Lãi suất của Thụy Điển tăng lên 0 sau 5 năm ở ngưỡng âm
Thụy Điển là quốc gia đầu tiên trong số các nước áp dụng lãi suất âm trên thế giới đưa lãi suất lên 0
Ngân hàng Trung ương Thụy Điển (Riksbank) ngày 19/12 nâng lãi suất tham chiếu 0,25 điểm phần trăm lên mức 0, bất chấp nền kinh tế giảm tốc và bối cảnh toàn cầu còn nhiều bấp bênh.
Theo tin từ CNBC, động thái này của Riksbank không nằm ngoài dự báo của giới phân tích và khép lại khoảng thời gian kéo dài 5 năm Thụy Điển giữ lãi suất dưới 0. Như vậy, Thụy Điển là quốc gia đầu tiên trong số các nước áp dụng lãi suất âm trên thế giới đưa lãi suất ra khỏi trạng thái âm.
Hiện nay, vẫn còn nhiều quốc gia có lãi suất âm, bao gồm khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), Nhật Bản, Đan Mạch, Thụy Sỹ và Hungary.
"Riskbank nhận thấy các điều kiện đang thuận lợi, với lạm phát sẽ còn giữ ở gần mức mục tiêu trong thời gian tới", tuyên bố của Riksbank sau cuộc họp ngày 19/12 cho biết. "Bởi vậy, Ủy ban điều hành quyết định nâng lãi suất tham chiếu từ âm 0,25% lên 0%".
Đồng Crown của Thụy Điển tăng giá nhẹ so với đồng Euro sau khi quyết định lãi suất này được công bố.
Riksbank, ngân hàng trung ương lâu đời nhất thế giới, giảm lãi suất về âm 0,1% vào đầu năm 2015 vì lo ngại tình trạng giảm tốc của kinh tế khu vực Eurozone sẽ khiến Thụy Điển "vạ lây" và rơi vào một vòng xoáy giảm phát kiểu Nhật Bản.
Đến năm 2016, Riksbank tiếp tục giảm lãi suất sâu hơn, xuống âm 0,5%, trước khi chính sách tiền tệ siêu nới lỏng này bắt đầu phát huy tác dụng làm suy yếu đồng Crown, đẩy giá hàng hóa nhập khẩu tăng và hỗ trợ cho nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Thụy Điển.
Hầu như không có chuyên gia nào cho rằng mức lãi suất 0% hiện nay của Thụy Điển là thắt chặt. Nhưng nhiều người đặt câu hỏi về thời điểm của đợt nâng lãi suất này, bởi nền kinh tế Thụy Điển đang giảm tốc. Đây là lần nâng lãi suất thứ hai của Riksbank kể từ giữa năm 2011.
Tuy nhiên, Riksbank lo ngại rằng lãi suất âm đang gây tổn hại cho nền kinh tế Thụy Điển theo một cách khác: khiến tài sản tăng giá quá mạnh, dẫn tới tình trạng nợ nần gia tăng và kéo theo nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính.