09:47 23/06/2014

Kiểm tra sau thông quan 5 năm có quá dài?

Nguyễn Lê

Gồm 8 chương, 104 điều, dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015

Thêm một dự án luật đã được Quốc hội thông qua.<br>
Thêm một dự án luật đã được Quốc hội thông qua.<br>
Với đa số phiếu thuận, sáng 23/6 Quốc hội đã thông qua Luật Hải quan (sửa đổi).

Một trong ba nội dung được biểu quyết riêng trước khi thông qua toàn bộ dự thảo luật là kiểm tra sau thông quan.

Điều 77 của luật quy định, thời hạn kiểm tra sau thông quan là 5 năm, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan.

Quá trình thảo luận có ý kiến đại biểu cho rằng thời gian như vậy là quá dài, có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ý kiến khác đề nghị quy định thời hạn kiểm tra sau thông quan là 5 năm với trường hợp kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan và quy định khác của pháp luật liên quan đến quản lý xuất khẩu, nhập khẩu.Còn với các trường hợp khác thì thời hạn kiểm tra sau thông quan là 2 năm kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan.

Tại báo cáo tiếp thu, giải trình dự án luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích, xuất phát từ việc thay đổi phương thức quản lý, chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, kiểm tra sau thông quan sẽ là khâu chủ yếu và có vai trò hết sức quan trọng nhằm bảo đảm kiểm soát chặt chẽ quá trình tuân thủ pháp luật của người khai hải quan.

Vì vậy, việc xác định thời hạn kiểm tra sau thông quan là 5 năm kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan là phù hợp với phương thức quản lý hải quan hiện đại cũng như năng lực thực hiện kiểm tra sau thông quan của tổ chức bộ máy hải quan. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho được giữ quy định 5 năm như dự thảo.

Biểu quyết riêng về điều này, trong số 454 đại biểu tham gia có 450 vị đồng ý, 2 người không đồng ý và 2 vị không biểu quyết.

Bên cạnh một số nội dung xin giữ nguyên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã tiếp thu một số ý kiến đại biểu khi hoàn thiện dự thảo luật lần cuối.

Như, có ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung quy định chủ hàng hóa bên nhận đối với hàng gây ô nhiễm môi trường phải có trách nhiệm vận chuyển hàng hóa đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Tiếp thu ý kiến này, dự thảo luật đã quy định cụ thể các chủ thể có trách nhiệm vận chuyển hàng hóa gây ô nhiễm môi trường ra khỏi lãnh thổ Việt Nam bao gồm: chủ phương tiện vận tải, người điều khiển phương tiện vận tải hoặc người được chủ phương tiện vận tải ủy quyền, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết.

Gồm 8 chương, 104 điều, dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015.