15:20 12/05/2014

Kỷ lục dự trữ ngoại hối khiến Trung Quốc đau đầu

An Huy

Tăng trưởng GDP của Trung Quốc có thể rơi xuống mức thấp nhất kể từ thập niên 1990

Dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới của Trung Quốc tăng thêm 130 tỷ USD trong quý 1 năm nay, lên kỷ lục mới 3,95 nghìn tỷ USD - Ảnh: Getty.<br>
Dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới của Trung Quốc tăng thêm 130 tỷ USD trong quý 1 năm nay, lên kỷ lục mới 3,95 nghìn tỷ USD - Ảnh: Getty.<br>
Trong một bài phát biểu ngày Chủ Nhật (11/5), Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thừa nhận rằng, dự trữ ngoại hối khổng lồ đã trở thành gánh nặng đối với Bắc Kinh. Theo ông Lý, nếu dự trữ này còn tiếp tục tăng lên, lạm phát của Trung Quốc có nguy cơ bùng nổ trong dài hạn, đồng thời cam kết sẽ giảm thặng dư thương mại.

Theo hãng tin Reuters, dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới của Trung Quốc tăng thêm 130 tỷ USD trong quý 1 năm nay, lên kỷ lục mới 3,95 nghìn tỷ USD. Ngân hàng Trung ương nước này (PBoC) đã cam kết duy trì dự trữ ngoại hối ở mức phù hợp, một phần bằng cách giảm hoạt động can thiệp vào thị trường tiền tệ.

“Thực lòng mà nói, dự trữ ngoại hối đã trở thành một gánh nặng lớn cho chúng tôi, bởi vì dự trữ như vậy kéo theo cung tiền lớn, có thể ảnh hưởng tới lạm phát”, hãng Phoenix New Media dẫn lời ông Lý nói trong chuyến thăm Kenya. “Theo quan điểm của chúng tôi, kiểm soát kinh tế vĩ mô có thể đối mặt với áp lực lớn nếu thương mại nói chung mất cân bằng”.

Theo ông Lý, Trung Quốc sẽ có những bước đi để giảm thâm hụt thương mại với thế giới.

Theo các chuyên gia, việc PBoC mua vào ngoại tệ, theo đó bơm Nhân dân tệ ra thị trường trong can đợt can thiệp định kỳ nhằm hạn chế sự tăng giá của đồng nội tệ, dẫn tới cung tiền mặt trong hệ thống tăng và nguy cơ lạm phát cao. Để đảo ngược xu hướng đáng ngại này, PBoC sẽ phải hút bớt Nhân dân tệ dư thừa khỏi hệ thống tài chính.

Trong mấy tuần gần đây, PBoC bị nghi ngờ “đạo diễn” đồng Nhân dân tệ mất giá mạnh, nhằm khiến các nhà đầu cơ đặt cược vào sự tăng giá của đồng tiền này phải trả giá.

Hồi tháng 11 năm ngoái, Phó thống đốc PBoC Nghị Cương, phát biểu rằng, nếu dự trữ ngoại hối của Trung Quốc vượt một ngưỡng nhất định nào đó, thì chi phí để nắm giữ dự trữ này sẽ vượt quá thu nhập mà nó mang lại.

Lạm phát của Trung Quốc ở mức thấp trong những tháng gần đây do tăng trưởng kinh tế giảm tốc, nhưng các nhà phân tích nói rằng, áp lực lạm phát trong dài hạn đang lớn bởi Bắc Kinh đang nới lỏng kiểm soát giá điện nước và tài nguyên.

Hãng tin tài chính Bloomberg dẫn nguồn Tân Hoa Xã cho biết, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng, nước này cần thích nghi với “mức bình thường mới” trong tốc độ tăng trưởng kinh tế và “bình tĩnh” trước sự giảm tốc tăng trưởng.

Theo dự báo của giới phân tích, tăng trưởng GDP của Trung Quốc có thể rơi xuống mức thấp nhất kể từ thập niên 1990.

Ông Tập nói, các nền tảng căn bản cho tăng trưởng của Trung Quốc thay đổi và nước này vẫn đang ở trong “một giai đoạn quan trọng về cơ hội chiến lược”. Cùng với đó, ông Tập nói, Chính phủ Trung Quốc cần ngăn chặn các rủi ro và “có các biện pháp kịp thời để giảm các ảnh hưởng tiêu cực có thể xảy ra”.

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang nỗ lực ngăn không cho tăng trưởng giảm dưới mục tiêu 7,5% mà Chính phủ nước này đề ra. Song song với đó là nhiệm vụ kiềm chế sự bùng nổ tín dụng mà PBoC cho là đe dọa làm suy yếu hệ thống tài chính. Ngoài ra, việc ngăn chặn nguy cơ nổ tung bong bóng địa ốc cũng đang là một nhiệm vụ cấp bách của Bắc Kinh.