09:36 16/10/2007

“Microsoft hỗ trợ thị trường phần mềm Việt Nam bằng 3 cách”

Minh Tú

Trò chuyện với ông Jean Phillippe Courtois, Chủ tịch Microsoft quốc tế kiêm Phó chủ tịch cấp cao Tập đoàn Microsoft

"Chúng tôi rất hoan nghênh các công ty hàng đầu tại Việt Nam đã hợp pháp hóa các phần mềm đang sử dụng".
"Chúng tôi rất hoan nghênh các công ty hàng đầu tại Việt Nam đã hợp pháp hóa các phần mềm đang sử dụng".
Trò chuyện với ông Jean Phillippe Courtois, Chủ tịch Microsoft quốc tế kiêm Phó chủ tịch cấp cao Tập đoàn Microsoft.

Microsoft vừa ký kết hợp đồng đối tác chiến lược với rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam, cụ thể là HPT, Saigon Tourist, ACB. Ông đánh giá sự kiện này như thế nào?

Chúng tôi rất hoan nghênh các công ty hàng đầu tại Việt Nam đã hợp pháp hóa các phần mềm đang sử dụng. Chúng tôi đã ký 5 thỏa thuận doanh nghiệp, mới đây chúng tôi vừa ký thêm với 3 doanh nghiệp nữa là HPT, SaigonTourist và ACB.

Chúng tôi hy vọng trong tương lai sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp thực hiện việc ký kết này và sử dụng các giá trị mà việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đem lại để giúp các doanh nghiệp này phát triển nhanh hơn không chỉ tại Việt Nam mà còn ở thị trường quốc tế.

Mục đích của việc ký kết này là gì, thưa ông?

Với mỗi đối tác chúng tôi có thỏa thuận riêng. Chẳng hạn, thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa Microsoft với HPT là sẽ thành lập một trung tâm cung cấp các giải pháp chuyên dụng và hỗ trợ cho khách hàng Việt Nam.

Theo đó, những giải pháp và dịch vụ phục vụ khách hàng sẽ do đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp của Microsoft tư vấn, bán và cung cấp tại trung tâm. Tất cả đều được hỗ trợ trực tiếp từ trụ sở của Microsoft tại Mỹ. Cũng theo nội dung hợp tác, HPT sẽ tập trung vào các giải pháp chính của Microsoft như tối ưu hóa hạ tầng trung tâm, tối ưu hóa hiệu quả doanh nghiệp (BPIO) và Microsoft Dynamics...

Với SaigonTourist, hợp đồng mua bản quyền phần mềm với chúng tôi, khách hàng SaigonTourist sẽ được quyền sử dụng Phần mềm ứng dụng văn phòng Microsoft Office 2007, hệ điều hành dành cho máy chủ quyền truy cập của người dùng (Windows Server & Cal) và hệ điều hành dành cho máy tính để bàn (Windows Vista). Tương tự, biên bản ghi nhớ với ACB là thỏa thuận sử dụng phần mềm ngân hàng một cách hợp pháp.

Đa số các doanh nghiệp Việt Nam là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Microsoft có giải pháp nào hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để họ có thể mua bản quyền phần mềm chính thức?

Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chúng tôi có những sản phẩm đặc biệt dành riêng cho các đối tượng này như Windows Starter, hoặc cho những người lần đầu tiên sử dụng vi tính hoặc khách hàng là các hộ gia đình. Ngoài ra chúng tôi cũng kết hợp với các đơn vị sản xuất máy vi tính để tích hợp các sản phẩm của chúng tôi như Windows, Office, Server... vào máy tính và như vậy giá cả trở nên phù hợp hơn.

Ông nhận định như thế nào về thị trường phần mềm tại Việt Nam hiện nay? Trong tương lai Microsoft sẽ hỗ trợ Việt Nam phát triển thị trường này như thế nào?

Đối với Microsoft, Việt Nam là một thị trường đầy hứa hẹn trong lĩnh vực phần mềm. Chúng tôi có thể đóng góp vào sự phát triển đó bằng 3 cách.

Thứ nhất là tham gia hỗ trợ sâu hơn, rộng hơn trong lĩnh vực giáo dục dựa trên thỏa thuận chúng tôi đã ký kết năm ngoái. Dựa trên thỏa thuận này, chúng tôi đã hỗ trợ đào tạo hơn 1 triệu học sinh sinh viên cho hàng ngàn trường khác nhau và số lượng này sẽ tăng nhiều hơn trong tương lai, đặc biệt trong lĩnh vực IT.

Thứ hai, hỗ trợ cho những người không có điều kiện tiếp xúc với công nghệ thông tin thông qua Topic 64. Chúng tôi đã hỗ trợ cho hàng trăm ngàn người có thể tiếp cận thông tin, kiến thức IT.

Và thứ ba là chúng tôi rất xem trọng việc đào tạo, huấn luyện giúp cho doanh nghiệp phát triển. Hiện tại có khoảng 500 công ty về công nghệ thông tin đang hoạt động tại Việt Nam và thỏa thuận mà chúng tôi ký với HPT cũng là 1 ví dụ về những hợp tác của chúng tôi.

Một số ví dụ khác là với FPT, chúng tôi có thỏa thuận khách hàng toàn cầu (global customer), Petronas sử dụng các phần mềm của Microsoft như Microsoft Exchange...