10:56 11/01/2008

Kinh tế thế giới trước tác động tiêu cực từ Mỹ

Quốc Trung

Nền kinh tế Mỹ đang đứng trước khả năng rơi vào suy thoái năm 2008 sẽ tác động tiêu cực tới kinh tế toàn cầu

Năm qua, thị trường chứng khoán Mỹ liên tục chao đảo.
Năm qua, thị trường chứng khoán Mỹ liên tục chao đảo.
Nền kinh tế Mỹ đang đứng trước khả năng rơi vào suy thoái năm 2008 sẽ tác động tiêu cực tới kinh tế toàn cầu. Trong báo cáo ngày 9/1, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã chỉ ra một loạt những nguy cơ, rủi ro từ sự ảm đạm của nền kinh tế Mỹ.

Do những khó khăn tài chính của năm 2007 chưa giải quyết xong, nên triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm 2008 trở nên bấp bênh hơn so với năm trước.

"Cơn bão" tài chính chưa tan

Trong năm 2007, các ngân hàng và tổ chức tài chính trên thế giới thua lỗ hàng tỷ USD do bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng trên thị trường tín dụng thứ cấp đầy rủi ro của Mỹ. Một số ngân hàng trung ương đã phải "bơm" hàng tỷ USD vào các thị trường tài chính để duy trì khả năng thanh toán.

Đây là năm, kinh tế Mỹ bị tác động khá mạnh bởi cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong 16 năm qua trong lĩnh vực địa ốc và những biến động của thị trường tài chính tín dụng, làm cho thị trường chứng khoán liên tục bị chao đảo, buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong 3 tháng cuối năm phải liên tục 3 lần cắt giảm lãi suất từ mức 5,25% xuống 4,25%.

FED cũng không chỉ rót hơn 400 tỷ USD mà còn kêu gọi ngân hàng trung ương các nước, chủ yếu là Ngân hàng Trung ương châu Âu, hợp tác để bình ổn thị trường tài chính toàn cầu.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế thế giới vẫn lo ngại "cơn bão" tài chính vẫn chưa tan. Trong khi đó, năm 2008, kinh tế Mỹ dự báo sẽ phát triển chậm lại. Ngày 17/11/2007, FED đã hạ thấp mức dự báo tốc độ tăng GDP năm 2008 xuống 1,8%-2,5% so với mức dự báo 2,5%-2,75% hồi tháng 6 cùng năm.

Tiếp đó, ngày 29/11, Nhà Trắng cũng hạ thấp mức dự báo tăng GDP năm 2008 từ 3,1% xuống 2,7%.

Ông Abby Joseph Cohen, chuyên gia chiến lược đầu tư của tổ chức Goldman Sach dự báo 2008 sẽ là năm trì trệ đối với kinh tế Mỹ vì cuộc khủng hoảng địa ốc sẽ còn xấu hơn và tỷ lệ thất nghiệp sẽ cao hơn (khoảng 5,1%-5,2% so với 4,7% năm 2007).

Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 12/2007 tăng cao nhất kể từ tháng 8/2003 là dấu hiệu rõ nét nhất về nguy cơ kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, trở thành nguyên nhân trực tiếp làm giới đầu tư lo lắng bán đổ bán tháo cổ phiếu khiến tất cả các loại cổ phiếu chủ lực tại thị trường chứng khoán Mỹ trong ngày 4/1 vừa qua bị sụt giảm khá mạnh.

Kinh tế châu Á vẫn tăng trưởng cao

WEF cho rằng việc tăng giá lương thực, vấn đề an ninh năng lượng, biến đổi khí hậu và khủng bố cũng là những nguy cơ tiềm tàng ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới.

Theo WEF, cộng đồng quốc tế cần vạch ra những chiến lược mới để đối phó với những rủi ro trên. WEF cảnh báo những nguyên nhân gây mất ổn định an ninh lương thực toàn cầu như bùng nổ dân số, thay đổi cách sống, sử dụng cây công nghiệp để sản xuất nhiên liệu sinh học và biến đổi khí hậu có thể sẽ gia tăng trong thập kỷ tới.

Theo WEF, hiện các nhà kinh tế thế giới đang tranh cãi liệu tốc độ tăng trưởng tại các nền kinh tế châu Á có thể xoay chuyển được bức tranh kinh tế toàn cầu hay không. Nhìn chung, nhận định của các chuyên gia gần đây đều cho rằng, dù kinh tế Mỹ ảm đạm gây tác động tiêu cực, song các nền kinh tế châu Á vẫn bứt phá mạnh mẽ trong năm 2008.

Ngày 9/1, Uỷ ban Kinh tế và Xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương của LHQ (ESCAP) ra báo cáo với tiêu đề "Các nhân tố trụ cột phát triển kinh tế và triển vọng của châu Á-Thái Bình Dương năm 2008" đã khẳng định bất chấp sự bất ổn của nền kinh tế Mỹ, kinh tế châu Á-Thái Bình Dương vẫn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao và ổn định trong năm 2008, do tốc độ tăng trưởng mạnh của nền kinh tế Trung Quốc, Ấn Độ và giá cả hàng hoá tiếp tục ở mức cao.

Các nước đang phát triển ở châu Á đạt tốc độ tăng trưởng 8,2% trong năm 2007 và sẽ duy trì ở mức 7,8% trong năm 2008.