09:49 28/02/2013

Lấy ý kiến nhân dân: Nếu báo chí chủ động hơn...

Nguyễn Lê

Hoạt động báo chí trong việc lấy ý kiến nhân dân về các dự thảo chính sách hiện như thế nào?

Đã có nhiều ý kiến đánh giá đa chiều về hoạt động báo chí trong việc lấy ý kiến nhân dân tại hội thảo.<br>
Đã có nhiều ý kiến đánh giá đa chiều về hoạt động báo chí trong việc lấy ý kiến nhân dân tại hội thảo.<br>
Đều nhấn mạnh vai trò của báo chí trong việc lấy ý kiến nhân dân về các dự thảo chính sách, song làm thế nào để báo chí có thể làm tốt vai trò này lại là một câu hỏi không dễ trả lời tại hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) cùng Đại sứ quán Anh tại Hà Nội tổ chức sáng 27/2.

Phát biểu tại đây, Phó trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng báo chí là diễn đàn lý tưởng để các quan điểm được thể hiện và trao đổi, cũng là tiếng nói có trọng lượng để các ý kiến này được tiếp nhận trong các dự thảo chính sách.

Trong số các hình thức lấy ý kiến doanh nghiệp mà VCCI đang triển khai hiện nay, lấy ý kiến doanh nghiệp thông qua các thảo luận trên báo chí được xem là một trong các cách thức quan trọng nhất, bà Trang nhìn nhận.

Theo TS. Nguyễn Quang A, thiếu thông tin, thiếu các thủ tục minh bạch, thiếu tranh luận, thì việc lấy ý kiến của nhân dân về các dự thảo chính sách, chủ trương lớn đều không có hiệu quả.

Vai trò của báo chí là đưa tin trung thực, làm cho thủ tục được minh bạch và thúc đẩy tranh luận, TS. Nguyễn Quang A nêu quan điểm.

Tuy nhiên, “việc lấy ý kiến đối tượng bị tác động trực tiếp đang gần như bị cho qua. Người dân chỉ có quyền có ý kiến thông qua báo chí khi các văn bản quy phạm có hiệu lực”, nhà báo Đào Tuấn nhận xét.

Theo quan sát của nhà báo Đào Tuấn, có trường hợp dự thảo luật hoàn toàn không xuất hiện trên website của cơ quan chủ trì soạn thảo trước khi được thông qua. Hay, trên website của Bộ Thông tin và Truyền thông đang có 4 dự thảo lấy ý kiến góp ý và 5 dự thảo đã hết hạn lấy ý kiến song toàn bộ đều “hiện tại không có ý kiến đóng góp nào”, cả dự thảo hết hạn lẫn dự thảo còn hạn.

“Với những trường hợp thế này, các nhà báo thật không biết làm thế nào để làm nổi vai trò diễn đàn của nhân dân”, nhà báo Đào Tuấn “than thở”.

Việc phải đối mặt với “hệ số rủi ro” trong việc thông tin, phân tích chính sách trên báo chí cũng được cho là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thiếu vắng những phản biện sắc sảo trên mặt báo.

TS. Nguyễn Quang A nhấn mạnh, người dân mong báo giới đóng vai trò tích cực bằng cách cung cấp thông tin trung thực, tạo môi trường cho các cuộc thảo luận, tranh luận công khai, minh bạch và xây dựng.

Trưởng phòng Chính sách, Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Văn Hiếu đánh giá, báo chí chưa phải là hình thức phổ biến và chủ động trong việc lấy ý kiến nhân dân góp ý cho các dự thảo chính sách.

Con số cụ thể được ông đưa ra là từ đầu năm 2012 đến nay, trang thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông đã đăng tải và xin ý kiến góp ý dự thảo 56 văn bản quy phạm pháp luật thì chỉ có 19 dự thảo văn bản có ý kiến góp ý với 46 ý kiến, còn lại 37 văn bản không có ý kiến góp ý nào, kể cả dự thảo văn bản có liên quan nhiều đến hoạt động báo chí như quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.

Các cơ quan báo chí nên chủ động và phối hợp với các cơ quan chủ trì soạn thảo chính sách để thực hiện việc lấy ý kiến góp ý của nhân dân và coi dự thảo chính sách là các đề tài khai thác thường xuyên, ông Hiếu gợi ý.

Còn theo TS. Đỗ Thịnh, một cách thức lấy ý kiến nhân dân cho các chính sách lớn khá hiệu quả là thực hiện điều tra xã hội. Và việc này cơ quan báo chí cũng có thể tự làm được.

Chuyên gia truyền thông xã hội Nguyễn Hữu Vinh cho rằng sẽ tốt hơn nếu báo giới biết chủ động tìm tòi những phương cách mềm dẻo, dung hòa giữa những khác biệt. Ví như có thể đứng ra tổ chức những cuộc tọa đàm, bàn tròn về soạn thảo văn bản luật giữa cơ quan chuyên môn, chủ quản với các chuyên gia ngoài hệ thống nhà nước. Kiến thức, sự cảm thông có thể tăng lên từ đây, các bài tường thuật, tóm lược tọa đàm đến với độc giả cũng rất bổ ích.