16:00 28/10/2021

Vốn FDI 10 tháng tăng nhẹ

Vy Vy

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam 10 tháng đầu năm theo hình thức đăng ký mới, điều chỉnh vốn và góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp đạt 23,74 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2020...

Vốn đăng ký mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đã bật tăng trở lại.
Vốn đăng ký mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đã bật tăng trở lại.

Cụ thể, 10 tháng có 1.375 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tổng vốn đăng ký đạt trên 13 tỷ USD (tăng 11,6% so với cùng kỳ); 776 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 7,09 tỷ USD (tăng 24,2%) và 3.063 lượt góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp đạt 3,63 tỷ USD (giảm 40,6%).

Các nhà doanh nghiệp FDI đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân của Việt Nam. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 12,74 tỷ USD, chiếm 53,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Nếu xét về số lượng dự án mới thì công nghiệp chế biến, chế tạo cũng là ngành thu hút được nhiều dự án nhất, chiếm 33,1% tổng số dự án đầu tư vào Việt Nam 10 tháng.

Trong tổng số 97 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam 10 tháng đầu năm, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 6,77 tỷ USD, chiếm 28,5% tổng vốn đầu tư; Hàn Quốc đứng thứ hai với 4,15 tỷ USD, chiếm 17,5% tổng vốn đầu tư; Nhật Bản đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 3,4 tỷ USD, chiếm 14,3% tổng vốn đầu tư.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 58 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó, Long An dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,68 tỷ USD, chiếm 15,5% tổng vốn đầu tư; TP.HCM xếp thứ hai với trên 2,73 tỷ USD, chiếm 11,5% tổng vốn đầu tư. Hải Phòng đứng thứ ba với tổng vốn đăng ký 2,72 tỷ USD, chiếm gần 11,5% tổng vốn đầu tư.

Ước tính, 10 tháng đầu năm 2021 các nhà đầu tư nước ngoài đã giải ngân được 15,15 tỷ USD vốn FDI, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm nhẹ 0,6 điểm phần trăm so với 9 tháng năm 2021.

Mặc dù vậy, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát; Chính phủ và các cơ quan chức năng đã ban hành nhiều giải pháp, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, cũng như các quy định, hướng dẫn thích ứng với tình hình mới của đại dịch, nhiều chuyên gia cho rằng giải ngân vốn đầu tư sẽ cải thiện hơn trong các tháng cuối năm.