Mâu thuẫn Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ khiến đồng Lira “tuột dốc không phanh”
“Giới đầu tư đang rất lo rằng một cuộc khủng hoảng tiền tệ toàn diện có thể sắp xảy ra với Thổ Nhĩ Kỳ”
Đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ có lúc giảm giá tới 13% so với đồng USD trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, đẩy cao những lo ngại về sự ổn định kinh tế của nước này.
Theo tin từ trang CNN Money, đợt giảm giá chóng mặt gần đây của đồng Lira phản ánh một loạt mối lo, trong đó có căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ và việc Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ chần chừ trong việc nâng lãi suất.
Nhiều sức ép lên đồng Lira
Thổ Nhĩ Kỳ đã cảnh báo trả đũa sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump áp lệnh trừng phạt lên các quan chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ vì vai trò của các quan chức này trong vụ bắt giữ một mục sư người Mỹ. Hôm thứ Tư tuần này, Thổ Nhĩ Kỳ đã cử một phái đoàn chính phủ đến Washington trong nỗ lực giảm căng thẳng, nhưng chưa rõ liệu hai bên có đạt được bước tiến nào hay không.
Trong khi đó, tâm trạng giới đầu chuyển xấu thêm vào ngày thứ Sáu, khi tờ báo Financial Times đưa tin rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang lo ngại về việc các ngân hàng thuộc khối khối Eurozone nắm giữ tài sản Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh đồng Lira "tụt dốc không phanh". Hiện ECB chưa đưa ra bình luận nào về thông tin này.
"Đồng Lira đang chịu áp lực kép", chiến lược gia tiền tệ cấp cao Rodrigo Catril thuộc National Australia Bank ở Sydney nhận xét khi nói về căng thẳng quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ và thông tin mà tờ Financial Times đưa ra.
Ông Catril nói rằng giới đầu tư còn đang lo lắng ngày càng nhiều hơn về lạm phát gia tăng ở Thổ Nhĩ Kỳ và khả năng của Ngân hàng Trung ương nước này trong việc giải quyết áp lực lạm phát. Thời gian qua, giới đầu tư đã đặt ra nhiều câu hỏi về mức độ độc lập của Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt sau khi Tổng thống Tayyip Erdogan bước vào nhiệm kỳ mới với quyền lực được mở rộng mạnh mẽ.
Sau khi chạm mức thấp nhất mọi thời đại trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, đồng Lira so với USD hồi phục một phần và giao dịch với mức giảm khoảng 6% so với đóng cửa phiên ngày thứ Năm. Từ đầu năm đến nay, đồng Lira đã mất giá khoảng 40% so với đồng USD.
"Giới đầu tư đang rất lo rằng một cuộc khủng hoảng tiền tệ toàn diện có thể sắp xảy ra với Thổ Nhĩ Kỳ", ông David Cheetham, phụ trách phân tích thị trường thuộc công ty giao dịch XTB, nói trong một báo cáo.
Nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ từ đầu năm đến nay tăng trưởng nhanh hơn năm 2017, nhưng tăng trưởng kinh tế nước này những năm gần đây chủ yếu dựa trên các dự án xây dựng bàng vốn nước ngoài.
Các tài sản rủi ro "vạ lây"
Khả năng huy động vốn để trả nợ đúng hạn của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang bị giới đầu tư nghi ngờ.
Trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, lợi suất một lô 3,5 tỷ USD trái phiếu chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ phát hành năm 2017 bằng ngoại tệ đã tăng lên mức gần 8%. Lợi suất trái phiếu chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ phát hành bằng nội tệ kỳ hạn 10 năm tăng 0,6 điểm phần trăm, lên 18,8%. Thị trường chứng khoán Istanbul sụt 3,4%, xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009.
Việc ông Erdogan tái đắc cử Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc bầu cử hồi tháng 6 được xem là một nguồn bất ổn khác. Với hiến pháp mới của Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan trao cho mình quyền lực lớn hơn trong hoạch định chính sách kinh tế, đồng thời chống lại sức ép nâng lãi suất.
"Khả năng ông Erdogan thay đổi lập trường chính sách tiền tệ là rất thấp", chuyên gia Cheetham nói.
Theo hãng tin Reuters, nỗi lo về sự giảm giá mạnh của đồng Lira và đồng Rúp Nga đã kéo đồng Euro giảm giá theo trong phiên ngày thứ Sáu, ảnh hưởng bất lợi đến giá các tài sản có độ rủi ro cao hơn trên toàn cầu, kéo nhiều thị trường chứng khoán giảm điểm và đẩy những "vịnh tránh bão" như đồng USD và trái phiếu kho bạc Mỹ tăng giá. Điểm chung giữa sự giảm giá của đồng Lira và đồng Rúp là đều dưới sức ép từ Mỹ.
Chiều ngày thứ Sáu theo giờ Việt Nam, đồng Euro giảm giá xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2017, trong khi đồng USD đạt mức cao nhất 13 tháng so với các đồng tiền chủ chốt khác.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD vượt ngưỡng 96 điểm, cao nhất kể từ ngày 14/7/2017. Đồng Euro ở thời điểm chạm đáy nói trên giảm giá 0,7% so với USD, còn 1,1436 USD đổi 1 Euro.
Đồng Lira ở thời điểm thấp kỷ lục phải 6,4915 Lira mới đổi được 1 USD. Đồng Rúp Nga tiếp tục giảm giá về mức 66,86 Rúp/USD, sau khi giảm dưới ngưỡng tâm lý then chốt 65 Rúp/USD vào hôm qua.
Chỉ số MSCI của thị trường chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản giảm 1,1% phiên ngày thứ Sáu, khiến mức tăng của cả tuần chỉ còn 0,6%.