Mưa lớn gây thiệt hại nghiêm trọng tại các tỉnh Lai Châu, Yên Bái và Sơn La
Theo Báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống thiên tai, mưa lớn trong các ngày từ 4-6/8/2023, đã gây lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh Lai Châu, Yên Bái, Sơn La. Thiệt hại được nhận định là rất nặng nề...
Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống thiên tai, cho biết trong các ngày từ 2-6/8/2023, Khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên có mưa, tổng lượng mưa phổ biến từ 100-150mm. Một số trạm có tổng lượng mưa lớn hơn như: Lay Nưa (Điện Biên) 223mm, Mường Trai (Sơn La) 222mm, Nam Hoà (Thái Nguyên) 193mm, Bắc Ninh (Bắc Ninh) 259mm, Lạng Giang (Bắc Giang) 203mm, Quảng Thành (Đắk Nông) 216mm, Bảo Lộc (Lâm Đồng) 201mm, Bom Bo (Bình Phước) 189mm...
LAI CHÂU, YÊN BÁI, SƠN LA THIỆT HẠI NẶNG NỀ
Từ ngày 4-6/8/2023, trên địa bàn tỉnh Lai Châu có mưa mưa to, một số điểm mưa lớn hơn như: Mường Mô 111mm, Nậm Hàng 107mm, Nậm Manh 104mm... Mưa lớn gây ra sạt lở đất làm thiệt hại người, công trình cơ sở hạ tầng và tài sản của nhân dân.
Cụ thể, tại Lai Châu đã có 4 người thiệt mạng, 3 người bị thương do thiên tai gây ra. Về tài sản, tại huyện Nậm Nhùn có 39 hộ dân bị sập nhà, hoặc nứt, lún nhà cửa; huyện Phong Thổ có 10 hộ dân bị ảnh hưởng do đất đá sạt lở taluy dương vào nhà. Cùng với đó, có nhiều ha lúa, vườn cây bị đất sạt lở vùi lấp, nhiều diện tích ao cá bị ngập, cuối trôi.
"Ngay sau khi thiên tai xảy ra, Lãnh đạo các địa phương đã đi kiểm tra, chỉ đạo xử lý tại hiện trường; huy động lực lượng tại chỗ khắc phục hậu quả. Đồng thời, tổ chức thăm hỏi các gia đình gặp nạn, di dời đến nơi an toàn, hỗ trợ lương thực, thực phẩm thuốc men cho bà con..."
Theo Ban chỉ đạo quốc gia Phòng chống thiên tai.
Thiệt hại về công trình giao thông trên địa bàn tỉnh Sơn La, Km198+289 trên Quốc lộ 4H bị sạt lở ta luy âm gây lún, nứt đường ảnh hưởng nghiêm trọng tới giao thông đi lại của người dân. Tại km14+800 đường tỉnh 129, bản Nà Kế, xã Hồng Thu, xảy ra nứt đường dài khoảng 40m, nguy cơ sạt lở 1 nhà. Một số tuyến đường liên huyện, liên xã bị sạt lở, ảnh hưởng tới giao thông.
Tại tỉnh Yên Bái, tính đến 10h00 ngày 6/8/2023, nhiều nơi mưa rất lớn như: Lao Chải 141,4mm; Mồ Dề 111,6mm; Kim Nọi 107,8mm... Yên Bái đã có 2 người chết tại bản Háng Bla Ha AB xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải (Cứ Thị Tú Uyên sinh năm 2021 và Cứ Thị Thơm sinh năm 2023 bị sạt lở đá lăn vào nhà).
Thiệt hại về nhà cửa trên địa bàn tỉnh Yên Bái: 15 nhà tại xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải bí lũ cuốn trôi; 16 nhà ở huyện Mù Cang Chải bị sạt lở đất, đá gây sập, hư hỏng nặng.
Ngay sau khi nhận được tin báo của địa phương bị thiệt hại, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Mù Cang Chải đã thành lập 3 tổ xuống xã Khao Mang và xã Hồ Bốn để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả và thăm hỏi động viên gia đình có người bị chết và các gia đình bị ảnh hưởng do sạt lở đất, đá vào nhà.
Yên Bái cũng bị thiệt hại lớn về giao thông: Sạt lở đường Quốc lộ 32 tại Km 316+230, Km 318+600 đất đá trên taluy dương sạt tràn kín mặt đường, gây ách tắc giao thông. Công ty Cổ phần xây dựng đường bộ I, đã điều xe, máy móc khắc phục vị trí sạt lở tại Km 316+230, Km 318+600/QL32. Hiện tại đã thông đường.
Đối với tỉnh Sơn La, địa phương này có nhiều nơi đạt lượng mưa rất lớn: xã Nậm Giôn 159.2 mm, xã Chiềng 139.2mm (huyện Mường La).... Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc tỉnh Sơn La đã gần bão hòa (trên 90%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.
Tại tỉnh Sơn La đã có 1 người thiệt mạng trong đợt mưa lũ này. Về nhà ở, tài sản của Sơn La: 8 nhà bị sập đổ hoàn toàn (đều ở huyện Mường La); cùng với đó hiện có 28 nhà ở huyện Mường La bị sạt lở đất, đá lăn vào nhà phải di rời khẩn cấp.
Đoạn tuyến quốc lộ QL.279D từ Mường La đến Lai Châu hiện tắc hoàn toàn nhiều điểm sạt lở làm ách tắc giao thông (Km74+790; Km32+400; Km34+300; Km33+760;..); Km32+300-Km32+600 L=300m sạt lở, trôi toàn bộ nền mặt đường.
Sáng 6/8/2023 Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La đã thành lập đoàn công tác vào huyện Mường La để chỉ đạo các xã khẩn trương kiểm tra, xác minh tình hình thiệt hại và huy động nhân lực, vật lực tại chỗ để giúp các gia đình bị thiệt hại khắc phục hậu quả thiên tai.
Ngoài ra, các tỉnh Hoà Bình, Điện Biên, Lào Cai cũng bị thiệt hại do mưa lớn, với nhiều điểm sạt lở giao thông, nhiều nhà cửa và hàng chục ha lúa, cây trồng bị thiệt hại do sạt lở đất…
THỰC HIỆN NGHIÊM PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI TRONG NHỮNG NGÀY TỚI
Thông tin từ Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia dự báo, từ ngày 6-8/8/2023, ở khu vực Bắc Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông với lượng mưa phổ biến 60-120mm, có nơi trên 180mm. Khu vực Thanh Hóa và Nghệ An có mưa, mưa vừa và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 20-40mm/24h, có nơi trên 70mm/24h.
Ngày và đêm 8/8, ở khu vực vùng núi, trung du Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 20-50mm, có nơi trên 100mm. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.
Thực hiện công tác phòng chống thiên tai trong những ngày tới, Ban chỉ đạo quốc gia Phòng chống thiên tai yêu cầu các tỉnh khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ phải thực hiện nghiêm túc Công điện số 725/CĐ-TTg ngày 4/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tập trung ứng phó mưa lũ, sụt lún, sạt lở đất, bảo đảm an toàn hồ đập.
Các tỉnh khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ chủ động ứng phó với mưa lớn, nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất theo Công điện số 08/CĐ-QG ngày 05/8/2023; văn bản số 288/VPTT ngày 01/8/2023 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai.
Theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai, nắng nóng, mưa lũ, gió mạnh trên biển để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó. Tổ chức trực ban, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Các tỉnh khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện số 691/CĐ-TTg ngày 31/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ tập trung khắc phục thiệt hại do đợt mưa lũ, sạt lở đất.
Trong đó, tập trung xử lý kịp thời các tuyến đường giao thông, công trình hồ đập, thủy lợi bị hư hỏng do mưa lũ gây ra; vệ sinh môi trường đề phòng dịch bệnh; tiêu thoát nước khu vực trũng thấp, đô thị và khu công nghiệp, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống.