09:07 30/12/2024

Kỳ vọng tỷ trọng kinh tế số chiếm 20,5% GDP vào năm 2025

Bạch Dương

Trong năm 2024, tỷ trọng kinh tế số ước tính đóng góp 18,3% GDP, tăng trưởng 20% so với năm 2023...

Mục tiêu đến 2025, tổng doanh thu lĩnh vực kinh tế số nền tảng đạt 52 tỷ USD, tăng 30% so với ước thực hiện năm 2024 (40 tỷ USD).
Mục tiêu đến 2025, tổng doanh thu lĩnh vực kinh tế số nền tảng đạt 52 tỷ USD, tăng 30% so với ước thực hiện năm 2024 (40 tỷ USD).

Thông tin được đưa ra trong báo cáo tổng kết năm 2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông. Để đạt kết quả trên, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết trong năm 2024 Chính phủ đã thực hiện nhiều chiến lược quan trọng, trong đó, phải kể đến việc ban hành Quyết định số 1437/QĐ-TTg ngày 20/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế số giai đoạn 2024 - 2025. 

Mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số trong GDP đạt 20,5%. Tổng doanh thu lĩnh vực kinh tế số nền tảng đạt 52 tỷ USD, tăng 30% so với ước thực hiện năm 2024 (40 tỷ USD). Tỷ lệ người dân ở độ tuổi trưởng thành có chữ ký số đạt 50%.

Trong năm tới, Việt Nam tiếp tục triển khai Chương trình hành động quốc gia về phát triển kinh tế số giai đoạn 2024 - 2025 theo Quyết định số 1437/QĐ-TTg ngày 20/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ trong 5 nhóm ngành lĩnh vực trọng tâm là: thương mại bán buôn, bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo, nông nghiệp, du lịch và logistics.

Song song, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với các Bộ ban ngành xây dựng Chương trình hành động thúc đẩy phát triển kinh tế số trong một số ngành, lĩnh vực trọng điểm. 

Bên cạnh đó, theo báo cáo, Việt Nam hiện có 7 ứng dụng di động có số lượng người dùng trên 10 triệu (Zalo, Zing MP3, Ví MoMo, Báo mới, VnEID, MB Bank, Vietcombank và My Viettel...).

Tiếp theo nhóm này, phân khúc ứng dụng có số lượng tài khoản đang hoạt động đạt 5 - 10 triệu hiện nay có trên 10 ứng dụng do doanh nghiệp, cá nhân người Việt phát triển.

Tỷ lệ người dùng thường xuyên hàng tháng (MAU) các nền tảng số Việt so với nền tảng số nước ngoài trên các ứng dụng di động năm 2024 là 25,25%.

Kỳ vọng tỷ trọng kinh tế số chiếm 20,5% GDP vào năm 2025  - Ảnh 1

Tổng số lượt tải mới ứng dụng về thiết bị di động xếp hạng thứ 11 toàn thế giới.Tiếp theo nhóm này, phân khúc ứng dụng có số lượng tài khoản đang hoạt động đạt 5 - 10 triệu hiện nay có trên 10 ứng dụng do doanh nghiệp, cá nhân người Việt phát triển.

Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp hạng 5/11 nước về Chính phủ điện tử, tăng 01 bậc so với năm 2022. Dịch vụ trực tuyến xếp hạng 75/193, tăng 1 bậc so với năm 2022, 6 bậc so với năm 2020. Dữ liệu mở xếp hạng 77/193, tăng 10 bậc so với năm 2022, 20 bậc so với năm 2020.Kỳ vọng tỷ trọng kinh tế số chiếm 20,5% GDP vào năm 2025  - Ảnh 2

Trong năm vừa qua, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình của cả nước đến hết tháng 12/2024 đạt 45,8% (mục tiêu 2024: 50%), trong đó khối bộ đạt tỷ lệ 63,47% (mục tiêu 2024: 70%), khối tỉnh đạt tỷ lệ 18,54% (mục tiêu 2024: 30%). Tỷ lệ cung cấp dữ liệu mở của cơ quan nhà nước đạt 87%. Tỷ lệ bộ, ngành, địa phương ban hành danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung đạt 90%.

Kỳ vọng tỷ trọng kinh tế số chiếm 20,5% GDP vào năm 2025  - Ảnh 3

Tính đến hết năm 2024, 63/63 địa phương trên cả nước thành lập 93.524 Tổ công nghệ số cộng đồng với khoảng 457.820 thành viên Tổ đến cấp xã, phường, thôn, bản, phố, khóm. Từ mô hình phát triển đơn lẻ tại địa phương, đến nay Tổ công nghệ số cộng đồng đã hình thành một mạng lưới chuyển đổi số rộng khắp cả nước, hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho công tác chuyển đổi số chung của quốc gia. .

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế chính sách để thúc đẩy việc ứng dụng và phát triển các công nghệ mới chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn.

Các bộ, ngành, địa phương cơ bản chưa có đề án đột phá về chuyển đổi số. Nhân lực cho chuyển đổi số chưa đáp ứng được nhu cầu cả về số lượng và chất lượng, phân bổ chưa đồng đều, còn hiện tượng chảy máu chất xám.

Mục tiêu 2025 sẽ thúc đẩy việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia với tốc độ tăng trưởng giao dịch thực hiện qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia trung bình 20%/năm. Nâng tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình của cả nước năm 2025 lên 80%, trong đó khối bộ đạt tỷ lệ 85%, khối địa phương đạt tỷ lệ 70%.

Để thực hiện những mục tiêu này, Bộ Thông tin và truyền thông sẽ tăng cường rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến hướng tới cung cấp toàn trình, được cá nhân hóa… 

Bên cạnh đó, Bộ sẽ thúc đẩy triển khai các nhiệm vụ đề ra tại “Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”, đồng thời ban hành và hướng dẫn Khung triển khai Trung tâm điều hành thông minh (IOC) để các địa phương triển khai trong năm 2025.