Một tuần đạt 2 thỏa thuận thương mại, ông Trump rảnh tay để “đấu” Trung Quốc
Không còn vướng bận vấn đề với các đối tác khác, Mỹ giờ đây có thể tập trung vào cuộc chiến thương mại với Trung Quốc
Với hai thỏa thuận thương mại đạt được trong vòng chỉ 1 tuần, một với Canada và Mexico và một với Hàn Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump giờ đây có thể củng cố lập trường cứng rắn trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc - giới chuyên gia nhận định khi trao đổi với hãng tin CNBC.
Một số người cho rằng tác động gây suy giảm các hoạt động kinh tế của thuế quan đối với Trung Quốc có thể khiến Bắc Kinh sớm chấp nhận một thỏa thuận thương mại với Washington. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích giữ quan điểm Trung Quốc sẽ không nhượng bộ và sẽ đáp trả những hành động leo thang căng thẳng xa hơn của Mỹ bằng cách gia tăng trở ngại pháp lý đối với các doanh nghiệp Mỹ làm ăn ở Trung Quốc đại lục.
Vị thế mới...
Hôm Chủ nhật, Mỹ và Canada đạt nhất trí vào phút chót nhằm thay thế Hiệp định Tự do mậu dịch Bắc Mỹ (NAFTA) bằng một thỏa thuận mới mang tên Thỏa thuận Mỹ-Mexico-Canada (USMCA), theo đó bảo toàn khu vực tự do thương mại có quy mô 1,2 nghìn tỷ USD đang bên bờ vực đổ vỡ sau gần 1/4 thế kỷ tồn tại.
Cách đó một tuần, ông Trump và người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in ký thỏa thuận thương mại song phương mới, thay thế cho thỏa thuận cũ có từ năm 2012. Ngoài ra, cuộc đàm phán thương mại song phương giữa Washington và Tokyo cũng bắt đầu. Bên cạnh đó, cuộc đàm phán thương mại giữa châu Âu với Mỹ được cho là đang diễn ra tốt đẹp.
Với những bước tiến trên, đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer giờ đây có thể "dành toàn bộ chú ý vào Trung Quốc" - theo bà Deborah Elms, Giám đốc điều hành Asian Trade Center. "Ông ấy muốn tập trung xử lý vấn đề với Trung Quốc. Tuy nhiên, vấn đề với các đối tác thương mại khác lại cản trở điều này. Giờ đây, ông ấy ở một vị thế tốt hơn nhiều để tập trung vào Trung Quốc. Xét tới tầm quan trọng của ông Lighthizer trong chính sách thương mại của Mỹ, thì đây thực sự là một điều đáng lo ngại đối với Trung Quốc".
Chiến lược gia Patrick Perrett-Green của Admicro cũng có cùng quan điểm như trên, cho rằng Washington giờ đây "đã có thể tập trung toàn bộ cơn giận của mình vào Trung Quốc". "Cuộc chiến sẽ tiếp tục căng thẳng", ông Perrett-Green nói thêm.
Theo bà Elms, chủ trương cứng rắn của chính quyền ông Trump trong đàm phán thương mại có thể mang lại hiệu quả với các đối tác khác, nhưng không chắc sẽ có tác dụng đối với Trung Quốc, và thậm chí còn có thể khiến tình hình tồi tệ thêm.
"Việc Mỹ đe dọa đồng minh và láng giềng đã mang lại kết quả. Hàn Quốc Canada, Mexico, Nhật Bản và EU đều đã ít nhiều nhượng bộ", bà Elms nói. "Nhưng tôi cho rằng Trung Quốc hoàn toàn khác, một phần bởi những gì ông Trump và ê-kíp của ông ấy muốn từ phía Trung Quốc không được rõ ràng cho lắm. Một phần cũng bởi Trung Quốc có vẻ không lo nhiều về những gì ông Trump có thể làm".
Không giống như những gì Mỹ muốn trong thỏa thuận NAFTA mới, những đòi hỏi mà Washington đưa ra cho Trung Quốc "có vẻ như vẫn còn mập mờ, lẫn lộn giữa quyền tiếp cận thị trường, chấm dứt ép buộc chuyển giao công nghệ, giảm xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ và giảm tình trạng dư thừa công suất" - theo bà Rachel Ziemba, nhà phân tích về thị trường mới nổi thuộc Center for New American Security. "Sẽ khó đàm phán hơn nếu khó hình dung một thỏa thuận tốt là như thế nào".
Ông Richard Jerram, chuyên gia kinh tế trưởng thuộc Bank of Singapore, cũng cho rằng "vấn đề Trung Quốc về cơ bản là khác" với "sự mặc cả kinh tế" là động lực dẫn tới việc cải tổ NAFTA.
"NAFTA chỉ cần một sự điều chỉnh nhẹ. Còn vấn đề với Trung Quốc có vẻ phản ánh nhiều hơn về căng thẳng giữa các siêu cường. Không chỉ là chuyện thuế quan, mà còn là việc Mỹ muốn hạn chế sự tiếp cận của Trung Quốc với công nghệ phương Tây", ông Jerram nói.
Một tín hiệu tốt?
Tuy nhiên, ông Tony Nash, Giám đốc điều hành (CEO) của Complete Intelligence, không đồng tình với quan điểm của các vị chuyên gia nói trên. Ông Nash cho rằng thành công của ông Lighthizer trong việc đạt thỏa thuận thương mại với Hàn Quốc và với Canada và Mexico "là tín hiệu tốt cho cuộc đàm phán Mỹ-Trung".
"Trung Quốc đang gặp phải một số khó khăn kinh tế trong nước. Bởi vậy, tôi tiếp tục tin rằng Trung Quốc sẽ ngồi vào bàn đàm phán và có một số nhượng bộ, cho dù họ có thể chưa làm việc đó ngay trong tháng này", ông Nash nói thêm.
Việc hoàn tất thỏa thuận thương mại ba bên mới Mỹ-Canada và Mexico có thể giúp cải thiện liên minh giữa ba nước láng giềng này, sau khi mối quan hệ giữa Mỹ và hai nước kia suy giảm vì ông Trump áp thuế lên thép và nhôm nhập khẩu vì lý do an ninh. Việc củng cố lại các liên minh thương mại do Mỹ dẫn đầu có thể giúp sức cho Washington trong việc kiềm chế Trung Quốc.
"Một khi được thông qua, USMCA sẽ cho phép Mỹ tập trung vào cuộc chiến với Trung Quốc và xây dựng một liên minh giữa các nền kinh tế phát triển để làm điều đó. Nếu cuộc đàm phán với Mexico vẫn chưa đạt kết quả, thì Mỹ không thể tập trung vào những mục tiêu như vậy", bà Ziemba nhận định.
Trong thời gian tới, phương pháp của Mỹ sẽ là "đe dọa, cứng rắn và thảo luận, và rốt cục có thể sẽ là thỏa thuận nếu như việc không đạt thỏa thuận gây thiệt hại lớn", bà Ziemba dự báo.
Vị chuyên gia nói cuối cùng, Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ đạt một thỏa thuận, nhưng đó chưa chắc đã là một thỏa thuận dễ dàng hay tồn tại lâu, xét tới những mâu thuẫn lớn giữa hai bên. "Vì lý do này, hai bên sẽ khó có những nhượng bộ lớn, may chăng chỉ là những nhượng bộ nho nhỏ mà thôi", bà Ziemba nói.