16:01 16/11/2010

Làm sao lượng hóa hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước?

Bảo Anh

Cần minh bạch hóa hiệu quả kinh tế và nhiệm vụ chính trị của doanh nghiệp Nhà nước

Cuối năm nay, Chính phủ sẽ tổng kết mô hình tập đoàn kinh tế và sau đó sẽ có báo cáo Bộ Chính trị và Quốc hội.
Cuối năm nay, Chính phủ sẽ tổng kết mô hình tập đoàn kinh tế và sau đó sẽ có báo cáo Bộ Chính trị và Quốc hội.
Kết quả khảo sát tại 400 doanh nghiệp Nhà nước của Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) được công bố cuối tuần qua cho thấy, các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước nhìn chung đa số chưa có sự minh bạch như các doanh nghiệp Nhà nước đa sở hữu, doanh nghiệp Nhà nước niêm yết.

Không biết vốn chảy đi đâu?

Kết quả khảo sát nói trên chỉ ra, có đến 80% doanh nghiệp không gửi báo cáo tài chính cho cơ quan đăng ký kinh doanh. Có nhiều doanh nghiệp được khảo sát hoàn toàn không công bố thông tin với bất cứ hình thức nào, đặc biệt với những thông tin cần cho công tác giám sát, đánh giá nhưng được pháp luật bắt buộc thì doanh nghiệp mới công bố như: báo cáo kiểm toán nội bộ, chính sách quản lý rủi ro của doanh nghiệp, thưởng cho cán bộ chủ chốt...

Đối với việc giám sát các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp Nhà nước có quy mô lớn, độc quyền, kết quả khảo sát cho thấy, công tác giám sát việc sử dụng vốn và tài sản Nhà nước cũng như hoạt động của các tập đoàn kinh tế có nhiều điểm yếu.

Đặc biệt, khảo sát cho thấy, việc giám sát danh mục đầu tư của tập đoàn kinh tế Nhà nước là kém hiệu quả, cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn khi giám sát luồng vốn của các doanh nghiệp Nhà nước chảy vào đâu.

Theo ông Nguyễn Trọng Hiệu, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hiện nay hệ thống pháp lý về việc tạo lập, hình thành doanh nghiệp Nhà nước đã tương đối đầy đủ, tuy nhiên, việc nhiều thông tin bị chia cắt dẫn đến đánh giá hiệu quả rất khó khăn. Đặc biệt, khung pháp lý về mặt giám sát hậu thành lập của doanh nghiệp Nhà nước vẫn chưa đáp ứng được, nên không thể quản lý được việc góp vốn thành lập tràn lan của các doanh nghiệp Nhà nước, tập đoàn kinh tế.

Bên cạnh đó, do thiếu một cơ quan đầu mối để tổng hợp thông tin về hoạt động, hiệu quả của doanh nghiệp Nhà nước, nên khi cần một kết quả tổng hợp thì “đỏ cả mắt” cũng không thể thu thập đầy đủ.

“Câu chuyện Vinashin vừa qua là một ví dụ. Khi tập đoàn này có vấn đề, nhiều cơ quan tìm đến hỏi Vinashin có bao nhiều công ty con, nhưng chúng tôi dù cố gắng hết sức cũng không thể nắm được con số cụ thể”, ông Hiệu cho hay.

Do đó, theo vị này, phải làm sao minh bạch hơn về báo cáo tài chính và nó phải được gửi về cơ quan đăng ký, quản lý kinh doanh. Nếu để tình trạng này thì sau khi cấp phép kinh doanh rồi thì không thể quản lý doanh nghiệp được.

Làm sao lượng hóa?

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Đổi mới doanh nghiệp (Văn phòng Chính phủ), cho biết cuối năm nay, Chính phủ sẽ tổng kết mô hình tập đoàn kinh tế và sau đó sẽ có báo cáo Bộ Chính trị và Quốc hội.

Theo ông, hiện trong dư luận vẫn có ý kiến phản ánh tính kém hiệu quả của các tập đoàn kinh tế Nhà nước. Tuy nhiên, đây là một loại hình doanh nghiệp đặc thù, khi nào còn chế độ xã hội chủ nghĩa thì khi đó vẫn phải tồn tại những tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước. Điều quan trọng là cần một mục tiêu cụ thể để đánh giá hiệu quả của tập đoàn kinh tế được khách quan hơn.

Cũng theo ông Phạm Tuấn Anh, với một số ngành cụ thể, không nên mong tập đoàn kinh tế Nhà nước có hiệu quả kinh doanh như các doanh nghiệp ngoài Nhà nước.

Ví dụ, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) là một tập đoàn viễn thông nòng cốt, nên dù viễn thông cố định nhìn chung bị lỗ, nhưng VNPT vẫn phải duy trì để phục vụ người dân vùng sâu, vùng xa. Hiện có 7 doanh nghiệp viễn thông nhưng không doanh nghiệp nào đầu tư cho viễn thông cố định. Hay EVN dù lỗ hay lãi thì nhiệm vụ hàng đầu vẫn phải là cung cấp đủ điện.

“Do đó, điều cần thiết là phải cụ thể hóa nhiệm vụ và lượng hóa được nó, song một khi đã lượng hóa thì có những bộ phận sẽ không hiệu quả như doanh nghiệp kinh tế đơn thuần”, ông Anh nói.

Tuy nhiên, có một yếu tố mà theo ông Anh, đã khiến cho hiệu quả của các tập đoàn nhiều khi không được như kỳ vọng, chính là bộ máy giám sát, lực lượng và cách thức giám sát. Hiện chúng ta vẫn áp dụng cách thức là ở đâu có vốn Nhà nước thì thay vì cơ chế tổ chức giám sát, Nhà nước sẽ cử một vài cá nhân tham gia hội đồng quản trị để giám sát vốn, còn bộ, ngành cứ “loay hoay” giám sát lại các cá nhân đó, mà quên mất rằng có nhiều quyết định của cá nhân nhiều khi chỉ mang tính chủ quan.

Trong khi đó, cách thức giám sát cũng dường như chỉ dừng lại ở hình thức báo cáo, trong đó có báo cáo chính xác, có cái không, có cái sai lệch...

Cũng có những tập đoàn kinh tế mà cán bộ quản lý ít “để tâm” đến những báo cáo của ban kiểm soát trong doanh nghiệp. “Có một đồng chí trưởng ban kiểm soát của một tập đoàn kinh tế lớn cho tôi hay, báo cáo của ban này không bao giờ được lãnh đạo chú ý, sử dụng và hội đồng quản trị cũng ít khi quan tâm đến báo cáo này”, ông Anh nói.

Ông Phạm Tuấn Anh cho rằng, là một doanh nghiệp thì không thể nói rằng không hiệu quả được. Tất nhiên, sau khi loại trừ các yếu tố thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội thì phần đó phải được lượng hóa, để có thể minh bạch hóa hiệu quả kinh tế và nhiệm vụ chính trị.

Đặc biệt, một bất cập có ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của tập đoàn kinh tế là công tác cán bộ vẫn áp dụng cơ chế như công chức Nhà nước. Tức là chỉ thay thế khi đến tuổi nghỉ hưu hoặc có sai phạm nghiêm trọng. Còn nếu sai phạm không quá lớn hoặc năng lực trung bình cũng không có cơ chế thay thế, vẫn yên vị.

Ngay cả khi có phát hiện ra người tài giỏi hơn trong doanh nghiệp xứng đáng cho vị trị lãnh đạo thì cũng không có cơ chế thay thế người đứng đầu. Cùng với đó, vai trò của các tổ chức đoàn thể trong các tập đoàn kinh tế cũng cần phải được xem lại bởi, hầu hết các sai phạm trong tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp Nhà nước đa số là do bên ngoài và cơ quan chức năng phát hiện.