19:00 08/06/2021

Liên bộ sẽ phối hợp tổ chức thanh kiểm tra các dự án “treo”

Nhĩ Anh

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, theo từng chương trình, kế hoạch hoặc trong các trường hợp cần thiết, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh thanh tra, kiểm tra, rà soát các dự án kinh doanh bất động sản...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trước thực trạng dự án "treo" tồn tại nhiều năm không chỉ gây lãng phí đất đai mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân gặp khó khăn, cử tri đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường giám sát việc thực hiện các quy định về quy hoạch sử dụng đất đai trên phạm vi cả nước, nhằm giải quyết căn cơ tình trạng này tại các địa phương.

CÁC PHƯƠNG ÁN XỬ LÝ DỰ ÁN QUY HOẠCH "TREO"

Trả lời các kiến nghị của cử tri, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết các dự án quy hoạch "treo" có rất nhiều nguyên nhân. Ngoài nguyên nhân do việc tổ chức triển khai đầu tư xây dựng chậm hoặc không thực hiện theo quy hoạch, còn có nguyên nhân là vì dự án chưa hoàn thiện thủ tục, hồ sơ pháp lý; dự án có tranh chấp hoặc có vi phạm…

 
Để xử lý các quy hoạch "treo", Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi các quy định về quy hoạch trong Luật Đất đai năm 2013.

Bên cạnh đó, tại Khoản 1 Điều 6 Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch sửa đổi Điều 49 Luật Đất đai năm 2013 cũng đã có quy định để xử lý vấn đề quy hoạch "treo".

Theo đó, đối với trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng và thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất trong khu vực phải chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất theo kế hoạch; được tiếp tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất nhưng không được xây dựng mới nhà ở, công trình, trồng cây lâu năm. Nếu người sử dụng đất có nhu cầu cải tạo, sửa chữa phải được cơ quan nhà nước cho phép theo quy định pháp luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ.

Với diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện đã được công bố phải thu hồi để thực hiện dự án hoặc phải chuyển mục đích sử dụng đất mà sau 3 năm chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất phải điều chỉnh, hủy bỏ và phải công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ việc thu hồi hoặc chuyển mục đích đối với phần diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất.

Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất không điều chỉnh, hủy bỏ hoặc có điều chỉnh, hủy bỏ nhưng không công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ thì người sử dụng đất không bị hạn chế về quyền.

 THANH KIỂM TRA, RÀ SOÁT XỬ LÝ VI PHẠM

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường thông tin pháp luật về quy hoạch xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản cũng đã có các quy định cụ thể về việc lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch; yêu cầu đối với dự án kinh doanh bất động sản, dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trách nhiệm của chủ đầu tư dự án.

Tại Điều 78 của Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 quy định Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm: “thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với kinh doanh bất động sản trên địa bàn; tổ chức kiểm tra, rà soát các dự án kinh doanh bất động sản trên địa bàn để thực hiện việc thu hồi, đình chỉ, tạm dừng hoặc điều chỉnh, chuyển đổi, chuyển nhượng các dự án kinh doanh bất động sản; báo cáo Bộ Xây dựng về tình hình thị trường bất động sản trên địa bàn,…”

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các dự án cụ thể tại các địa phương thuộc trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tuy nhiên, theo từng chương trình, kế hoạch cụ thể hoặc trong các trường hợp cần thiết, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh tổ chức thanh tra, kiểm tra, rà soát các dự án kinh doanh bất động sản để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết các vướng mắc hoặc vi phạm (nếu có) theo quy định.

Theo các chuyên gia, dự án chậm đưa đất vào sử dụng, để đất hoang, dự án “treo” đang là thực trạng xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước, gây lãng phí nguồn lực tài nguyên đất đai, giảm hiệu quả đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội. Do đó, các chuyên gia cho rằng, các cơ quan chức năng phải rà soát và có phương án xử lý chấn chỉnh tình trạng này; đồng thời có “thuốc” xử lý kịp thời, hiệu quả tình trạng dự án treo, vi phạm sử dụng đất.

 
Tại Hà Nội, không khó để tìm hàng loạt dự án "treo" "nằm trên giấy", trong đó tập trung ở các huyện như: Hoài Đức, Mê Linh, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm...

Dự án "treo" không chỉ tồn tại ở các khu vực ngoại thành mà ngay cả những quận nội đô, những vị trí đắc địa vẫn còn dự án được phê duyệt đến hàng chục năm nhưng triển khai rất chậm. Điển hình trong số đó có một số dự án xây dựng, nhà ở, khu đô thị chậm triển khai, thậm chí “treo”, hoặc nằm trên giấy hàng chục năm như dự án Sông Hồng City; khu nhà ở văn phòng IDC…

Liên quan đến việc xử lý các dự án chậm tiến độ, chậm đưa vào sử dụng đất khác hiện nay trên địa bàn, Hà Nội đã có các kế hoạch chỉ đạo giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, rà soát, kiểm tra tiến độ triển khai các dự án đầu tư xây dựng. Trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp, chấn chỉnh và có hình thức xử lý đối với các nhà đầu tư không tuân thủ thực hiện tiến độ dự án được phê duyệt, cũng như việc không đầu tư xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng dự án…