05:00 20/10/2021

Lãnh đạo Hà Nội cầu thị lắng nghe, đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp FDI vượt qua khó khăn

Vũ Khuê

Lãnh đạo Thành phố cam kết sẽ luôn đồng hành, kiên trì, quyết liệt để tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn đại dịch Covid-19 để tăng tốc, bứt phá mạnh mẽ hơn nữa trong giai đoạn tới...

Hội nghị “Đối thoại, tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố Hà Nội trong bối cảnh dịch Covid-19” ngày 19/10.
Hội nghị “Đối thoại, tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố Hà Nội trong bối cảnh dịch Covid-19” ngày 19/10.

Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn TP. Hà Nội đã thu hút được 6.625 dự án đầu tư nước ngoài đang còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký vào khoảng 48,7 tỷ USD.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, mặc dù TP. Hà Nội chịu nhiều tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục tin tưởng, lạc quan với môi trường đầu tư kinh doanh của TP. Hà Nội, số vốn đăng ký là 1,28 tỷ USD.

HÀ NỘI VẪN LÀ ĐIỂM ĐẾN TIỀM NĂNG

Tại Hội nghị “Đối thoại, tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố Hà Nội trong bối cảnh dịch Covid-19” ngày 19/10, ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư thành uỷ TP. Hà Nội nhận định, con số này đã đóng góp quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế xã hội chung của Thành phố, với khoảng 10% tổng thu ngân sách của thành phố, 12,6% vốn đầu tư phát triển, 30% tổng việc làm và 45% tổng kim ngạch xuất nhập của cả Thành phố.

Ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư thành uỷ Hà Nội
Ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư thành uỷ Hà Nội

“Đây là một minh chính vững chắc về môi trường đầu tư kinh doanh của thành phố Hà Nội và là điểm đến an toàn, hấp dẫn và ổn định cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Dũng nhấn mạnh.

Tuy nhiên lãnh đạo Thành phố Hà Nội cũng thẳng thắn nhìn nhận, đại dịch Covid 19 đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội của Thủ đô.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp bị đình trệ. Một số chuỗi cung ứng hàng hóa tại một số thời điểm nhất định bị gián đoạn. Việc giao thương hàng hóa, đi lại của các chuyên gia, các nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức quốc tế cũng gặp nhiều khó khăn và bị xáo trộn bởi đại dịch Covid -19.

Đưa đề xuất tại hội nghị, ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch EuroCham cho biết, Hà Nội đã mở cửa trở lại, doanh nghiệp hy vọng đường bay từ Hà Nội đến các địa phương khác và quốc tế cũng được mở.

Đồng thời, EuroCham đề xuất mở cửa trường học để lao động nữ có thể quay lại làm bình thường. Đại diện Eurocham cũng kiến nghị thời gian tới doanh nghiệp được tự chủ hơn hơn về phương án chống dịch, tránh vì 1 ca nhiễm mà đóng cửa toàn bộ nhà máy.

 
"Các thủ tục hành chính tại Việt Nam đã có bước cải thiện vượt bậc, song một số thủ tục như hoàn thuế vẫn còn mất nhiều thời gian hoặc nhập cảnh cho chuyên gia và nhà đầu tư vẫn còn khó khăn, phải chờ đợi vài tuần".
Ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch EuroCham.

Bên cạnh đó, Hà Nội nên tính toán, xem xét quy hoạch không chỉ về đất đai mà cả con người cho dự án có công nghệ chất xám cao hơn, dự án hỗ trợ đổi mới sáng tạo.

“Chúng tôi tin rằng đầu tư từ châu Âu sang Việt Nam tiếp tục tăng mạnh. Hà Nội là điểm đến tiềm năng của doanh nghiệp châu Âu. Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung tiếp tục cải cách như năm qua sẽ là điểm đến của dòng FDI chất lượng cao từ doanh nghiệp châu Âu. Chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành với Hà Nội và Việt Nam trong tương lai”, ông Minh nhấn mạnh.

Đại diện Bệnh viện Việt Pháp đánh giá cao việc xử lý dịch bệnh của Hà Nội. Vị đại diện cho biết, bệnh viện Việt Pháp đã đầu tư dự án mở rộng quy mô với những công nghệ mới. Tuy nhiên, dịch Covid-19 gây ra những khó khăn trong việc hoàn thiện cấp phép cho dự án đầu tư, việc thiếu chuyên gia làm giảm tiến độ dự án.

Vì vậy, đại diện này đề nghị có giải pháp cấp phép nhanh hơn để các chuyên gia được vào Việt Nam làm việc. Đồng thời, gia hạn thuế giúp các doanh nghiệp hồi phục kinh doanh sau đại dịch.

QUYẾT LIỆT THÁO GỠ KHÓ KHĂN CHO DOANH NGHIỆP

Sau gần 2 tiếng lắng nghe ý kiến từ các doanh nghiệp, ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, để chuẩn bị cho hội nghị hôm nay, Thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành phối hợp với các doanh nghiệp FDI, tổng hợp được hơn 250 ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp.

Ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội phát biểu tại hội nghị.
Ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội phát biểu tại hội nghị.

Mọi mong muốn, đề xuất của doanh nghiệp đều được lãnh đạo TP Hà Nội lắng nghe trên tinh thần cầu thị. Vì thế, lãnh đạo Thành phố cam kết sẽ luôn đồng hành, kiên trì, quyết liệt để tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn đại dịch Covid-19 để tăng tốc, bứt phá mạnh mẽ hơn nữa trong giai đoạn tới.

Không chỉ tại hội nghị hôm nay, Thành phố khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục đồng hành phản ánh kịp thời khó khăn, vướng mắc và hiến kế vượt qua khó khăn, từng bước lấy lại đà sản xuất và tăng trưởng.

Ông Chu Ngọc Anh giao nhiệm vụ tới các cụ thể từng Sở, Ban, ngành, UBND các quận, huyện, Thị xã tháo gỡ và đề xuất cơ quan có thẩm quyền giải quyết ngay các kiến nghị liên quan.

Đồng thời, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về ban hành Quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” đảm bảo các hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài trên địa bàn Thành phố.

Đặc biệt, đẩy mạnh, nâng cao chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, các thủ tục hành chính thuộc các ngành như: quy hoạch, xây dựng, đất đai, tài nguyên môi trường, y tế...

Bên cạnh vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, theo Chủ tịch Chu Ngọc Anh, các doanh nghiệp cần phát huy tối đa tinh thần sáng tạo, vượt khó để chủ động xây dựng chiến lược và kế hoạch phục hồi sản xuất gắn với các phương án phòng, chống dịch bệnh đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh được duy trì ổn định.

Mặt khác, phối hợp chặt chẽ với Thành phố trong triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động ổn định đời sống để đảm bảo sản xuất, kinh doanh. Tích cực phối hợp với các Sở, Ban, ngành của Thành phố hoàn thiện thủ tục liên quan đến đầu tư, giải ngân vốn đầu tư, nhất là các dự án đã và đang triển khai thực hiện.