09:47 15/02/2008

Làng cơm nắm muối vừng

Hoàng Hiệp - Phong Lan

Cách Hà Nội không xa, có một nơi làm ra món cơm nắm muối vừng, một thứ quà quê ngon và tinh tế

Cơm nắm chỉ đơn giản là gạo được nấu thành cơm rồi được nắm lại. Thế nhưng để có được một nắm cơm trắng tinh, mềm, dẻo và bùi lại không hề đơn giản.
Cơm nắm chỉ đơn giản là gạo được nấu thành cơm rồi được nắm lại. Thế nhưng để có được một nắm cơm trắng tinh, mềm, dẻo và bùi lại không hề đơn giản.
Người Hà Nội từ lâu đã rất quen thuộc với những tiếng rao cơm nắm muối vừng. Nhưng ít ai biết rằng chỉ cách Hà Nội không xa, có một nơi làm nên thứ quà quê ngon và tinh tế này. Nơi đó là xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.

Đến xã Lạc Đạo, hỏi nhà cụ bà Nguyễn Thị Đảo, không ai không biết. Năm nay đã trên 78 tuổi nhưng cụ bà hãy còn khỏe khoắn và vẫn phụ con cháu trong việc nắm cơm hàng ngày.

“Bà tổ” của nghề cơm nắm

Cụ Đảo được người dân trong xã coi như là “bà tổ” của nghề cơm nắm nơi đây  và là một trong những người đầu tiên có công trong việc phát triển việc làm cơm nắm ở Lạc Đạo. Cụ Đảo kể rằng, sở dĩ Lạc Đạo có thể trở thành làng cơm nắm vì cách làng không xa có ga Lạc Đạo, nơi qua lại của những chuyến tàu Bắc Nam.

Cách đây mấy chục năm trước, cụ Đảo cùng một số người dân trong làng hay bán hàng cho khách đi tàu. Đồ chủ yếu chỉ là quả trứng, cái bánh. Vì là người bán hàng nên không thể về nhà ăn cơm trưa, cụ mang theo vài nắm cơm để ăn. Có người khách nhìn thấy mới hỏi mua. Hôm sau, cụ về nắm thêm một vài chục nắm thử bán. Không ngờ, hết sạch. Đã thế lại còn được nhiều người khen ngon. Thấy bán được dễ dàng, cụ Đảo bảo một số người trong làng cùng nắm cơm để bán.

Cụ kể rằng, hồi đó, cơm nắm của cụ được rất nhiều người khách đi tàu ưa chuộng. Có người đi nhiều, nhớ luôn cả mặt và tên của cụ và nhất định chỉ mua cơm nắm của cụ. Có người thì mua một lúc mấy chục nắm liền để mang về nhà làm quà. Thời đó vất vả nhưng việc buôn bán rất thuận lợi. Có tháng cụ Đảo bán cơm nắm mà để ra được tận 2 chỉ vàng.

Lúc đầu cả làng chỉ có lác đác vài người nắm cơm bán, dần dần cả một xóm làm. Và đến giờ thì cả xã, hầu như nhà nào cũng làm cơm nắm hoặc có người đi bán cơm nắm ở khắp các tỉnh lân cận. Bán cơm nắm muối vừng trở thành một nghề nuôi sống cho cả làng Lạc Đạo.

Cơm nắm chỉ đơn giản là gạo được nấu thành cơm rồi được nắm lại. Thế nhưng để có được một nắm cơm trắng tinh, mềm, dẻo và bùi lại không hề đơn giản.

Tại Lạc Đạo, gia đình anh Biên, chị Lịch là một trong những hộ làm nhiều nhất và có thâm niên lâu năm nhất trong xã. Anh Biên cho biết mỗi ngày gia đình anh chị cung cấp ra thị trường trên dưới 1.000 nắm cơm.

Để có được những gói cơm nắm đúng giờ cho những người đi bán rong, anh chị phải dậy từ 1h sáng để vo gạo và nấu cơm. Muốn cơm trắng thì khâu vo gạo là quan trọng nhất. Nước dùng để nấu cơm cũng phải được lọc qua nhiều lần, nhưng theo anh Biên thì nếu gạo được nấu bằng nước mưa thì là tốt nhất, vì khi ăn sẽ có vị ngọt và đậm đà hơn.

Nấu cơm để nắm thành nắm không giống như nấu cơm ăn hằng ngày, nghĩa là cơm sẽ phải nát hơn một chút thì khi nắm mới dẻo. Dụng cụ để nắm cơm cũng rất đơn giản, chỉ là một mảnh vải trắng thun có độ co giãn. Cứ một muôi cơm là thành một nắm. Đặc biệt, phải nắm lúc nóng thì mới được, để nguội, cơm sẽ rời rạc và không dẻo nữa. Lúc nắm phải chắc tay, day thật đều để cơm mềm ra.

Nhớ lại những ngày đầu nắm cơm, không biết bao nhiêu lần bị bỏng, bị nước ăn tay, vừa đau, vừa rát, nhưng mặc, chị vẫn cố làm. Chính vì thế, hơn 10 năm nắm cơm nắm với không biết bao nhiêu nghìn nắm cơm, đôi bàn tay chị Lịch trở nên chai sần và thô ráp...

Mỗi ngày cung cấp cho thị trường hơn một ngàn nắm cơm đồng nghĩa với việc mỗi đêm anh chị phải nấu 6-7 nồi cơm to. Trên bếp than lúc nào cũng có sẵn một nồi nước sôi, khi nồi cơm kia vừa cạn nước và được đốt một lớp rơm xung quanh cho chín đều thì cũng chính là lúc gạo lại được đổ vào chiếc nồi thứ hai.

Chỉ 10 phút sau, anh Biên nhanh nhẹn bắc nồi cơm đã chín xuống mang lên nhà nắm, và không quên đặt nồi nước mới lên, trong khi chị Lịch vẫn đang miệt mài nấu nồi cơm thứ hai. Vừa nấu, thỉnh thoảng chị vừa chạy lên nhà phụ nắm cơm với chồng. Cứ thế hai vợ chồng vừa nấu cơm, vừa nắm cho đến khi gà gáy là xong.

Lúc đó, ngoài cửa nhà đã tấp nập tiếng người, tiếng xe đến lấy cơm mang bán cho kịp buổi đi làm sớm của khách. Mỗi nắm cơm như thế được bán từ 700-800 đồng/nắm. Cơm nắm bao giờ cũng đi kèm với một gói muối vừng.

Đổi đời từ cơm nắm

Nghề cơm nắm nghe thì tưởng đơn giản, nhưng được tận mắt chứng kiến mới thấy vất vả. Họ thường phải dậy từ 1h sáng, nếu hôm nào có khách đặt nhiều thì phải thổi cơm từ 11-12h đêm. Sáng hôm sau lại phải lo giã lạc, giã vừng làm muối vừng. Cứ thế liên tục không ngưng nghỉ trong khi mỗi nắm cơm như thế, họ chỉ được lãi 100 đồng. Tuy vất vả nhưng đây là một nghề ổn định, không mang tính thời vụ, có thể làm quanh năm nên càng ngày càng có nhiều người ở Lạc Đạo làm nghề này.

Thường thường tháng giêng, tháng 2 là thời điểm bận rộn nhất của cả làng. Vì đây là lúc người dân đi hội, lễ chùa nhiều nên họ thường đặt cơm nắm, muối vừng mang đi. Còn bình thường thì lại chính những người dân trong làng mang lên Hà Nội bán hoặc bán ở những bến tàu, bến xe quanh tỉnh. Thu nhập trung bình của mỗi người làm nghề cơm nắm này trung bình khoảng từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng/tháng.

Có nhiều gia đình trong làng khá giả lên nhờ cơm nắm như gia đình anh Viện, chị Liễu, mấy năm trước không đủ tiền làm nhà còn phải ở nhờ hợp tác xã, đến nay đã có tiền xây nhà hai tầng, mua sắm xe máy và nhiều vật dụng trong gia đình. Cơm nắm đã làm đổi đời nhiều gia đình nơi đây!