09:46 17/08/2007

Lũ lụt, thách thức nghiêm trọng của thế giới

Quốc Trung

Các trận bão và mưa lũ liên tiếp trên thế giới trong vòng hai tuần qua đã gây thiệt hại hàng tỷ USD, làm hàng nghìn người chết

Lũ lụt đe dọa cuộc sống người dân Nam Á.
Lũ lụt đe dọa cuộc sống người dân Nam Á.
Các trận bão và mưa lũ liên tiếp trên thế giới trong vòng hai tuần qua đã gây thiệt hại hàng tỷ USD, làm hàng nghìn người chết và gia tăng đói nghèo, bệnh tật. Các quan chức Liên hiệp quốc cảnh báo, lũ lụt đã trở thành thách thức nghiêm trọng của thế giới.

Theo thống kê của Liên hiệp quốc, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 70 trận lụt nghiêm trọng tại các nước Sudan, Etiopia, Myanmar, Philippines, Trung Quốc và một loạt nước Nam Á... Điều đáng lo ngại là tình hình thời tiết nửa cuối năm rất khó dự báo, vì thế thiệt hại do bão lũ gây ra sẽ rất lớn.

Nam Á đối diện với thảm hoạ y tế

Tại Trung Quốc, mạng Sina.com ngày 13/8 đưa tin 5 người dân của một làng tại miền Đông Trung Quốc đã thiệt mạng và 11 người bị thương do bị sét đánh trong đợt mưa bão xảy ra mấy ngày qua. Tại Tp.Trạm Giang, 5.920 người bị mắc kẹt vì nước lũ. Mưa bão gây ảnh hưởng cho khoảng 1,2 triệu người, làm 3.665 ngôi nhà bị đổ, nhiều công trình giao thông và thủy lợi hư hại, tổn thất kinh tế ước tính hơn 1,3 tỷ Nhân dân tệ (gần 170 triệu USD)...

Những trận mưa lũ mới vào ngày 13-8 cũng khiến ít nhất 63 người chết tại miền đông Ấn Độ . Theo thống kê, đợt mưa lớn gây lũ lụt nghiêm trọng tại các nước Bangladesh, Ấn Độ và Nepal vừa qua làm hơn 20 triệu người mất nhà cửa hoặc bị cô lập với những vùng xung quanh. Kể từ tháng 6 tới nay, hơn 2.000 người đã thiệt mạng trong các trận lũ lụt ở các nước này.

Đáng lo ngại là sau khi lũ rút đi, hàng triệu người dân Nam Á lâm vào cảnh đói nghèo; bệnh tật tiếp tục giết chết nhiều người và khu vực này phải đối mặt với thảm hoạ y tế.

Tính đến 14/8 đã có thêm 40 người thiệt mạng, nâng tổng số người chết vì lụt tại Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan và Nepal lên ít nhất 2.120 người. Số người nhập viện ở các vùng có lụt tăng 6-8 lần so với bình thường với tỉ lệ bệnh nhân tiêu chảy rất cao. Hiện nhân viên y tế các nước nói trên đang phải chống chọi với tình trạng thiếu thuốc dự trữ.

Tuần trước, Liên hiệp quốc và các đối tác đã trợ giúp khẩn cấp cho khoảng nửa triệu nạn nhân lũ lụt ở Sudan, khi bốn tuần mưa lớn đã làm hơn 30.000 ngôi nhà bị phá huỷ hoàn toàn, 365.000 người bị ảnh hưởng trực tiếp, trong đó 64 người đã bị chết và 335 người khác bị thương. Những trận mưa như thác trong tuần trước cũng đã nhấn chìm hàng trăm ngôi nhà ở phía nam và đông Romania.

Lũ lụt, thách thức nghiêm trọng

Trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban điều phối nhân đạo của Liên hiệp quốc bà M. Walhstrom cảnh báo, lũ lụt đã trở thành một thách thức nghiêm trọng của thế giới. Nó làm ảnh hưởng tới 500 triệu người mỗi năm, không chỉ tại các quốc gia châu Á vốn quen với gió mùa và bão hàng năm mà cả ở những nước như Sudan, Columbia, Etiopia, Apganistan...

Bà Walhstrom cho biết, lũ lụt và các thảm họa kéo theo nó chiếm 59% tổng số vụ thiên tai được thống kê trong năm ngoái. Từ năm 2004 đến 2006, số vụ thiên tai đã tăng từ mức 200 vụ lên đến 400 vụ trung bình/năm, số vụ lũ lụt tăng từ 60 lên đến trên 100 vụ. Theo thống kê của Liên hiệp quốc, năm 2006, 83% số nạn nhân của các vụ thiên tai sinh sống tại châu Á. Thiệt hại kinh tế mà các vụ thiên tai gây ra đối với châu lục này là hơn 25 tỷ USD (18 tỷ Euro), trong tổng số 34,5 tỷ USD tổn thất trên toàn cầu.

Năm 2007 này được dự báo là một năm thiên tai khốc liệt. Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho rằng thế giới đã trải qua một loạt sự kiện thời tiết đối nghịch trong nửa đầu năm 2007.

Trong khi mưa lớn bất thường gây lụt lội ở Nam Á, Bắc Âu, Trung Quốc thì Đông Âu, Nam Âu và Nga lại hứng chịu thời tiết nắng nóng, tuyết bất ngờ rơi ở Nam Mỹ và Nam Phi. WMO còn nhận thấy nhiệt độ bề mặt toàn cầu từ tháng một đến tháng tư cao hơn 1độ C so với trung bình và như vậy là ở mức cao nhất kể từ khi số liệu thời tiết được lưu giữ từ năm 1880. WMO và 188 quốc gia thành viên đang hợp tác để thiết lập hệ thống cảnh báo sớm các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.

Trước thức trạng trên, các quan chức Liên hiệp quốc khuyến cáo các quốc gia, tổ chức và cá nhân thay đổi hành vi ứng xử để có thể giảm thiểu tác động của các vụ thiên tai. Kêu gọi các chính phủ đầu tư vào những hệ thống phòng chống lũ lụt và tưới tiêu; tránh xây dựng tại những khu vực có nguy cơ lũ lụt cao; giảm bớt các khu định cư ở vùng duyên hải; áp dụng các biện pháp bảo vệ nguồn cung cấp nước sạch và điện.