Kiểm soát ngoại tệ qua biên giới: Có gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu?
Thực tế trong nhiều giao dịch, đặc biệt là những thương nhân xuất, nhập khẩu hàng hóa số lượng nhỏ thì việc giao dịch tiền mặt vẫn thường xuyên diễn ra
Việc chuyển tiền ra nước ngoài để thanh toán cho hợp đồng mua hàng và việc nhận nguồn thu ngoại tệ từ hợp đồng bán hàng trong cùng một giao dịch kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa của thương nhân phải được thực hiện tại cùng một ngân hàng được phép.
Đó là một trong những quy định đang được Ngân hàng Nhà nước đưa ra trong dự thảo Thông tư hướng dẫn hoạt động thanh toán, chuyển tiền liên quan đến kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa.
Theo Ngân hàng Nhà nước, năm 2018 Chính phủ đã ban hành Nghị định 69 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương và trong đó có quy định; "Việc thanh toán tiền hàng kinh doanh chuyển khẩu phải tuân thủ các quy định về quản lý ngoại hối và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước".
Do đó, để kiểm soát hoạt động thanh toán, chuyển tiền ra nước ngoài của thương nhân trong các giao dịch chuyển khẩu hàng hóa, đảm bảo các giao dịch thực hiện đúng mục đích, tuân thủ các quy định của pháp luật dự thảo Thông tư đã đưa ra quy định việc thanh toán, chuyển tiền liên quan đến kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa được thực hiện trên cơ sở hai giao dịch thanh toán, chuyển tiền riêng biệt là giao dịch chuyển tiền để thanh toán cho hợp đồng mua hàng và giao dịch nhận tiền từ hợp đồng bán hàng.
Hai giao dịch này, hay nói khác là mọi hoạt động thanh toán, chuyển tiền liên quan đến kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa phải thực hiện thông qua ngân hàng được phép theo các phương thức thanh toán phù hợp với tập quán quốc tế.
Việc chuyển tiền ra nước ngoài để thanh toán cho hợp đồng mua hàng và việc nhận nguồn thu ngoại tệ từ hợp đồng bán hàng trong cùng một giao dịch kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa của thương nhân phải được thực hiện tại cùng một ngân hàng được phép.
Dự thảo còn quy định, nguồn thu ngoại tệ từ hợp đồng bán hàng phải chuyển vào tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ của thương nhân mở tại ngân hàng được phép tại Việt Nam phù hợp với thời hạn thanh toán của hợp đồng hoặc các chứng từ thanh toán. Thương nhân được sử dụng ngoại tệ trên tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ của thương nhân đó, ngoại tệ mua của ngân hàng được phép để chuyển ra nước ngoài thanh toán cho các hợp đồng mua hàng.
Về phía các ngân hàng, dự thảo quy định trách nhiệm phải xây dựng quy định nội bộ và thực hiện kiểm soát luồng ngoại tệ chuyển ra – vào lãnh thổ Việt Nam khi thực hiện các giao dịch thanh toán, chuyển tiền liên quan đến hoạt động kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa cho khách hàng. Theo đó, ngân hàng được phép xem xét, kiểm tra, lưu giữ các giấy tờ và chứng từ phù hợp để đảm bảo việc cung ứng các dịch vụ ngoại hối được thực hiện đúng mục đích và phù hợp quy định của pháp luật.
Còn về phía các thương nhân có trách nhiệm phải xuất trình chứng từ theo quy định của ngân hàng được phép khi mua, thanh toán, chuyển tiền phục vụ hoạt động kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các loại giấy tờ, chứng từ đã xuất trình cho ngân hàng được phép.
Dự thảo còn quy định các hành vi bị cấm như sử dụng bộ hồ sơ chứng từ của một giao dịch kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa để thanh toán, chuyển tiền hoặc nhận nguồn thu ngoại tệ tại nhiều ngân hàng được phép. Gian lận, làm giả giấy tờ liên quan đến các hoạt động kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa để thực hiện thanh toán, chuyển tiền ra nước ngoài. Lợi dụng kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa để thanh toán, chuyển tiền cho các mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo, gian lận...
Nhiều ý kiến của doanh nghiệp lo lắng về quy định "việc chuyển tiền ra nước ngoài để thanh toán cho hợp đồng mua hàng và việc nhận nguồn thu ngoại tệ từ hợp đồng bán hàng trong cùng một giao dịch kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa của thương nhân phải được thực hiện tại cùng một ngân hàng được phép".
Vì thực tế thương nhân có thể mở tài khoản thanh toán tại nhiều ngân hàng khác nhau, có thể trong cùng một giao dịch được thực hiện ở hai hay nhiều ngân hàng khác nhau để phù hợp với nhu cầu của thương nhân ở từng thời điểm nhất định.
Do đó chỉ nên quy định là các giao dịch phải được thực hiện tại "các ngân hàng" được phép tại Việt Nam mà không phải là "cùng một ngân hàng".
Về quy định "nguồn thu ngoại tệ từ hợp đồng bán hàng phải chuyển vào tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ của thương nhân mở tại ngân hàng được phép tại Việt Nam phù hợp với thời hạn thanh toán của hợp đồng hoặc các chứng từ thanh toán", nhiều ý kiến cho rằng đây là quy định bất hợp lý vì việc thương nhân có thể nhận ngoại tệ bằng tiền mặt rồi bán cho ngân hàng để lấy nội tệ phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước của mình.
Thực tế trong nhiều giao dịch, đặc biệt là những thương nhân xuất, nhập khẩu hàng hóa số lượng nhỏ thì việc giao dịch tiền mặt vẫn thường xuyên diễn ra.
Mặt khác, pháp luật đã có quy định việc khai báo khi mang tiền mặt qua biên giới, do đó không nên khắt khe bắt tất cả giao dịch kinh doanh chuyển khẩu phải thanh toán qua ngân hàng. Theo đó, Thông tư có thể đưa ra quy định về định mức giao dịch phải thực hiện qua ngân hàng, nếu giao dịch nhỏ hơn có thể chuyển tiền mặt và khai báo hải quan thông thường.
Theo lí giải của Ngân hàng Nhà nước, hoạt động kinh doanh chuyển khẩu là hoạt động rủi ro, doanh nghiệp có thể lợi dụng để chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài do hàng hóa chuyển khẩu có thể được mua bán ở các nước khác không qua Việt Nam, không có tờ khai hải quan về hàng hóa xuất nhập khẩu.
Do đó việc đưa ra các quy định như vậy sẽ giúp ngân hàng được phép kiểm soát nguồn ngoại tệ chuyển ra cũng như đảm bảo doanh nghiệp phải chuyển nguồn thu ngoại tệ về nước.