Loạt bê bối của doanh nghiệp Mỹ gây sốc toàn cầu
Vụ phá sản của Lehman Brothers, tràn dầu của BP hay xử lý trái phép dữ liệu người dùng của Facebook là ba trong số nhiều bê bối của doanh nghiệp Mỹ gây chấn động toàn cầu...
Giạn lận kế toán, điều kiện làm việc tồi tệ hay đạo đức kém là những bê bối mà nhiều doanh nghiệp Mỹ lớn của Mỹ gặp phải những năm qua, trong đó không ít vụ gây chấn động toàn cầu.
ENRON
Bê bối gian lận kế toán của hãng năng lượng Enron là một trong những vụ lớn nhất và "khét tiếng" nhất trong lịch sử doanh nghiệp Mỹ. Được thành lập vào năm 1985, Dưới sự điều hành CEO Kenneth Lay những năm 1990, công ty này đã dùng phương pháp kế toán hạch toán theo giá thị trường (market to market) để ghi nhận lợi nhuận ước tính là lợi nhuận thực tế. Phương pháp này cho phép công ty xóa bỏ những dự án kinh doanh không mang lại lợi nhuận của mình mà không ảnh hưởng tới lợi nhuận. Nhưng rồi những khoản lỗ bị giấu cũng phơi bày.
Sau khi giá cổ phiếu Enron lập kỷ lục 90,75 USD vào giữa năm 2000, tới tháng 8/2001, giới phân tích bắt đầu hạ định giá đối với mã này. Tháng 10 năm đó, công ty báo cáo quý lỗ đầu tiên và không lâu sau, Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) thông báo sẽ bắt đầu điều tra Enron.
Theo đó, công ty bị phát hiện đã lỗ tổng cộng 591 triệu USD và nợ 628 triệu USD tính tới cuối năm 2000. Các cổ đông của công ty này sau đó đã đâm đơn kiện đòi bồi thường 40 tỷ USD. Tới cuối năm 2001, giá cổ phiếu Enron chỉ còn chưa tới 1 USD. Ngày 2/12/2001, “đế chế” năng lượng một thời đệ đơn xin phá sản và trong khoảng thời gian từ năm 2004 đến 2011 đã phải trả cho các chủ nợ hơn 21,7 tỷ USD.
LEHMAN BROTHERS
Sự sụp đổ của “đại gia” ngân hàng Mỹ Lehman Brothers châm ngòi cho khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Khi đệ đơn xin phá sản vào tháng 9 năm đó, ngân hàng này đã được 164 năm tuổi. Trước đó, Lehman Brothers đầu tư mạnh vào bất động sản rủi ro cao và cho vay thế chấp mua nhà dưới chuẩn "vô tội vạ". Khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất vào năm 2006 và người sở hữu nhà bắt đầu phá sản, ngân hàng này cũng sụp đổ.
Một ngày sau Lehman Brothers đệ đơn xin phá sản, chỉ số công nghiệp Dow Jones ghi nhận một trong những cú lao dốc mạnh nhất trong lịch sử khi mất 504 điểm (giảm 4,4%) một phiên. Vụ phá sản của Lehman Brothers cũng là một trong những vụ lớn nhất trong lịch sử Mỹ. Khi đó, ngân hàng này có tài sản 639 tỷ USD và khối nợ 613 tỷ USD.
BP
Tháng 4/2010, người ta phát hiện ra một vụ tràn dầu lớn ở Vịnh Mexico, chỉ cách bờ biển ở Louisiana (Mỹ) hơn 65 km, liên quan đến giàn khoan dầu Deepwater Horizon mà BP cho thuê.
Vụ tràn dầu sau đó được xác định bắt nguồn từ một vụ nổ khí tự nhiên vào đêm ngày 20/4 do bê tông của giàn khoan quá yếu, không chịu được áp suất. Vụ nổ khiến 11 công nhân tử vong và 17 người bị thương. Hai ngày sau vụ nổ, giàn khoan bị sập và chìm, gây ra vụ tràn dầu mà hậu quả vẫn còn dai dẳng tới tận ngày nay.
Vụ tràn dầu đã giải phóng hơn 130 gallon dầu thô, tạo ra một vệt dầu trải dài 150.000 km2 trên vùng vịnh, thậm chí còn tràn vào các bãi biển ở Louisiana.
Để làm sạch dầu, 1,8 triệu gallon hóa chất đã được bơm vào khu vực tràn dầu. Thời điểm đó, CEO của BP, ông Tony Hayward, hứng chịu chỉ trích của công chúng vì phản ứng thiếu nghiêm túc trước thảm họa này. Tháng 10 cùng năm, vị CEO này bị thay thế.
Đến năm 2011, vốn hóa của BP đã sụt gần 25% và công ty đã phải chi hơn 40 tỷ USD cho công tác xử lý và phục hồi khu vực bị tràn dầu. Các loài động vật hoang dã trong khu vực này, bao gồm san hô biển sâu cùng nhiều động vật khác, vẫn chịu ảnh hưởng từ vụ việc này tới tận ngày nay.
Tháng 3/2018, Facebook – tên gọi trước đây của Meta – rơi vào “nước sôi lửa bỏng” khi một cuộc điều tra chung của tờ báo The Guardian, The Observer và The New York Times phát hiện nền tảng mạng xã hội này đã cho phép công ty Cambridge Analytica (Anh) khai thác dữ liệu của 87 triệu người dùng và nhắm tới cử tri Mỹ với các quảng cáo chính trị. Cambridge Analytica đã sử dụng một ứng dụng có tên "thisisyourdigitallife" để yêu cầu người dùng trả lời các câu hỏi nhằm xây dựng hồ sơ tâm lý của họ.
Năm đó, cựu nhân viên của Cambridge Analytica, ông Christopher Wylie, đã tiết lộ thông tin về công ty này với báo giới. Facebook sau đó công khai xin lỗi về vụ việc, còn CEO công ty - ông Mark Zuckerberg – phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ.
Năm 2019, Facebook bị Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) xử phạt 5 tỷ USD vì xử lý thông tin người dùng trái quy định – mức phạt kỷ lục của cơ quan này. Cũng năm, Facebook bị Văn phòng Ủy viên Thông tin (ICO) Anh phạt 609.000 USD vì không đảm bảo an toàn dữ liệu của người dùng Anh.
THERANOS
Theranos, công ty khởi nghiệp đầy tiềm năng hứa hẹn tạo ra cuộc cách mạng về y học với công nghệ xét nghiệm chỉ cần một giọt máu nhỏ từ đầu ngón tay. Được thành lập bởi Elizabeth Holmes khi cô mới học năm nhất tại Đại học Stanford, startup này được định giá hơn 9 tỷ USD hai năm sau đó. Nhờ vậy, với 50% cổ phần tại Theranos, Holmes được tạp chí Forbes vinh danh là nữ tỷ phú tự thân giàu nhất tại Mỹ năm 2015.
Tuy nhiên, mọi thứ sụp đổ khi Theranos bị cơ quan chức năng “sờ gáy”. Hóa ra công nghệ xét nghiệm máu mà startup này quảng cáo không hề tồn tại. Chưa dừng lại ở đó, Holmes còn bị phát hiện dùng tiền của công ty để tiêu xài cá nhân bao gồm mua máy bay riêng, dùng dịch vụ bảo vệ an ninh và thậm chí thuê một người viết bài PR riêng với mức lương 25.000 USD/tháng.
Năm 2018, Holmes bị cáo buộc 9 tội danh lừa đảo qua hình thức điện tử và 2 tội danh âm mưu lừa đảo qua hình thức điện tử. Nữ CEO bị kết án với 4 tội danh. Và không ngạc nhiên khi Theranos ngừng hoạt động vào năm 2018.