15:23 03/08/2009

Lo ngại hàng Trung Quốc cạnh tranh

Lê Mây

Làm thế nào để hàng nội địa cạnh tranh tốt với hàng Trung Quốc? Đây là câu hỏi đặt ra cho doanh nghiệp Việt Nam

Trung Quốc sản xuất hàng hóa theo hình thức hàng loạt, quy mô lớn nên tiết giảm chi phí sản xuất nhờ vậy giá cả sản phẩm rất rẻ.
Trung Quốc sản xuất hàng hóa theo hình thức hàng loạt, quy mô lớn nên tiết giảm chi phí sản xuất nhờ vậy giá cả sản phẩm rất rẻ.
Vì sao hàng Trung Quốc vẫn được người tiêu dùng lựa chọn, mặc dù ai cũng biết hàng giá rẻ Trung Quốc có chất lượng không đảm bảo? Làm thế nào để hàng nội địa cạnh tranh tốt với hàng Trung Quốc? Đây là câu hỏi đặt ra cho doanh nghiệp Việt Nam đi tìm lời giải đáp.

Trước hết phải khẳng định là vấn đề nói đến ở đây không phải hàng Trung Quốc có chất lượng đảm bảo được nhập bằng kênh chính ngạch mà nói đến loại hàng hóa kém chất lượng nhập lậu, nhập bằng đường tiểu ngạch vào thị trường.

Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2009, hàng Trung Quốc chiếm đến 70% tổng số vụ hàng nhập không rõ xuất xứ, kém chất lượng. Song làm thế nào để người tiêu dùng nói không với hàng lậu mới là vấn đề.

Hàng Trung Quốc có nhiều lợi thế

Giám đốc maketting Công ty Điện Quang, ông Nguyễn Bắc Sơn cho biết, Điện Quang có nhiều sản phẩm có thể cạnh tranh tốt với sản phẩm cùng loại trên thế giới, nhưng lại không thể đẩy lùi được sản phẩm tiểu ngạch của Trung Quốc, vì người tiêu dùng vẫn chọn hàng giá rẻ.

Tại thời điểm khó khăn như hiện nay, hàng giá rẻ được người tiêu dùng đón nhận. Một phần nguyên nhân là số đông người Việt Nam vẫn còn nghèo, thu nhập thấp thì hàng giá rẻ sẽ là xu hướng tiêu dùng. Bên cạnh yếu tố giá cả, một thực tế không thể chối bỏ là hàng Trung Quốc mẫu mã phong phú, đa dạng về chủng loại, lại hợp thời.

Chính yếu tố nhanh nhạy giúp hàng hóa Trung Quốc chinh phục người tiêu dùng Việt Nam. Có thể nói doanh nghiệp Trung Quốc đã rất mau mắn “chớp” thời cơ, trong khi ấy, doanh nghiệp Việt Nam còn quá chậm.

Thực tế vài năm gần đây, khi hiệp định mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc được thực thi đã tạo điều kiện thuận lợi cho hàng Trung Quốc “chảy” vào Việt Nam dễ dàng hơn. Hiện nay, biên mậu Việt-Trung không còn ở Lạng Sơn, Móng Cái và Lào Cai như trước mà nay đã chuyển vào tận Tp.HCM. Thị trường Tp.HCM “ngập đầy” sản phẩm của Trung Quốc.

Điểm thuận lợi cho hàng Trung Quốc tràn sang Việt Nam và là điều khó khăn trong việc kiểm soát hàng hóa nơi biên giới của Việt Nam chính ở đường biên giới chung của hai nước dài hàng trăm km, hệ thống giao thông đường sắt, đường bộ, đường thủy cũng rất thuận tiện. Dân cư hai bên biên giới đi lại tự do, nên hoạt động biên mậu và tiểu ngạch diễn ra phổ biến và dễ dàng.

Ngoài ra, đẩy mạnh dịch vụ biên mậu còn là chính sách của Trung Quốc, thông qua việc giảm thuế, trao quyền cho các địa phương vùng biên được đặc quyền quyết định các ưu đãi về biên mậu. Doanh nghiệp Trung Quốc ở các địa phương, nhất là cấp xã được khuyến khích phát triển sản xuất và bán ra bên ngoài bằng hình thức ưu đãi thuế, doanh nghiệp càng ở cấp dưới thì thuế càng rẻ, có khi bằng 0%.

Về năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam so với hàng Trung Quốc thì hàng nội địa còn kém xa. Trung Quốc sản xuất hàng hóa theo hình thức hàng loạt, quy mô lớn nên tiết giảm chi phí sản xuất nhờ vậy giá cả sản phẩm rất rẻ. Hình thức phân công lao động ở Trung Quốc rất phù hợp, chi phí giao dịch thấp, cung ứng dịch vụ hỗ trợ sản xuất như điện cũng rất tốt. Đồng thời họ còn có khả năng cung cấp cùng lúc nhiều loại hàng hóa đa dạng về chất lượng, giá cả.

Doanh nghiệp phải tự nỗ lực để cứu mình

Như nhận định của các doanh nghiệp, tính liên kết nội bộ doanh nghiệp trong nước chưa hình thành. Chính sự đơn lập đã kéo năng lực cạnh tranh của hàng nội với hàng ngoại giảm sút. Bản thân người đi buôn thì không ai lại không nghĩ đến lợi nhuận. Thị trường chuộng hàng nào người đi buôn sẽ “vác” về mặt hàng ấy .

Vì vậy, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ không khi nào đi bắt tay với các nhà sản xuất trong nước. Bản thân các doanh nghiệp nội thì sức yếu, tài lực có hạn. Như chia sẻ của ông Đỗ Long, Tổng giám đốc Công ty Bitas cho biết, chúng tôi muốn đem một phần công đoạn sản xuất chia sẻ cho các doanh nghiệp khác trong nước nhưng không dễ tìm được đối tác vì không “thông” được qua các khâu đàm phán về giá, thời gian, thanh toán...

Do vậy, bản thân các doanh nghiệp phải xây dựng tư duy cạnh tranh với hàng Trung Quốc trên “sân nhà”. Nếu hàng trong nước luôn có chất lượng tốt, đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng thì không có lý do gì để người tiêu dùng  mua hàng ngoại. Vấn đề đặt ra cho doanh nghiệp là phải đổi mới về chiến lược kinh doanh, đổi mới phương thức sản xuất, cải tiến quy trình công nghệ để hạ giá thành sản phẩm nhưng vẫn đảm bảo về chất lượng.

Mặt khác, như kiến nghị của các doanh nghiệp, Việt Nam cần xây dựng quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật cho hàng hóa nhập khẩu và cần tuân thủ nghiêm ngặt. Lập ra chiến lược về sản phẩm, tiêu chuẩn hàng hóa trong nước và hình thành mối liên kết giữa nhà quản lý với doanh nghiệp. Ngoài ra, đẩy mạnh yếu tố chất xám có trong sản phẩm sẽ kéo gần khoảng cách về năng lực cạnh tranh cho hàng nội địa.

Để giải bài toán thị trường cho doanh nghiệp trong nước, theo gợi ý của Tổng giám đốc Công ty Bitas, ông Đỗ Long, trong khi hàng Trung Quốc lấn sân sang Việt Nam, vì sao mọi người không nghĩ đến chuyện đem hàng bán qua Trung Quốc? Dựa vào dân số đông, Trung Quốc là thị trường có sức tiêu thụ hàng hóa rất lớn.

Tuy nhiên, thâm nhập thành công vào thị trường này và để trụ lại, doanh nghiệp phải kiên trì. Nếu hàng hóa xây dựng được thương hiệu thì con đường vào thị trường Trung Quốc sẽ dễ dàng hơn nhiều. Sau thời gian dài, Bitas chỉ bán hàng ở mậu biên, nay sản phẩm đã có mặt ở 12 tỉnh thành của Trung Quốc. Nỗ lực và quyết tâm là yếu tố cấu thành nên sự thành công cho doanh nghiệp.