10:16 29/01/2010

Không vào sàn, cổ phiếu công ty đại chúng hết “cửa” giao dịch

Lan Hương

Khá nhiều công ty đại chúng vẫn chưa hết băn khoăn khi thực hiện nghĩa vụ bắt buộc là đăng ký lưu ký tập trung tại VSD

Cổ phiếu công ty đại chúng sẽ giao dịch ở đâu nếu không vào sàn?
Cổ phiếu công ty đại chúng sẽ giao dịch ở đâu nếu không vào sàn?
Khá nhiều công ty đại chúng vẫn chưa hết băn khoăn khi thực hiện nghĩa vụ bắt buộc là đăng ký lưu ký tập trung tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) theo quy định của Luật Chứng khoán.

Điều khiến họ chưa thông là: khi đã đăng ký lưu ký xong rồi, mà doanh nghiệp không lên niêm yết tại sở giao dịch chứng khoán hoặc không vào UPCoM thì cổ phiếu sẽ giao dịch ở đâu?

Theo quy định của Luật Chứng khoán, chứng khoán của các công ty đại chúng phải được đăng ký tập trung tại VSD - điều 52 và phải lưu ký tập trung tại VSD trước khi thực hiện giao dịch (điều 53). Như vậy, dù có hoặc không tham gia các thị trường có tổ chức (niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán hay đăng ký giao dịch trên hệ thống UPCoM), trước tiên chứng khoán của công ty đại chúng bắt buộc phải đăng ký lưu ký tập trung tại VSD.  

Nhiều công ty đại chúng vẫn chưa chọn UPCoM  

Thị trường UPCoM ra đời nhằm tạo ra một thị trường giao dịch công khai, minh bạch cho tất cả các cổ phiếu của công ty đại chúng chưa niêm yết, đáp ứng một phần nhu cầu giao dịch cổ phiếu của các công ty đại chúng không đủ tiêu chuẩn hoặc chưa muốn niêm yết trên 2 sàn niêm yết chính thức.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là khối ngân hàng thương mại cổ phần, dù đã sẵn sàng cho việc đăng ký lưu ký tập trung, nhưng vẫn “từ chối” UPCoM. Để tiện việc giao dịch cho cổ đông, các ngân hàng thường chọn một công ty chứng khoán làm tổng đại lý giao dịch cổ phiếu cho mình và các giao dịch phát sinh sẽ được công ty chứng khoán đó báo lên VSD để tiện cho việc quản lý. Với những sự hạn chế nhất định về cơ chế giao dịch, UPCoM vẫn còn quá mới mẻ với công chúng, còn doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà.

Ông Trần Văn Dũng – Tổng giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) nhận xét: hiện nay có một thực tế là quy định đăng ký, lưu ký tập trung được quy định bởi Luật Chứng khoán, còn việc tham gia UPCoM thì Luật không bắt buộc.

“Có những doanh nghiệp nói rằng, nếu họ không vào UPCoM thì phải có cơ chế chuyển nhượng cho họ. Tất nhiên, để có được cơ chế đó, nếu xây mới thì phải mất ít nhất 3 năm nữa, nhưng với hệ thống của HNX thì có thể chỉ mất 6 tháng. Nhưng theo tôi, ý tưởng tốt hơn là nên sửa câu  chuyện của UPCoM chứ không phải là câu chuyện thị trường thứ 4 bởi vì, UPCoM hịên nay được xây dựng đảm bảo đựơc 3 yếu tố căn bản: bảo lãnh về thông tin, bảo lãnh về thanh toán và bảo lãnh về chuyển nhượng”, ông Dũng chia sẻ.

Hiện tại, để giải quyết hai vấn đề mấu chốt cho UPCoM là quy mô và thanh khoản, HNX đã đề xuất một số giải pháp và kiến nghị Ủy ban Chứng khoán và Bộ Tài chính, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến giải pháp mang tính pháp lý như: sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 14/2007/NĐ-CP, trong đó quy định: “Chứng khoán của công ty đại chúng phải đăng ký, lưu ký tập trung và giao dịch tại thị trường giao dịch chứng khoán theo hướng dẫn của Bộ Tài chính”.

Có như vậy, các công ty đại chúng sau khi đăng ký lưu ký chứng khoán tại VSD phải thực hiện niêm yết chứng khoán tại hai sở hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM. Cùng với đó, chế tài xử phạt với các trường hợp không tuân thủ quy định sẽ nghiêm khắc hơn, đối với các công ty đại chúng không tuân thủ quy định đăng ký là công ty đại chúng với Ủy ban Chứng khoán. Trước mắt, Ủy ban Chứng khoán sẽ không cho phép các công ty này thực hiện phát hành thêm, về lâu dài có thể Luật hoá đưa ra biện pháp kiên quyết hơn là không công nhận các kết quả phát hành của công ty đại chúng  vi phạm...  

Công ty chứng khoán sẽ lấp lỗ hổng

Tại hội nghị tập huấn các văn bản pháp luật về thị trường chứng khoán mới ban hành, vừa diễn ra tại Hà Nội, bà Vũ Thị Kim Liên - Phó chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước cho biết băn khoăn này của các công ty đại chúng sẽ được giải quyết sớm.

Hiện nay, Ủy ban chứng khoán Nhà nước đang chuẩn bị hướng dẫn cụ thể theo hướng: sau khi đăng ký rồi nếu doanh nghiệp không muốn vào các thị trường có tổ chức (thị trường niêm yết tại hai sở giao dịch chứng khoán và UPCoM) thì doanh nghiệp có thể chọn 1 trong hai cách để thực hiện việc giao dịch cổ phiếu của mình.

Tổ chức phát hành cũng có thể chọn cách ủy quyền cho công ty chứng khoán làm đại lý chuyển nhượng cho mình hoặc tự tổ chức phát hành đứng ra làm chuyển nhượng.

Tuy nhiên, theo bà Liên, nếu tổ chức phát hành tự đứng ra làm sẽ phải đáp ứng một số điều kiện nhằm đảm bảo các giao dịch chuyển nhượng được hợp pháp và khi chuyển kết quả giao dịch lên VSD thì cơ quan này sẽ chuyển sổ và đảm bảo việc sang tên chuyển nhượng kịp thời và thực hiện quyền sở hữu hợp pháp của cổ đông.

Tất nhiên, việc làm chuyển nhượng tại tổ chức phát hành sẽ phát sinh một số vấn đề về thực tế và chi phí và tổ chức phát hành nên cân nhắc thiệt hơn trước khi quyết định. Chọn cách thứ hai, ủy quyền cho công ty chứng khoán làm đại lý chuyển nhượng - cách mà nhiều doanh nghiệp đang áp dụng, thì đơn giản và thuận tiện hơn, tiện lợi và chuyên nghiệp hơn nhưng công ty chứng khoán được ủy quyền làm đại lý phải đáp ứng một số nghĩa vụ nhất định thì VSD mới ghi nhận quyền chuyển quyền sở hữu một cách chính xác và kịp thời.  

Theo định hướng của Chính phủ về việc mở rộng thị trường giao dịch có tổ chức và thu hẹp thị trường tự do, trong thời gian tới, các công ty đại chúng chắc chắn sẽ phải tham gia thị trường niêm yết hoặc thị trường UPCoM để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và nhà đầu tư. Nhưng rõ ràng với cách làm và chế tài còn nhẹ như hiện nay, việc lên sàn mới chỉ dừng ở mức độ khuyến khích, chắc chắn sẽ vẫn còn rất nhiều công ty đại chúng chọn cách thứ tư : tự mình làm thành một thị trường giao dịch.