14:41 25/07/2021

Kiến nghị chú trọng giải quyết "tử huyệt" của nền kinh tế, áp dụng "hộ chiếu vaccine" toàn dân

Quang Trung

Đây là những kiến nghị được các đại biểu Quốc hội đưa ra tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội cũng như công tác phòng chống dịch Covid-19 sáng 25/7...

Đại biểu Vũ Tiến Lộc - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, thảo luận tại phiên họp - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Vũ Tiến Lộc - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, thảo luận tại phiên họp - Ảnh: Quochoi.vn

Sáng 25/7, Quốc hội thảo luận tại hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

ĐẢM BẢO "MỤC TIÊU KÉP", KHÔNG "NGĂN SÔNG CẤM CHỢ"

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao về những kết quả đạt được thời gian qua bất chấp những khó khăn chưa từng thấy do đại dịch Covid-19 gây ra. Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tiếp tục có những diễn biến khó lường, các đại biểu cũng đưa ra nhiều kiến nghị, góp ý cho kế hoạch thực hiện “mục tiêu kép” thời gian tới.

Phát biểu tại hội trường, Đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) chia sẻ, chưa bao giờ Bình Dương cũng như các tỉnh, thành phố khu vực phía nam bị “thương tổn” như trong hoàn cảnh dịch bệnh hiện nay. Đại biểu cho biết việc sản xuất trong tâm dịch là vô cùng khó khăn.

“Với việc ngăn sông cấm chợ, địa phương này cách ly với địa phương khác khiến công tác vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu sản xuất không hề đơn giản, thử hỏi các địa phương phải đảm bảo thực hiện mục tiêu kép như thế nào”?, đại biểu đặt câu hỏi.

Do đó, đại biểu kiến nghị cần tạo cơ chế thuận lợi hơn trong việc trung chuyển, cung ứng hàng hóa nguyên vật liệu từ địa phương này đến địa phương khác để tiếp tục duy trì mạch sống của nền kinh tế.

“Để đạt mục tiêu kép, các tỉnh thành trọng điểm về phát triển kinh tế, thu ngân sách Nhà nước cần được quan tâm bảo vệ, có cơ chế ưu tiên để lựa chọn doanh nghiệp điều phối, tiếp cận mọi nguồn lực từ phòng chống dịch đến kinh tế”, đại biểu đoàn Bình Dương kiến nghị.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân, đoàn Bình Dương, phát biểu tại phiên thảo luận - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Phạm Trọng Nhân, đoàn Bình Dương, phát biểu tại phiên thảo luận - Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu cũng nhấn mạnh chúng ta phải sẵn sàng chuẩn bị cho tình hình xấu hơn nữa, ý thức tự cứu mình của mọi người dân phải nâng lên ở mức cao nhất vì nguồn lực của Nhà nước là có hạn.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), cho rằng, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong nước, Chính phủ cần quan tâm cập nhật, xây dựng các kịch bản về dịch bệnh và dựa vào các kịch bản đó xây dựng các chỉ tiêu, kịch bản cho sản xuất, cho phát triển kinh tế một cách hiệu quả, bền vững.

“Trước mắt cần tập trung mạnh ưu tiên nguồn lực để chống dịch và phải giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm đời sống nhân dân. Cần đặc biệt triển khai thực hiện nghiêm túc nguyên tắc 5K+vaccine trong chống dịch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chẩn đoán, khám chữa bệnh và thực hiện các hoạt động chỉ đạo khác về y tế; tổ chức các bệnh dã chiến với các tầng, tháp hiệu quả, khả thi trong điều trị dịch bệnh; tăng cường hơn nữa các hoạt động hội họp trực tuyến để bảo đảm giãn cách, giảm thiểu lây lan dịch bệnh”, đại biểu đoàn Hà Nội kiến nghị.

CHÚ TRỌNG GIẢI QUYẾT "TỬ HUYỆT" CỦA NỀN KINH TẾ, ÁP DỤNG "HỘ CHIẾU VACCINE" TOÀN DÂN

Cũng đóng góp ý kiến về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) đánh giá cao việc chính phủ chủ động trong việc triển khai các giải pháp phát triển kinh tế trong giai đoạn gian nan bậc nhất của nền kinh tế trong suốt thập kỷ qua. Đại biểu cho rằng việc thực hiện “mục tiêu kép” - vừa chăm lo sức khỏe vừa chăm lo sinh kế cho người dân đều là hai mục tiêu hệ trọng.

Tuy nhiên, đại biểu Vũ Tiến Lộc chỉ ra một số vấn đề đáng quan ngại trong nền kinh tế trước những tác động khó lường của đại dịch. Cho rằng nền kinh tế ở đầu quý 3 xấu hơn rất nhiều so với nửa đầu năm, đại biểu kiến nghị cần tính toán hết sức cẩn trọng cho những tháng cuối năm.

“Nhìn vào những con số của 6 tháng đầu năm, có thể thấy được sự phân hóa của các khu vực trong nền kinh tế. Trong khi kinh tế đối ngoại tăng trưởng tốt với tổng kim ngạch xuất khẩu cao hơn 30% so với năm ngoái, kinh tế trong nước rơi vào tình trạng trầm lắng do sức mua rất yếu. Đây chính là vấn đề”, đại biểu Vũ Tiến Lộc chỉ ra.

Đại biểu dẫn chứng tổng mức bán lẻ, doanh thu dịch vụ hàng hóa tiêu dùng 6 tháng đầu năm nay gần như dậm chân tại chỗ so với cùng kỳ 2 năm trước, tốc độ tăng trưởng dịch vụ chỉ tương đương tốc độ tăng trưởng thấp của khu vực nông lâm ngư nghiệp - lĩnh vực thường có tốc độ tăng trưởng thấp nhất từ tước tới nay.

“Tốc độ tăng trưởng dịch vụ kém xa với xây dựng, công nghiệp. Đây là tín hiệu đáng lo ngại bởi dịch vụ thường được xem là ‘ngôi sao hy vọng’ của nền kinh tế Việt Nam. Sự tương phản này là do ảnh hưởng của Covid-19. Ngoài ngân hàng, tài chính bảo hiểm, các ngành dịch vụ khác đang thực sự trở thành ‘tử huyệt’ của nền kinh tế”, đại biểu đoàn Hà Nội nhận định.

Theo đại biểu, nhiều doanh nghiệp du lịch, hàng không, khách sạn, nhà hàng, vận tải đang “chết dần, chết mòn” và nhiều trong số này không có khả năng vực dậy sau đại dịch nếu như không có những biện pháp hỗ trợ thiết thực và mạnh mẽ cho khu vực này.

Trên cơ sở đó, đại biểu cho rằng, trong khi doanh thu của doanh nghiệp không có nhiều, việc hỗ trợ sẽ hiệu quả hơn nếu tăng chi cho các đối tượng yếu thế. Việc này vừa kích thích tiêu dùng vừa giải quyết vấn đề xã hội, “một mũi tên trúng hai đích”

Bên cạnh đó, đại biểu Vũ Tiến Lộc cũng đề xuất có những giải pháp căn cơ như áp dụng hỗ chiếu vaccine cho toàn dân, khi có được một tỷ lệ dân tiêm vaccine đầy đủ nhất định.

Các đại biểu tại phiên thảo luận sáng nay - Ảnh: Quochoi.vn
Các đại biểu tại phiên thảo luận sáng nay - Ảnh: Quochoi.vn

“Trong lĩnh vực dịch vụ, trợ giúp về tài chính là một giải pháp nhưng căn cơ là phải áp dụng hộ chiếu vaccine càng sớm càng tốt - cho toàn dân. Đây là động lực kinh tế có thể phục hồi”, đại biểu nhấn mạnh.

Về các biện pháp cải cách thể chế, đại biểu Vũ Tiến Lộc đánh giá cao Chính phủ đã tập trung rà soát những điểm bất hợp lý để kiến nghị với Quốc hội, thành lập các tổ công tác đặc biệt để thúc đẩy, hỗ trợ triển khai cho các dự án FDI và các dự án tư nhân để đẩy nhanh các thủ tục hành chính, đưa các dự án vào sản xuất kinh doanh. Đây là biện pháp rất quan trọng để thúc đẩy kinh tế trong những tháng cuối năm 2021.

ĐẨY MẠNH GIẢI NGÂN ĐẦU TƯ CÔNG, NHƯNG PHẢI CHẶT CHẼ, CHỐNG LÃNG PHÍ

Đóng góp cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới, đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) đề nghị, thời gian tới, với việc kiên định thực hiện mục tiêu kép, thời gian tới, Chính phủ cần dành sự quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân, thi công các dự án giao thông mang tính kết nối liên vùng cũng như quan tâm đầu tư cho các dự án thủy lợi để tạo điều kiện thúc đẩy hoạt đông sản xuất nông nghiệp – một bệ đỡ, một ngành kinh tế chủ lực của đất nước.

Đại biểu Nguyễn Cao Sơn cho rằng các dự án đầu tư hiện nay bị chậm tiến độ phần nhiều do những khó khăn, tồn tại, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Do đó, đại biểu kiến nghị tách riêng hợp phần giải phóng mặt bằng thành một dự án khác, qua đó tập trung tháo gỡ khó khăn, xử lý hiệu quả vấn đề giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, tạo dựng hạ tầng tốt cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Đồng tình với quan điểm này, Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đề nghị Chính phủ cần tập trung tối đa nguồn lực kinh tế của đất nước cho những nhiệm vụ cấp bách, phải loại bỏ, cắt giảm những dự án không hợp lý, xử lý dứt điểm các dự án đang thua lỗ…

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, đoàn Kiên Giang, phát biểu tại phiên thảo luận - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, đoàn Kiên Giang, phát biểu tại phiên thảo luận - Ảnh: Quochoi.vn

Trong khi đó, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) bày tỏ mong muốn Chính phủ quan tâm ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng giao thông khu vực này để khai thác mạnh mẽ tiềm năng to lớn của vùng. Đại biểu lưu ý, trong kế hoạch phát triển thời gian tới, chưa có Dự án xây dựng cao tốc Kiên Giang-Hà Tiên-Rạch Giá, do đó đề nghị cần đưa Dự án này vào Kế hoạch, trước mắt có thể là đoạn Hà Tiên-Rạch Giá để kết nối với cao tốc Lộ Tẻ-Rạch Sỏi.

Đề cập đến việc lập và triển khai các dự án đầu tư, Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần đặc biệt quan tâm đến xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi tường, đề cao tính thực chất của báo cáo, tránh những báo cáo đánh giá một cách hời hợt, manh tính hình thức, thiếu thực chất.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, trong huy động các nguồn lực đầu tư cần phải có các giải pháp mang tính cụ thể; có căn cứ, có tính thuyết phục, có mục tiêu rõ ràng trong huy động vốn đầu tư thực hiện các dự án; tránh trình trạng đầu tư dàn trải, gây thất thoát, lãng phí.

Phát biểu thảo luận tại hội trường sáng nay, đại biểu Dương Văn Phúc (Quảng Nam) cho rằng, để bảo đảm nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ cần quan tâm hơn nữa việc xây dựng bộ máy trong sạch, vững mạnh, tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, cắt giảm các khâu trung gian; giảm chi thường xuyên, triệt để thực hành tiết kiệm chống lãng phí; có các chính sách thỏa đáng trong thu hút nhân tài vào làm việc tại các cơ quan nhà nước; kiên quyết tinh giản những cán bộ không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, năng lực làm việc kém;…

Đề cập tới một số trường hợp lãng phí trong thực hiện đầu tư công, Đại biểu Dương Văn Phúc đề nghị cần quan tâm, xiết chặt hơn nữa hoạt động đầu tư công, tránh đầu tư sai mục đích, gây lãng phí, thất thoát tiền của của nhà nước và nhân dân.