10:22 29/10/2007

Lạc quan giao thương Trung Quốc - ASEAN

Trung Việt

Kim ngạch thương mại hai chiều Trung Quốc - ASEAN sẽ lên tới 190 tỷ USD trong năm nay và sẽ có triển vọng đột phá 200 tỷ USD trong năm tới

8 tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại hai chiều Trung Quốc - ASEAN đạt 128 tỷ USD.
8 tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại hai chiều Trung Quốc - ASEAN đạt 128 tỷ USD.
Kim ngạch thương mại hai chiều Trung Quốc - ASEAN sẽ lên tới 190 tỷ USD trong năm nay và sẽ có triển vọng đột phá 200 tỷ USD trong năm tới. Đó là khẳng định của Ban thư ký Hội chợ Trung Quốc - ASEAN, tại hội chợ vừa khai mạc ngày 28/10.

Hội chợ và Hội nghị cấp cao đầu tư-thương mại ASEAN-Trung Quốc diễn ra tại Nam Ninh, thủ phủ Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc từ 28 đến 31/10, nhằm góp phần cải thiện quan hệ kinh tế-thương mại-đầu tư giữa Trung Quốc với các nước ASEAN. Đây là lần thứ 4 Trung Quốc- ASEAN tổ chức hội chợ này.

Bức tranh thương mại-đầu tư sáng sủa

Hội chợ năm nay diễn ra trong bối cảnh bức tranh thương mại-đầu tư ASEAN-Trung Quốc khá sáng sủa. Theo Ban thư ký Hội chợ Trung Quốc - ASEAN (CAEXPO), 8 tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại hai chiều Trung Quốc - ASEAN đạt 128 tỷ USD.

Năm 2006, tổng vốn đầu tư của ASEAN vào Trung Quốc đạt gần 42 tỷ USD. Tính đến hết tháng 6/2007, có 417 liên doanh Trung Quốc - ASEAN hoạt động tại Quảng Tây với tổng số vốn 1,41 tỷ USD; ASEAN chiếm 7,8% tổng vốn đầu tư nước ngoài tại đây (sau Hồng Kông chiếm 8,2%), trong đó đứng đầu là Singapore với 155 dự án, Việt Nam đứng thứ năm với 18 dự án, tập trung vào các lĩnh vực chế tạo (chiếm 44% vốn), bất động sản (15%), nông nghiệp (12%) và xây dựng (11%).

Hội chợ Trung Quốc - ASEAN mở theo sáng kiến của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, ba năm qua đã trở thành "điểm đến" của đông đảo doanh nghiệp hai bên. Năm nay, 10 nước ASEAN được bố trí 1.000 gian hàng, nhưng số đăng ký là 1.126 gian (nhiều hơn tại CAEXPO3 tới 34%). 1.563 công ty của nước chủ nhà đăng ký 2.800 gian hàng, trong khi được phân 2.284 gian. Ban tổ chức đã nhận "hồ sơ" 1.051 dự án đầu tư, trong đó 247 là của các nước ASEAN. Phòng Tư liệu kinh doanh Trung Quốc - ASEAN sẵn sàng cung cấp hơn 2 triệu tư liệu về các liên doanh giữa Trung Quốc với các nước ASEAN.

Trong thời gian hội chợ, các bên còn tiến hành hội thảo giao lưu và hợp tác đa lĩnh vực, đa cấp độ, đồng thời công bố văn kiện hợp tác. Ban thư ký Hội chợ cho biết, ngoài ba chương trình truyền thống gồm: Hội chợ Trung Quốc - ASEAN, Hội nghị cấp cao thương mại và đầu tư Trung Quốc - ASEAN, Liên hoan dân ca quốc tế Nam Ninh ra, còn tổ chức 9 hội nghị và diễn đàn chuyên môn như: Diễn đàn phát triển và hợp tác cửa cảng, Hội nghị bộ trưởng về giám sát chất lượng... Số thương gia và đại biểu Việt Nam tham gia Hội chợ Trung Quốc - ASEAN lần thứ 4 khoảng 1.000 người, 192 gian hàng, nhiều nhất so với các kỳ hội chợ trước, đông nhất trong các nước ASEAN.

Cơ hội phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ

Ông Trương Hiểu Khâm, Tổng thư ký Ban thư ký Hội chợ nói, Trung Quốc và ASEAN đều trở thành đối tác thương mại lớn thứ tư của nhau. Mấy năm qua, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và ASEAN tăng trưởng nhanh chóng với tốc độ tăng trưởng trung bình 20%/năm, đã tạo cơ hội vàng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển trên cơ sở khai thác thị trường song phương này.

Mới đây, khi dự "Diễn đàn đầu tư phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ Trung Quốc - ASEAN", ông Chung Du Bằng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý hành chính công thương Trung Quốc cũng khẳng định, ý tưởng chiến lược hợp tác kinh tế khu vực "Một trục hai cánh" giữa Trung Quốc và ASEAN đã cung cấp không gian và khái niệm hoàn toàn mới cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư vào khu vực mậu dịch tự do và mở rộng thương mại đối ngoại. Việc nâng cấp độ hợp tác, mở rộng con đường hợp tác đang trở thành vấn đề nóng mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ quan tâm.

Tháng 7/2006, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây đã đề xuất và thúc đẩy hai mảng hợp tác khu vực như Vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ và Hợp tác khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, cũng như ý tưởng hợp tác kinh tế khu vực "Một trục hai cánh". Ông Lưu Quân, Giám đốc Sở Quản lý hành chính công thương Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây cho rằng, ba mảng hợp tác lớn trong chiến lược hợp tác như hợp tác kinh tế trên bộ, hợp tác ASEAN trên biển và hợp tác kinh tế tiểu vùng sông Mê Kông đã tạo không gian và khái niệm hoàn toàn mới cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Trung Quốc và ASEAN trong việc mở rộng thương mại hai chiều và đầu tư thị trường song phương.

Các chuyên gia của Quốc vụ viện Trung Quốc cho rằng, nên khuyến khích càng nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ thành lập cơ sở sản xuất nông nghiệp ở các nước ASEAN. Tính đến tháng 10/2006, Trung Quốc đã có hơn 42 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm trên 90% tổng số doanh nghiệp Trung Quốc. Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã chiếm 68% tổng kim ngạch xuất khẩu Trung Quốc.