12:53 26/06/2023

Các tỉnh miền núi phía Bắc chủ động ứng phó với nguy cơ lũ quét và sạt lở đất 

Chương Phượng

Trong những ngày vừa qua, khu vực miền núi phía Bắc đã xảy ra mưa to đến rất to (phổ biến từ 150-250mm, có nơi trên 300 mm), gây sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt và thiệt hại về người, cơ sở hạ tầng, nhà ở, sản xuất của người dân…

Sạt lở đất làm sập nhà dân ở huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn.
Sạt lở đất làm sập nhà dân ở huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn.

Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống thiên tai, cho biết đợt mưa lớn tại miền Bắc xảy ra trên diện rộng và kéo dài từ ngày 24 đến nay, và dự báo sẽ tiếp tục mưa to đến hết ngày 27/6.

Chỉ tính riêng trong 24 giờ qua (từ sáng 25/6 đến sáng 26/6) ở khu vực các tỉnh vùng núi Bắc Bộ đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Cụ thể, Quảng Yên 162,6mm (Quảng Ninh), Cẩm Trung 150,6mm (Quảng Ninh), Trường Sơn (Bắc Giang) 108,6mm, Lộc Bình 95,8mm (Lạng Sơn), Văn Quang 96,2mm (Lạng Sơn), Cây Thị 86,3mm (Thái Nguyên)… Tổng hợp lượng mưa trong 3 ngày qua ở miền Bắc phổ biến lên đến 200-250 mm, có nơi trên 300 mm.

NGẬP LỤT VÀ SẠT LỞ ĐẤT  XẢY RA Ở NHIỀU NƠI

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống thiên tai, cho biết Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang đã gần bão hòa (trên 90%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.

Mưa lớn đã khiến nhiều địa phương bị ngập lụt, tình trạng sạt lở đất đã diễn ra ở nhiều nơi. Theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ huy về Phòng chống Thiên tai tỉnh Bắc Kạn, từ ngày 24/6 ngày 26/6, ở địa phương có mưa to đến rất to trên diện rộng, lượng mưa đo được phổ biến từ 100- 150mm. Trên các sông, suối xuất hiện biên độ lũ từ 1 đến 3m.

Vào tối 24/6, một vụ sạt lở đất xảy ra ở xã Bình Trung (huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn) làm một ngôi nhà cấp 4 bị đổ sập, khiến cháu Vi Thị M. T (6 tuổi), dân tộc Tày tử vong tại chỗ; 3 người còn lại trong gia đình chị Ma Thị H may mắn thoát nạn. Tuy nhiên, ngôi nhà cùng nhiều vật dụng khác của gia đình gần như hư hại hoàn toàn. Sau khi nhận được tin báo, chính quyền xã huy động lực lượng tại chỗ cùng khắc phục, ứng cứu các nạn nhân. UBND huyện Chợ Đồn đã hỗ trợ gia đình cháu T. số tiền 5 triệu đồng để lo thủ tục mai táng.

Tại huyện Pác Nặm, có một trường hợp bị sét đánh tử vong, mưa lốc làm đổ khoảng 5 ha ngô đồi ở xã Nhạn Môn; sạt lở đất đá tại đường liên thôn Khâu Đấng, xã Bộc Bố huyện Pác Nặm khoảng 10m3. Ngoài ra, mưa lớn cũng khiến 3 nhà dân tại huyện Na Rì bị hư hỏng; đường bê tông nông thôn tại thôn Thẳm Mu, xã Văn Lang và thôn Nà Pàn, xã Sơn Thành, huyện Na Rì bị sạt lở. Cùng với nhiều công trình thuỷ lợi bị hư hỏng nặng. Hiện, chính quyền các địa phương đã kiểm tra, chỉ đạo tổ chức khắc phục theo phương châm bốn tại chỗ; tiếp tục tổng hợp, thống kê thiệt hại theo quy định.

Theo Văn phòng Ban Chỉ huy về Phòng chống Thiên tai tỉnh Lạng Sơn, do mưa lớn kéo dài, nước mưa không thoát kịp khiến các điểm trên địa bàn thành phố Lạng Sơn như đường Bà Triệu, Ngô Quyền, Trần Quang Khải, Mỹ Sơn, Phú Lộc IV, khu vực thôn Bản Viển (xã Hoàng Đồng)… bị ngập úng cục bộ. Đây là những điểm thường xuyên bị ngập úng khi mưa lớn kéo dài, nhiều phương tiện di chuyển khó khăn. Mưa lớn, sét và gió giật mạnh, nước sông dâng cao có thể gây lũ quét, sạt lở đất ở khu vực vùng núi, ngập úng khu vực đô thị và vùng trũng, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt, phát triển sản xuất của nhân dân.

Trên địa bàn huyện Hữu Lũng, mưa lớn đã khiến tỉnh lộ 243 đi xã Hữu Liên bị ngập cục bộ. Huyện đã chỉ đạo dân quân, công an viên lập biển cảnh báo, trực 24/24 để nhắc nhở người dân, kịp thời ứng phó nếu sự cố xảy ra. Đồng thời huyện cũng thường xuyên cập nhật thông tin qua nhóm Zalo của Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão huyện, trong đó yêu cầu các xã chủ động kiểm tra, rà soát, nếu có vấn đề gì phải báo cáo, xử lý ngay. 

Tại Quảng Ninh, sáng 25/6, mặc dù thời tiết xấu, mưa khá lớn nhưng tại khu vực sông Cầm, thị xã Đông Triều, Quảng Ninh vẫn diễn ra Hội bơi vượt sông truyền thống Bạch Đằng tỉnh Quảng Ninh lần thứ 45. Khoảng 9h15, sự cố đã xảy ra khi em Trần Đỉnh Kh. (sinh năm 2005), trú tại khu Yên Hợp, phường Yên Thọ, thị xã Đông Triều) không may bị nước cuốn trôi và mất tích. Trần Đỉnh Kh. hiện đang học tại trường THPT Trần Nhân Tông. Lực lượng chức năng vẫn đang nỗ lực tìm kiếm người mất tích trong điều kiện thời tiết xấu, mưa nhiều và nước sông chảy siết.

QUYẾT LIỆT ĐỀ PHÒNG VÀ ỨNG PHÓ VỚI SẠT LỞ

Theo bản tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày 25 - 27/6/2023, khu vực miền núi phía Bắc sẽ tiếp tục có mưa to, có nơi mưa rất to, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp. 

Riêng ngày 26/6, khu vực từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 15-30mm, có nơi trên 60mm (thời gian xảy ra mưa dông tập trung vào chiều tối và tối). Đêm 27/6, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét, mưa đá cấp 1.

Dự báo ngày 26/6, phía Tây Bắc Bộ nhiều mây, có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to; riêng Sơn La và Hòa Bình có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 22-25 độ C; có nơi dưới 21 độ C. Nhiệt độ cao nhất 29-32 độ C, có nơi trên 32 độ C.

 

"Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Quảng Ninh đã gần bão hòa (trên 90%) hoặc đạt trạng thái bão hòa. Vì vậy nguy cơ sạt lở đất dễ dàng xảy ra ở nhiều địa phương".

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia

Phía Đông Bắc Bộ nhiều mây, có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Gió Đông Nam cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất 23-26 độ C, vùng núi có nơi dưới 22 độ C. Nhiệt độ cao nhất 28-31 độ C, có nơi trên 31 độ C.

Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống thiên tai có công điện ứng phó với lũ quét và sạt lở đất. Công văn nhấn mạnh từ ngày 25-27/6, khu vực miền núi phía Bắc tiếp tục có mưa to, có nơi mưa rất to, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.

Theo đó, để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn và nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh miền núi phía Bắc khẩn trương triển khai thực hiện một số nội dung sau:

Theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền, nhân dân để chủ động phòng tránh. Huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, ổn định đời sống.

Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.