Lạc quan về triển vọng dài hạn, vốn FDI cam kết vẫn tích cực
Từ quý 1/2020 đến nay, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) liên tục rút ròng trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, đó không phải là một phản ứng với việc đánh giá thấp triển vọng của nền kinh tế. Sự vận động của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lại cho thấy một bức tranh tích cực, nhất là trong những ngày gần đây...
Cường độ bán ròng của nhà đầu tư ngoại đang có dấu hiệu tăng so với đầu năm. Tổng giá trị bán ròng trong 9 tháng đầu năm của khối ngoại đã lên trên 40.000 tỷ đồng, cao hơn nhiều lần so với mức bán ròng gần 6.000 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Hành động này được xem có thể là một sự kết hợp giữa hoạt động chốt lời (hiệu ứng thưởng theo năng lực của nhà quản lý quỹ) và tái cơ cấu danh mục đầu tư khi tỷ trọng các mã cổ phiếu tăng trưởng cao hơn mức tối đa chứ không phải là phản ứng bi quan với kinh tế vĩ mô khi GDP quý 3/2021 rớt xuống mức thấp kỷ lục sau khi Tổng cục Thống kê công bố GDP quý. Triển vọng dài hạn của Việt Nam vẫn cho thấy tín hiệu lạc quan khi vốn FDI cam kết (dòng vốn đầu tư dài hạn) vẫn có chiều hướng tích cực.
NHIỀU CAM KẾT MỚI
Mặc dù không có nhiều cam kết “khủng” như giai đoạn trước Covid-19, nhưng các động thái của nhà đầu tư nước ngoài đã cho thấy, rất có thể, hoạt động FDI tại Việt Nam sẽ sôi động trở lại trong thời gian tới.
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - Võ Văn Hưng đã ký quyết định số 3504QĐ-UBND ngày 4/11/2021 về việc chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư đối với dự án Sangshin Central Việt Nam của Công ty Sangshin Electronics Co., Ltd (Hàn Quốc).
Theo đó, nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc sẽ xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện điện tử với sản phẩm chính là bộ lọc tiếng ồn, cuộn cảm và linh kiện bằng nhựa đúc… có tổng mức đầu tư 81,2 tỷ đồng, tương đương 3,5 triệu USD.
Mặc dù dự án có mức đầu tư không lớn, song đây là dự án thứ hai của nhà đầu tư Sangshin Electronics sau dự án đầu tư từ năm 2017 tại Khu công nghiệp Đại An, tỉnh Hải Dương. Việc mở rộng tại thời điểm kinh tế có nhiều biến động vì Covid-19 đã cho thấy Việt Nam vẫn được xem là điểm đến đầu tư hấp dẫn với nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc.
Điều đáng nói, không chỉ Sangshin Electronics, nhiều nhà đầu tư ngoại cũng liên tục đẩy mạnh hoạt động đầu tư. Mới đây, Tập đoàn Kurz (Đức) đã nhận chứng nhận đăng ký đầu tư để triển khai xây dựng nhà máy chuyên sản xuất nhũ và màng mỏng công nghệ cao tại Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định. Dự án có vốn đầu tư 40 triệu USD, dự kiến đi vào hoạt động giữa năm 2023.
Trong khi đó, Bắc Ninh cũng vừa ký thỏa thuận với Tập đoàn Amkor Technology, Inc (Mỹ) đã ký kết thoả thuận phát triển dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu bán dẫn tại Khu công nghiệp Yên Phong II-C. Theo kế hoạch, dự án được xây dựng trên diện tích khoảng 23 ha, với tổng vốn đầu tư đến năm 2035 là 1,6 tỷ USD. Trong đó, giai đoạn đầu có vốn đầu tư khoảng 520 triệu USD và sẽ giải ngân trong vòng 5 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Theo đánh giá của TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, mặc dù đang trong “vòng xoáy” của dịch Covid-19, trong 10 tháng năm 2021 vẫn có 23,74 tỷ USD vốn FDI đổ vào 18 lĩnh vực tại Việt Nam. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo có số vốn đầu tư lên đến 12,74 tỷ USD, chiếm 53,7% tổng vốn đăng ký.
“Điều này cho thấy Việt Nam đang là điểm đến trong thu hút FDI, cùng những quyết sách đúng đắn của Chính phủ và khả năng chống dịch Covid-19 đã tạo được niềm tin đối với giới đầu tư nước ngoài khi quyết định tham gia và mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam trong bối cảnh đầu tư nước ngoài của toàn cầu vẫn suy giảm”, ông Lâm nhấn mạnh.
ĐỂ TIẾP TỤC DẪN ĐẦU
Cùng quan điểm, theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 10 tháng qua vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm vẫn tăng 15,8% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy nhu cầu mở rộng sản xuất tăng cao phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài vào khả năng phục hồi của nền kinh tế trong ngắn hạn.
Theo khảo sát của Cục Đầu tư nước ngoài, chỉ số FDI – chỉ số theo dõi tâm lý nhà đầu tư nước ngoài - đứng ở mức 723 điểm trong tháng 8/2021, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước. Các tín hiệu về kế hoạch mở rộng đầu tư trong tương lai tuy giảm nhẹ trong tháng 8/2021 nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với mức trung bình năm 2020.
Không những vậy, tâm lý lạc quan về triển vọng đầu tư trên toàn cầu cũng ngày càng tăng. Bất chấp những thách thức của bối cảnh đầu tư “hậu Covid-19”, cuộc khảo sát của các quan chức điều hành và cấp cao từ 100 cơ quan xúc tiến đầu tư của hơn 70 quốc gia, cho thấy 53% người được hỏi kỳ vọng dòng vốn FDI vào lãnh thổ của họ tăng trong năm 2021; chỉ có 18% dự đoán FDI trong nước giảm và 4% dự báo giảm đáng kể.
Theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế, với nỗ lực của Chính phủ trong cải cách thể chế, hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cấp cơ sở hạ tầng, Việt Nam có 8 nhóm lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài, bao gồm: môi trường vĩ mô ổn định, nền kinh tế năng động, thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng với nguồn cung dồi dào, tình hình chính trị ổn định, môi trường pháp lý đầy đủ, lực lượng lao động trẻ và dồi dào, vị trí địa lý đặc biệt, cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do.
Tuy vậy, để biến những lợi thế này trở thành cơ hội hút vốn FDI, TS. Nguyễn Bích Lâm cho rằng thời gian tới, Việt Nam cần tập trung vào 6 nhóm giải pháp chính.
Thứ nhất, rà soát, điều chỉnh kịp thời chính sách đầu tư nước ngoài cho phù hợp và theo kịp với những biến động, bất trắc của kinh tế toàn cầu và những thay đổi trong chiến lược thu hút FDI của các nước trên thế giới; đồng thời xây dựng lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài với điều kiện đầu tư, hệ thống pháp luật minh bạch, dễ dự đoán trên nền tảng phát triển nền kinh tế thị trường kết nối toàn cầu bằng các quy tắc của pháp luật.
Thứ hai, Chính phủ cần xác định cụ thể danh mục ngành, lĩnh vực cần thu hút đầu tư nước ngoài và ngành lĩnh vực chỉ các nhà đầu tư trong nước thực hiện.
Thứ ba, mua bán và sáp nhập đang trở thành xu thế trong đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng về kinh tế, thương mại và đầu tư quốc tế, để tránh các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm bị các nhà đầu tư nước ngoài kiểm soát và thâu tóm, Chính phủ cần xác định ngưỡng cho phép nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ cổ phần tại các doanh nghiệp cổ phần hoá, đặc biệt cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm xem xét cụ thể các thương vụ M&A lớn, điển hình trong mấy năm qua để thấy rõ những mặt tồn tại, đúc kết thành bài học kinh nghiệm về quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.
Thứ tư, tiếp tục củng cố nền tảng vĩ mô vững mạnh, ổn định; có chiến lược đúng trong xử lý dịch Covid- 19, đồng thời đẩy nhanh quá trình tiêm chủng để đưa các hoạt động kinh tế - xã hội trở lại bình thường, xóa bỏ tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, lao động tạo dựng niềm tin và sự an tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ năm, Chính phủ giao cho các bộ, ngành liên quan đánh giá các mặt được, những điểm còn tồn tại của 8 nhóm lợi thế thu hút FDI của Việt Nam, từ đó phát huy những điểm mạnh, khắc phục các tồn tại để 8 nhóm lợi thế này mang lại hiệu quả hơn trong thu hút FDI trong thời gian tới.
Thứ sáu, để không đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các địa phương khẩn trương hỗ trợ mạng lưới đào tạo nghề, hỗ trợ doanh nghiệp trong đào tạo và tuyển dụng lao động đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, đặc biệt nhu cầu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài sau các cú sốc về lao động.