11:39 25/07/2021

Đại biểu Quốc hội: Quyết liệt cách ly nhưng không tách rời, không được làm đứt gãy nền kinh tế

Quang Trung

Sáng 25/7, Quốc hội dành một ngày để thảo luận về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các giải pháp phòng chống Covid-19...

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, đoàn Bắc Kạn - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, đoàn Bắc Kạn - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Thủy - đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - bày tỏ sự quan tâm lớn tới những vấn đề nóng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua. 

Đại biểu cho rằng, thời gian qua, nhiều địa phương đã có những giải pháp phòng chống dịch sáng tạo, linh hoạt. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh rằng quyết liệt chống dịch nhưng không nên áp dụng các "biện pháp thái quá, cực đoan".

Nữ đại biểu lấy ví dụ việc một số địa phương áp dụng biện pháp thái quá như không cho xe chở nông sản đi qua dù đã có giấy kiểm dịch. 

"Có doanh nghiệp phản ánh đã thông chốt kiểm soát dịch qua nhiều tỉnh nhưng đến tỉnh cuối cùng cần giao hàng thì xe lại phải quay đầu ra vì mỗi tỉnh mỗi quy định", đại biểu Nguyễn Thị Thủy dẫn chứng thực tế.

Đại biểu nhấn mạnh rằng cả nước như cơ thể sống, quan hệ tuần hoàn chặt chẽ. Do đó, không thể vì dịch bệnh mà ngăn cách.

“Vấn đề là phải làm sao để cách ly mà không tách rời, không làm đứt gãy nền kinh tế", nữ đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu đánh giá cao việc Chính phủ đã sớm chỉ đạo các địa phương này có sự điều chỉnh phù hợp để bảo đảm chống dịch nhưng không “ngăn sông cấm chợ”. 

Đồng tình với quan điểm của đại biểu Nguyễn Thị Thủy, đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) cho rằng chúng ta phải sẵn sàng chuẩn bị cho tình hình xấu hơn nữa, ý thức tự cứu mình của mọi người dân phải nâng lên ở mức cao nhất vì nguồn lực của Nhà nước là có hạn.

"Tình hình sản xuất trong tâm dịch vô cùng khó khăn. Phải đảm bảo 'mục tiêu kép'. Sản xuất trong các khu công nghiệp cũng cần sự liên kết, trung chuyển giữa nơi này đến nơi khác vẫn phải duy trì, không để đứt gãy nền kinh tế", đại biểu Phạm Trọng Nhân nhấn mạnh.

Về các biện pháp hỗ trợ với người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đại biểu Nguyễn Thị Thủy đánh giá quyết định tiếp tục triển khai gói hỗ trợ an sinh mới của Đảng và Nhà nước là một quyết sách kịp thời và hợp lòng dân. Tuy nhiên, bà kiến nghị Chính phủ sớm giao các bộ ngành liên quan, có phần mềm thống kê liên thông các đối tượng được hỗ trợ để chính sách thực hiện đúng đối tượng. Bà cũng kiến nghị cần phải rà soát để đánh giá sức chống chịu của doanh nghiệp, từ đó có giải pháp căn cơ thời gian tới.

Cũng nêu ý kiến về nội dung này, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) kiến nghị Chính phủ cần có những hoạt động kiểm soát chặt chẽ trong quá trình triển khai các chính sách phòng chống dịch, tránh tình trạng bị trục lợi trong thực hiện chính sách.

Đại biểu đoàn Hà Nội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường hơn nữa việc thúc đẩy giải ngân gói 26.000 tỷ để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trên tinh thần công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đúng pháp luật…