm người đứng đầu; công tác tự phát hiện tham nhũng, lãng phí của các cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn là khâu yếu.

Qua một năm, cử tri nhìn nhận, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí còn nhiều hạn chế và chưa thực hiện được mục tiêu đề ra. Một số vụ án tham nhũng xử lý chậm, kéo dài, gây tâm lý hoài nghi, giảm sút lòng tin trong nhân dân về tính nghiêm minh của pháp luật. Tình trạng lãng phí trong đầu tư công, mua sắm tài sản công, quản lý, sử dụng đất công còn diễn ra ở nhiều nơi…

Kiến nghị Chính phủ có các giải pháp đồng bộ để xử lý và khắc phục có hiệu quả tình trạng trên, cử tri cũng đề nghị kết quả giải quyết những ý kiến, kiến của cử tri và nhân dân cần được thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết và giám sát.