08:57 21/09/2024

Lo ngại "đẻ" thêm nhiều thủ tục hành chính không phù hợp

Vũ Khuê

Dự thảo Nghị định về hoạt động mua bán hàng hóa thông qua Sở giao dịch hàng hóa cần được xây dựng trên quan điểm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp, phù hợp với xu thế chung của thế giới…

Dự thảo đưa ra nhiều yêu cầu về thủ tục hành chính áp dụng đối với các chủ thể tham gia hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa. Ảnh minh họa.
Dự thảo đưa ra nhiều yêu cầu về thủ tục hành chính áp dụng đối với các chủ thể tham gia hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa. Ảnh minh họa.

Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 158/2006/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 51/2018/NĐ-CP đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến.

PHÁT SINH THÊM NHIỀU THỦ TỤC HÀNH CHÍNH KHÔNG CẦN THIẾT

Nhiều ý kiến đánh giá, Dự thảo quy định rất nhiều thủ tục hành chính liên quan đến 3 giai đoạn trong vòng đời của doanh nghiệp: thành lập, hoạt động, chấm dứt hoạt động.

Bên cạnh đó, Dự thảo đưa ra nhiều yêu cầu về thủ tục hành chính áp dụng đối với các chủ thể tham gia hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa như: Các thành viên kinh doanh, thành viên môi giới, nhà đầu tư cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước.

Theo thống kê sơ bộ, ở thời điểm hiện tại của Dự thảo làm phát sinh 18 thủ tục hành chính và 16 báo cáo. Trong đó, một số thủ tục vẫn giữ nguyên về hình thức so với Nghị định 158/2006/NĐ-CP và Nghị định 51/2018/NĐ-CP nhưng nội hàm mở rộng và bao trùm hơn.

Thậm chí, nhiều thủ tục hành chính không quy định rõ trình tự, thủ tục, hồ sơ. Các thủ tục này có khả năng khiến doanh nghiệp đối mặt với nhiều bất cập, rủi ro. Đơn cử như thủ tục hành chính cấp, gia hạn giấy phép thành lập Sở Giao dịch hàng hoá - điều kiện nguồn gốc vốn góp, thời gian nắm giữ cổ phần tại các Sở Giao dịch hàng hoá khác; thủ tục thông báo liên thông với Sở Giao dịch hàng hoá ở nước ngoài - điều kiện về số lượng, giá trị, loại mặt hàng giao dịch...

Trong khi đó, nhiều năm qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm đến việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm khơi thông nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng thông qua Nghị Quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 20/5/2024 về tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính tại các Bộ, ngành, địa phương; Kế hoạch cải cách thủ tục hành chính trọng tâm năm 2024; Nghị Quyết số 68/NQ-CP ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 – 2025.

Theo các chuyên gia, Dự thảo Nghị định đặt ra nhiều thủ tục hành chính mới so với Nghị định 158/2006/NĐ-CP và Nghị định 51/2018/NĐ-CP. Đặc biệt áp dụng đối với cả các chủ thể đã được thành lập cũng như đi vào hoạt động ổn định trước khi Nghị định mới này có hiệu lực thi hành.

Hơn nữa, nhiều thủ tục không phù hợp với chủ trương cải cách hành chính của Đảng và Nhà nước. Một số thủ tục hành chính không thực sự cần thiết, không bảo đảm tính hợp lý, nhất là về thành phần hồ sơ, trình tự và thời hạn giải quyết.

Chính vì vậy, các ý kiến kiến nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát, chỉnh sửa lại các quy định về thủ tục hành chính trong dự thảo Nghị định, bảo đảm các thủ tục hành chính đó là thực sự cần thiết cho quản lý Nhà nước, không trái với các luật (Luật Thương mại, Luật Doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật Ban hành VBQPPL) và các văn bản pháp luật khác có liên quan (Nghị định 63/2010/NĐ-CP, Thông tư 03/2022/TT-BTP …), bảo đảm tính hợp lý và chi phí tuân thủ thấp.

PHẠM VI QUẢN LÝ MỞ RỘNG NHIỀU SO VỚI QUY ĐỊNH HIỆN TẠI

Tương tự, nhiều góp ý cho rằng Dự thảo mở rộng khá nhiều phạm vi quản lý so với quy định hiện tại. Như cấp đăng ký hoạt động kinh doanh, quản lý/công nhận cơ sở đào tạo nghiệp vụ hàng hóa, phê duyệt chương trình đào tạo nghiệp vụ, xử lý khoản tiền đã ký quỹ trong một số trường hợp, triển khai các biện pháp quản lý trong trường hợp khẩn cấp.... Hoặc đặt ra nhiều rào cản, quy định về đối tượng giao dịch, chủ thể giao dịch và thậm chí cả phương thức giao dịch.

Việc mở rộng như vậy sẽ đặt ra rất nhiều yêu cầu đối với cơ quan quản lý Nhà nước, với doanh nghiệp, các tổ chức liên quan về việc bổ sung nguồn lực, đầu tư, hạ tầng vật chất, kỹ thuật, công nghệ... Đồng thời đặt ra yêu cầu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành để vận hành thị trường mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hoá.

Song thực tế cho thấy điều kiện về nhân sự, cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ, tổ chức bộ máy hiện đang rất hạn chế.

Các góp ý khuyến nghị, Dự thảo cần lưu ý dù hoạt động quản lý Nhà nước là thực thi quyền lực tối cao của Nhà nước (thông qua các hoạt động hoạch định, lập pháp, lập quy, tổ chức, lãnh đạo, giám sát, kiểm tra) nhưng vẫn phải bảo đảm tuân theo các quy luật phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm duy trì sự ổn định, phát triển bền vững của thị trường thông qua việc sử dụng các nguồn lực sẵn có một cách phù hợp, hiệu quả.

ĐIỀU KIỆN THÀNH LẬP SỞ GIAO DỊCH HÀNG HÓA KHÁ MÙ MỜ

Theo PGS.TS Đinh Dũng Sỹ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Văn phòng Chính phủ, Điều 9 dự thảo còn đặt ra những điều kiện thành lập Sở giao dịch hàng hóa khá mù mờ, trừu tượng, khó xác định.

Cụ thể, khoản 8 quy định: "Đề án thành lập, phương án hoạt động và phương án kinh doanh có cơ sở bảo đảm tính khả thi, không gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường hàng hóa, an ninh kinh tế, mất cân đối cung cầu, ảnh hưởng đến các thành phần của chỉ số giá tiêu dùng; không tạo ra hoặc tiềm ẩn nguy cơ tạo ra vị trí độc quyền, vị trí thống lĩnh thị trường, cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường hàng hóa và các thị trường liên quan".

“Đây quả thật là một điều kiện vô cùng khó xác định khi còn đang là một đề án xin thành lập Sở giao dịch hàng hóa (xin cấp Giấy phép hoạt động), dễ gây tùy tiện cho cơ quan có thẩm quyền, người thực thi công vụ”, ông Dũng nói.

Nếu cần phòng ngừa các tình huống, Nghị định cần quy định theo hướng dự liệu trong quá trình hoạt động của Sở giao dịch hàng hóa cùng các giải pháp xử lý nếu chúng xảy ra, không phải là khi thẩm định đề án thành lập Sở giao dịch hàng hóa.

Ngoài ra, Khoản 9 Điều 9 dự thảo quy định về điều kiện thành lập Sở giao dịch hàng hóa là phải "Có hệ thống thông tin đáp ứng các yêu cầu về giải pháp công nghệ và kỹ thuật trong hoạt động Sở giao dịch hàng hóa".

Tuy nhiên, trong dự thảo không có bất cứ quy định nào về hệ thống thông tin này. Với việc quy định chung chung như dự thảo thì doanh nghiệp khó thực hiện và cơ quan có thẩm quyền cũng không đủ cơ sở để đánh giá, thẩm tra.

Do vậy, “Dự thảo cần quy định rõ các giải pháp công nghệ và kỹ thuật mà doanh nghiệp muốn thành lập Sở giao dịch hàng hóa phải đáp ứng, nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch của các điều kiện đầu tư, kinh doanh theo quy định của pháp luật về đầu tư”, ông Dũng nhấn mạnh.