10:16 24/09/2014

Kim ngạch xuất nhập khẩu vượt 216 tỷ USD sau 9 tháng

Thái Hà

Theo số liệu của cơ quan thống kê, sau 9 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 216,8 tỷ USD

Mặc dù mức nhập siêu ở mức 0,6 tỷ USD trong tháng 9 nhưng xét 9 tháng đầu năm kinh tế Việt Nam vẫn xuất siêu khoảng 2,5 tỷ USD
Mặc dù mức nhập siêu ở mức 0,6 tỷ USD trong tháng 9 nhưng xét 9 tháng đầu năm kinh tế Việt Nam vẫn xuất siêu khoảng 2,5 tỷ USD
Theo số liệu của cơ quan thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 9/2014 của cả nước ước đạt 25,4 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 12,4 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu đạt 13 tỷ USD.

Sau 9 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 216,8 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 109,6 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu đạt 107,2 tỷ USD.

Như vậy, mặc dù mức nhập siêu ở mức 0,6 tỷ USD trong tháng 9 nhưng xét 9 tháng đầu năm kinh tế Việt Nam vẫn xuất siêu khoảng 2,5 tỷ USD, trong đó khu vực FDI xuất siêu 12,7 tỷ USD, còn các doanh nghiệp trong nước nhập siêu 10,2 tỷ USD.

Đối với hoạt động xuất khẩu, xét riêng tháng 9 do có một số ngày nghỉ lễ nên số ngày làm việc ít hơn khiến kim ngạch ước đạt 12,4 tỷ USD, giảm 6,6% tương đương 872,3 triệu USD so với tháng 8.

Xét chung 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 109,6 tỷ USD tăng 14,2%  tương đương 13,6 tỷ USD, trong đó khu vực FDI (kể cả dầu thô) ước đạt 73 tỷ USD - tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2013.

Một số mặt hàng có kim ngạch tăng mạnh là hàng dệt may tăng 18,9%  - tương đương 2,5 tỷ USD; giầy dép tăng 25,3% - tương đương 1,5 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện tăng 10,1% tương đương 1,6 tỷ USD và dầu thô tăng 8,7% tương đương 465 triệu USD.
 
Đối ngược với hoạt động xuất khẩu, trong tháng 9 kim ngạch nhập khẩu ước đạt 13 tỷ USD, tăng 6,6%  tương đương 802 triệu USD so với tháng 8, trong đó khu vực FDI ước 7,5 tỷ USD - tăng 6,6%.

Xét riêng 9 tháng, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 107,2 tỷ USD, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2013.
 
Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng so với cùng kỳ như vải tăng 15,1%; nguyên phụ liệu dệt may da giầy tăng 25,3%; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 21,2% và sản phẩm chất dẻo tăng 23,1%.

Tóm lại, sau 9 tháng đầu năm kinh tế Việt Nam vẫn xuất siêu là tín hiệu tốt phản ánh hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam đã và đang khẳng định chỗ đứng trên thị trường quốc tế, góp phần ổn định tỷ giá và kinh tế vĩ mô trong nước.
Ngoài ra, những tín hiệu về mức nhập khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng khá mạnh cũng phản ánh tình hình sản xuất khả quan của khu vực này.