Môi trường kinh doanh: Khoảng cách giữa báo cáo và thực tiễn còn xa
Môi trường kinh doanh mặc dù đã có cải thiện nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc và khoảng cách giữa các báo cáo kết quả cải cách trên giấy tờ với thực tiễn vẫn còn xa
Môi trường kinh doanh mặc dù đã có cải thiện nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc và khoảng cách giữa các báo cáo kết quả cải cách trên giấy tờ với thực tiễn vẫn còn xa, dư địa cải cách vẫn còn lớn, theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc.
Sáng 4/12 Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) 2018 đã diễn ra tại Hà Nội với chủ đề "Chia sẻ cơ hội trong xu thế chuyển dịch thương mại toàn cầu".
Chìa khoá thành công là cải cách thể chế
Theo Đồng chủ tịch VBF, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc thì kinh tế cuối năm 2018 có nhiều tin vui.
Đó là, ngày 18/10, Ủy ban Châu Âu quyết định đệ trình EVFTA lên Hội đồng Châu Âu, ngày 12/11, Quốc hội Việt nam thông qua Nghị quyết phê chuẩn CPTPP. Hai hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đánh dấu một bước tiến quan trọng của Việt Nam trong tiến trình hội nhập đỉnh cao, vươn tới những chuẩn mực hàng đầu trên thế giới.
Tin vui tiếp theo là ngày 18/11, PWC công bố báo cáo khảo sát ý kiến của gần 1200 CEO hàng đầu của 21 nền kinh tế APEC. Kết quả 2018 là năm thứ 2 liên tiếp, Việt Nam đã vượt Trung Quốc trở thành nền kinh tế có tiềm năng thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất. Cũng theo kết quả cuộc khảo sát này, 34 – 40% doanh nghiệp ở Việt Nam kỳ vọng các hiệp định thương mại tự do mới sẽ giúp họ tăng doanh thu trong thời gian tới.
Theo ông Lộc, thương mại toàn cầu và các chuỗi giá trị đang dịch chuyển và Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế được dự báo sẽ hưởng lợi nhiều từ quá trình này.
"Nhưng tất cả mới chỉ là cơ hội. Chìa khóa thành công cho quá trình chuyển các cơ hội thành hiện thực chính là công cuộc cải cách thể chế trong nước. Hội nhập và Cải cách thể chế luôn là cặp đôi song sinh của sự phát triển ở Việt Nam", Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Phản ánh kết quả cải cách dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Lộc cho biết, tính đến tháng 9/2018, vẫn có tới 58% doanh nghiệp (theo khảo sát của VCCI) phải "xin" các loại giấy phép kinh doanh có điều kiện. 42% doanh nghiệp trong số đó cho biết họ gặp khó khăn khi xin giấy phép và chỉ có 13% thủ tục đăng ký kinh doanh được tiến hành trực tuyến, 68 thủ tục kiểm tra chuyên ngành có thể thực hiện được trên cổng thông tin một cửa quốc gia…
Việc nộp thuế của doanh nghiệp đã thuận lợi hơn, chủ yếu do ứng dụng công nghệ thông tin, nhưng tình trạng quy định pháp luật về thuế thiếu rõ ràng, gây ra cách hiểu không thống nhất giữa doanh nghiệp và cơ quan thuế và thậm chí giữa các cơ quan thuế vẫn còn không ít và chậm được khắc phục;
Công tác thanh, kiểm tra có chuyển biến tích cực, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp bị thanh, kiểm tra từ 2 lần trở lên trong năm vẫn còn tới 40%, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết có sự trùng lặp về nội dung giữa các cuộc thanh kiểm tra còn 14%.
Còn nhiều vướng mắc
Những con số nói trên, theo ông Lộc đã cho thấy môi trường kinh doanh mặc dù có cải thiện nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc và khoảng cách giữa các báo cáo kết quả cải cách trên giấy tờ với thực tiễn vẫn còn xa, dư địa cải cách vẫn còn lớn.
Để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, VCCI kiến nghị cần sớm có tiêu chí thống nhất về tiêu chuẩn của điều kiện kinh doanh để bảo đảm thực thi có hiệu quả và nhất quán.
Kiến nghị tiếp theo là mô hình một cửa liên thông ở cấp bộ nên được nhân rộng và cần nghiên cứu các phương án liên thông tối đa các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của nhiều cơ quan khác nhau.
Theo đó, nên quy định doanh nghiệp chỉ cần nộp hồ sơ tại một cơ quan nhà nước và những thông tin về doanh nghiệp sẽ trao đổi giữa các các cơ quan khác khi có yêu cầu mà không cần doanh nghiệp phải trình bẩm mỗi nơi một bộ hồ sơ. Đồng thời cũng cho phép doanh nghiệp làm nhiều thủ tục cùng một lúc, hạn chế tối đa việc phải hoàn thành xong thủ tục này mới được bắt đầu làm thủ tục khác. Cần tăng cường cơ chế giám sát, theo dõi, đánh giá cán bộ tiếp nhận và xử lý thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp để tạo áp lực nâng cao trách nhiệm và tính chuyên nghiệp của họ.
Cần có tổ chức độc lập khách quan giám sát quá trình giải quyết và công khai kết quả giải quyết vướng mắc từ người dân và doanh nghiệp, ông Lộc nêu kiến nghị tiếp theo.
Chủ tịch VCCI cũng cho rằng việc áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong thanh, kiểm tra phải coi là yêu cầu bắt buộc chứ không phải tùy cơ. Bên cạnh đó những thông tin về phản hồi, đánh giá, phản ánh vướng mắc kiến nghị, khiếu nại của doanh nghiệp cũng cần được chú ý đăng tải. Danh sách các đối tượng bị thanh, kiểm tra theo kế hoạch cũng cần được công bố công khai.