Lưu lượng data liên tục tăng cấp số nhân, nhà mạng vẫn "sống nhờ a-lô"
"Cái chết ở chỗ là doanh thu về data lại không tăng như mong muốn, chỉ hơn 10%"
Từng kỳ vọng doanh thu data sẽ chiếm tới 40-50% trong tổng cơ cấu doanh thu dịch vụ viễn thông di động từ nhiều năm trước, nhưng đến nay, nguồn thu chính của nhà mạng vẫn từ các dịch vụ truyền thống là gọi và nhắn tin, còn doanh thu từ data vẫn khá thấp và chưa như kỳ vọng.
A-lô vẫn là "nồi cơm" chính
Số liệu cập nhật mới nhất của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), tính đến tháng 5/2019, cả nước có 133,8 triệu thuê bao điện thoại di động, trong đó số thuê bao đang hoạt động chỉ sử dụng gọi và tin nhắn (dịch vụ truyền thống) là 75,2 triệu, còn thuê bao đang hoạt động sử dụng dữ liệu (gồm 3G và 4G-PV) là 58,6 triệu.
Cùng kỳ năm 2018, số thuê bao gọi, tin nhắn và data là 72,2 triệu và 46,8 triệu, của 2017 là 84 triệu và 36,3 triệu; 2016 là 100,7 triệu và 31 triệu và cùng kỳ năm 2015 là 87,5 triệu thuê bao (gọi và nhắn tin) và 33,6 triệu thuê bao data.
Số liệu qua dòng thời gian trên cho thấy số thuê bao của các dịch vụ truyền thống và data không tăng giảm theo một chiều tịnh tiến, tuy nhiên, về cơ bản khoảng ba năm gần đây, số thuê bao sử dụng dữ liệu tăng trưởng khá mạnh với mỗi năm thêm khoảng 10 triệu thuê bao mới. Đến thời điểm gần nhất, tháng 5/2019, thuê bao sử dụng dịch vụ truyền thống chỉ còn nhiều hơn thuê bao data hơn 16 triệu thuê bao.
Thuê bao chỉ gọi và nhắn tin đã giảm rất nhiều nhưng doanh thu của dịch vụ truyền thống này vẫn đang là "nồi cơm" chính của nhà mạng. Theo các nhà mạng di động lớn, doanh thu data hiện nay chỉ chiếm khoảng 25-30% trong cơ cấu doanh thu. Điều đó cũng có nghĩa doanh thu từ "a-lô" và tin nhắn chiếm tới khoảng 70% doanh thu dịch vụ viễn thông di động của nhà mạng.
Lãnh đạo một nhà mạng cho biết doanh nghiệp của ông muốn nâng doanh thu data lên trên 40% trong cơ cấu doanh thu từ nhiều năm trước, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thể làm được và thậm chí để đạt được mốc này trong một vài năm tới cũng là điều tương đối khó khăn. Tất nhiên khả năng thực hiện là cao hơn so với thời 3G trước đây bởi xu hướng bùng nổ của 4G cũng như việc phát triển 5G trong những năm tới.
Vì sao doanh thu data khó tăng mạnh?
Thực tế, cùng việc tăng trưởng mạnh mẽ của thuê bao data, lưu lượng data (nhu cầu sử dụng data của người dùng) cũng tăng lên chóng mặt. Theo đánh giá của các nhà mạng đây là sự tăng trưởng vũ bão khi lưu lượng data năm sau, quý sau luôn tăng gấp đôi so với năm trước, quý trước. Vì thế mà nhà đã phải liên tục mở rộng hạ tầng mạng lưới (số lượng trạm BTS) 3G và đặc biệt là 4G để đáp ứng nhu cầu sử dụng data.
Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho biết, do tốc độ dịch chuyển thuê bao 2G và 3G sang 4G quá nhanh nên chỉ đến tháng 10/2018, VNPT đã đầu tư xây dựng nâng tổng số trạm BTS 4G lên 21.000 trạm, thay vì đến cuối năm 2020 mới hoàn thành số trạm này mà VNPT đã tính toán, căn cứ trên nhu cầu của thị trường.
Ông Nguyễn Đăng Nguyên, Phụ trách chức vụ Tổng giám đốc Tổng công ty Viễn thông MobiFone cũng cho biết tốc độ phát triển thuê bao 4G của MobiFone khá nhanh, gấp nhiều lần so với cùng thời trước đây khi triển khai 3G và hiện thuê bao 4G của nhà mạng đã chiếm trên 30% trong tổng thuê bao đang sử dụng dữ liệu.
Còn mạng Viettel, trong quý 1/2019 đã đánh dấu bởi sự bùng nổ về tiêu dùng data, đặc biệt là sự chuyển dịch lên mạng 4G tốc độ cao. Viettel cho biết, trung bình mỗi tháng nhà mạng này có thêm xấp xỉ 1 triệu thuê bao 4G - tốc độ phát triển nhanh nhất từ trước đến nay. Viettel hiện đang có gần 17 triệu thuê bao sử dụng mạng 4G.
Mặc dù lưu lượng data liên tục tăng theo cấp số nhân nhưng lãnh đạo các nhà mạng cho biết doanh thu từ dịch vụ này chỉ tăng 10-15% và "như thế đã là tốt lắm rồi". Theo giải thích của các nhà mạng, trước đây 3G, giá 1GB trung bình khoảng 40 nghìn đồng, nhưng hiện nay giá 1GB data (gồm cả 3G và 4G) chỉ còn khoảng 9.000 - 10.000 đồng, giảm tới 4 lần và rẻ hơn rất nhiều so với mức giá data của các nước trong khu vực.
"Khi các mạng lao vào cuộc chiến nhân (x)2 - tức là giảm xuống còn 20 nghìn đồng/GB, sau đó là x5, x6, do vậy giá data đã giảm khủng khiếp", lãnh đạo một nhà mạng nói, và than phiền rằng: "Cái chết ở chỗ là doanh thu về data lại không tăng như mong muốn, chỉ hơn 10% dù lưu lượng data luôn tăng gấp đôi bởi giá cước giảm x5, x6 lần".
Lãnh đạo một số nhà mạng lớn cho rằng nếu nhà nước không có giá sàn về data và chế tài nghiêm khắc thì nhiều mạng lại giảm giá data để cạnh tranh bằng mọi hình thức, như thế nhà mạng không có tích lũy để tái đầu tư nâng cấp hạ tầng mạng lưới, đổi mới công nghệ, đặc biệt là công nghệ 5G trong những năm tới.