06:00 25/08/2022

Luật cần quy định cụ thể về tài chính y tế

Lý Hà

Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) lần này nhiều hơn một chương so với luật cũ (năm 2009). Nhiều nội dung trong lĩnh vực khám, chữa bệnh đang được thảo luận để hoàn thiện. Đặc biệt trong đó có liên quan đến tài chính y tế, cơ chế tài chính đối với cơ sở khám, chữa bệnh...

Sau hơn 11 năm triển khai thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009, thực tế đã nảy sinh một số vướng mắc, bất cập chưa có cơ chế pháp lý để giải quyết, nhất là từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra.

Vì thế, việc sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh là hết sức cần thiết. Hiện nay, đối với ngành y tế, vấn đề tài chính y tế, cơ chế tài chính là một trong những vấn đề nóng của ngành đòi hỏi một hành lang pháp lý để các cơ sở khám chữa bệnh yên tâm thực hiện.

THIẾU DO VƯỚNG MẮC TỪ TÀI CHÍNH Y TẾ

Có thể nói, những vướng mắc khi thực hiện các quy định hiện hành về tài chính y tế và cơ chế tự chủ tài chính của các cơ sở khám, chữa bệnh, đặc biệt ở khu vực y tế công là khá rõ. Nhiều lãnh đạo ở các bệnh viện từ địa phương đến các tuyến trung ương đều nhận thấy khó khăn vướng mắc trong việc tự chủ tài chính, mua sắm vật tư, thuốc men y tế.

Ngay trong thời kỳ chống dịch Covid-19, Quốc hội đã phải ban hành Nghị quyết số 30/2021, sau đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẩn trương ban hành Nghị quyết số 12/2021, cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc biệt để cho ngành y tế thực hiện chống dịch Covid-19...

 

Nhiều lãnh đạo ở các bệnh viện từ địa phương đến các tuyến trung ương đều nhận thấy khó khăn vướng mắc trong việc tự chủ tài chính, mua sắm vật tư, thuốc men y tế.

Các nghị quyết đó thực chất là tạo hành lang pháp lý để ngành y tế kịp thời tập trung nguồn lực cho hoạt động khám bệnh và chữa bệnh, xã hội hóa dịch vụ y tế, hợp tác công tư trong hoạt động khám chữa bệnh… Đó cũng là cách giải quyết vướng mắc pháp lý về cơ chế tài chính kịp thời lúc bấy giờ phục vụ cho chống dịch. Chủ tịch

Quốc hội Vương Đình Huệ cũng từng nhấn mạnh xã hội hóa y tế có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm bù đắp thiếu hụt về tài chính Nhà nước và mở rộng cung ứng dịch vụ cho người dân, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân. Đồng thời bày tỏ mong muốn những vấn đề này sẽ được các chuyên gia pháp lý, chuyên gia y tế và các nhà quản lý trong lĩnh vực y tế đóng góp ý kiến để làm sao thể hiện được trong dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Chính tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các bệnh viện thời gian qua cũng phản ánh tình trạng thiếu y tế tài chính, thiếu cơ chế trong luật hiện hành.

PGS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết tình trạng khó khăn về thuốc, vật tư y tế là vấn đề rất nóng của cả ngành y tế. Trong hơn 2 năm chống dịch Covid-19, rất nhiều người dân, người bệnh không được đến các bệnh viện chuyên sâu như Bệnh viện Bạch Mai để khám chữa bệnh. Do vậy, sau khi dịch được kiểm soát, số lượng bệnh nhân từ các tuyến, các tỉnh dồn về bệnh viện này tăng đột biến. Hầu hết các chuyên khoa đều tăng gấp 5 lần, làm cho áp lực thiếu trang thiết bị, vật tư, thuốc trở nên trầm trọng hơn.

Theo lãnh đạo bệnh viện Bạch Mai, tình trạng thiếu này không chỉ ở một bệnh viện này, hầu như tất cả các giám đốc của các bệnh viện, các cơ sở y tế đều có tâm lý e ngại khi mua sắm. Đơn giản vì không có các văn bản pháp quy rõ ràng và tạo điều kiện cho việc mua sắm minh bạch, công khai nên các nhà quản lý không biết mình làm thế này đã đúng quy định pháp luật hay chưa.

hiều cán bộ quản lý ngành y tế cũng cho rằng nếu không có cơ chế tài chính rõ ràng, minh bạch sẽ khiến các đơn vị e dè mua sắm. Nhất là khi các vụ án liên quan đến tiêu cực trong ngành y xảy ra thời gian qua càng khiến nhiều người e ngại liệu mình đã làm đúng quy định hay chưa? Trong khi đó, năng lực tham gia đấu thầu từ cơ sở đến trung ương còn hạn chế, thiếu cán bộ am hiểu về lĩnh vực thuốc, đấu thầu; nhiều doanh nghiệp không tham gia đấu thầu do giá thầu thấp, không bảo đảm doanh thu.

LUẬT PHẢI DÀNH MỘT CHƯƠNG VỀ TÀI CHÍNH

Nhìn chung, theo các chuyên gia y tế, dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã có những điểm mới liên quan đến vấn đề tài chính y tế, cơ chế tài chính cho ngành y tế. Theo bác sĩ.TS. Trần Tuấn, Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng, việc công nhận sự tồn tại của loại hình khám chữa bệnh ngoài nhà nước nhân đạo, phi vụ lợi là “một điểm son” của dự thảo Luật. Điều đó rất có ý nghĩa vì với cơ sở y tế khám chữa bệnh ngoài nhà nước nhân đạo, phi vụ lợi sẽ phản ánh sát nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh theo diễn biến thị trường.

 

Cũng là bài toán tính đúng, tính đủ, nhưng nhiều năm qua, khi thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác KCB, ngành y tế và bảo hiểm y tế đều loay hoay như “gà mắc tóc” do cách tiếp cận không phù hợp cả về mặt thực tế và yêu cầu khoa học với bài toán này

Bởi muốn tồn tại được, các cơ sở này phải giải tốt bài toán “tính đúng, tính đủ” để bảo đảm duy trì được việc cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh cho mục tiêu khoa học, nhân đạo. Chất lượng dịch vụ được kiểm soát chung theo mặt bằng chuyên môn với y tế công và y tế tư, trong khi tính chất “phi vụ lợi” giúp giá dịch vụ trở nên thấp nhất, bảo đảm lợi ích cao nhất cho người bệnh. Rõ ràng cơ sở dịch vụ khám chữa bệnh như vậy mới có thể cung cấp thông tin xác thực nhất cho hình thành giá dịch vụ y tế, làm cơ sở cho vận hành bảo hiểm y tế nhân đạo bền vững.

Cũng là bài toán tính đúng, tính đủ này, nhưng nhiều năm qua, khi thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác khám chữa bệnh, ngành y tế và bảo hiểm y tế đều loay hoay như “gà mắc tóc” do cách tiếp cận không phù hợp cả về mặt thực tế và yêu cầu khoa học với bài toán này.

Theo BS.TS Trần Tuấn, hiện các chuyên gia khi tính giá dịch vụ, đã mặc nhiên “phạm phải sai số” do xây dựng giá trên cơ sở vận hành loại hình công - tư lẫn lộn ở tuyến Trung ương nên khi vận dụng cho toàn hệ thống từ Trung ương tới tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu của hệ thống y tế công và cả áp dụng cho y tế tư nhân (khi huy động tham gia phòng chống dịch) đã lộ rõ giá dịch vụ là phi thực tế. Đây cũng là cội nguồn của nhiều vấn đề đã và đang xảy ra trên toàn hệ thống, chắc chắn ảnh hưởng lớn tới chất lượng chăm sóc y tế và làm sụt giảm nghiêm trọng lòng tin của người dân với hệ thống y tế Nhà nước.

Mặt khác, sự tồn tại của y tế ngoài nhà nước nhân đạo, phi vụ lợi - thông qua chất lượng dịch vụ cung cấp cùng mặt bằng và giá dịch vụ thấp hơn, tạo sự cạnh tranh lành mạnh với các chủ thể y tế công (nhân đạo, phi vụ lợi) và y tế tư nhân vì lợi nhuận - sẽ góp phần giảm thiểu trên toàn hệ thống nguy cơ lạm dụng dịch vụ y tế và nguy cơ gia tăng chi phí tiền túi của người bệnh trong sử dụng dịch vụ y tế.

Từ những cơ sở trên, dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cần bổ sung thêm điều mục phân định rõ 3 chủ thể: y tế công/y tế Nhà nước; y tế tư nhân; y tế ngoài nhà nước nhân đạo, phi vụ lợi; đồng thời, có các quy định nhằm bảo đảm sự cạnh tranh công bằng trong cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh của 3 chủ thể này, làm cơ sở cho sự cải thiện chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh trong toàn hệ thống. Chính điều này lại liên quan đến cách tính đúng, tính đủ dịch vụ khám chữa bệnh theo sát thực tế thị trường của cả ba chủ thể này.

Từ tất cả những phân tích đã nêu trên, các chuyên gia y tế cho rằng để giải quyết các vấn đề này, rất cần những quy định pháp lý về tài chính y tế rõ ràng, minh bạch hơn. Tốt nhất nên đưa những quy định về tài chính thành một chương riêng để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho sự vận hành minh bạch của hệ thống y tế, hướng phát triển ngành theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TƯ của Đảng “về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”.