13:49 23/08/2024

Mức hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp 10 năm chưa được điều chỉnh

Thu Hằng

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, sau 10 năm, mức hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng hiện không còn phù hợp với tình hình thực tế và biến động về giá cả. Vì thế, Bộ đang đề xuất sửa chế độ này để đảm bảo quyền lợi cho người lao động...

Đào tạo nghề cho lao động. Ảnh: Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.
Đào tạo nghề cho lao động. Ảnh: Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.

Thực tế này được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề cập khi xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng.

MỨC HỖ TRỢ ĐÀO TẠO KHÔNG CÒN PHÙ HỢP VỚI THỰC TIỄN

Tại tờ trình, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết việc sửa đổi trước yêu cầu mức hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng được xây dựng từ năm 2015, đến nay đã 10 năm và chưa được điều chỉnh.

Theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg, mức hỗ trợ chi phí đào tạo cho các đối tượng từ 2 - 6 triệu đồng/người/khóa đào tạo, tùy theo từng đối tượng. Ngoài ra, một số đối tượng được hỗ trợ tiền ăn (30.000 đồng/người, ngày thực học), tiền đi lại (200.000 đồng/người, khóa học).

Sau 10 năm, mức hỗ trợ này hiện không còn phù hợp với tình hình thực tế và biến động về giá cả. Nhiều địa phương, cơ sở (46/63 tỉnh, thành phố) và hơn 30 ý kiến, kiến nghị của đại biểu Quốc hội, cử tri quan tâm kiến nghị tăng mức hỗ trợ chi phí đào tạo, tăng hỗ trợ tiền ăn, đi lại cho người tham gia học nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng, đặc biệt là các nhóm đối tượng người khuyết tật, lao động nông thôn, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo...

Bên cạnh đó, có 25/63 tỉnh, thành phố đã xây dựng, ban hành định mức kinh tế kỹ thuật, và định mức chi phí đào tạo cho một số nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng.

So sánh định mức chi phí đào tạo cho từng nghề và mức hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo đưới 3 tháng, cho thấy phần lớn định mức chi phí đào tạo đều cao hơn so với mức hỗ trợ quy được quy định tại Quyết định số 46.

Như vậy, khi thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng theo Quyết định số 46, người học phải đóng bù phần chênh lệch này, đặc biệt trong trường hợp địa phương, cơ sở đào tạo không bố trí hoặc huy động thêm được các nguồn khác để đảm bảo chi phí đào tạo..

Theo thống kê về tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng, có trên 40% đối tượng được hỗ trợ là người thuộc diện được hưởng chính sách người có công với cách mạng, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người bị thu hồi đất.

Đây là nhóm đối tượng có nhiều khó khăn, cần được hỗ trợ đào tạo để nâng cao trình độ kỹ năng nghề, nhằm sớm tìm được việc làm ổn định, tăng thu nhập.

Ngoài ra, hiện nay, có nhiều đối tượng được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng được nêu trong nhiều văn bản bản quy phạm pháp luật khác nhau, các chính sách này được dẫn chiếu theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, tại Quyết định số 46 chỉ quy định chính sách cho các nhóm đối tượng là phụ nữ, lao động nông thôn, người khuyết tật. Do vậy, khi dẫn chiếu thực hiện, các địa phương, cơ sở gặp nhiều khó khăn.

TĂNG MỨC HỖ TRỢ TIỀN ĂN, ĐI LẠI CHO MỘT SỐ ĐỐI TƯỢNG

Tại dự thảo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất người tham gia học nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng được hỗ trợ chi phí đào tạo cho một khóa học.

Học nghề để tìm kiếm việc làm. Ảnh: N.Dương.
Học nghề để tìm kiếm việc làm. Ảnh: N.Dương.

Mức chi phí đào tạo cho từng nghề, và mức hỗ trợ cụ thể đối với từng đối tượng tham gia học nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định.

Theo dự thảo, người được hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, ngư dân đánh bắt xa bờ; người có đất thu hồi là đất nông nghiệp, đất ở kết hợp kinh doanh dịch vụ; người học là nữ và các đối tượng khác trong các chương trình, đề án được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệ, được hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại khi tham gia học nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng.

Mức hỗ trợ tiền ăn tối thiểu được đề xuất tăng từ 30.000 đồng lên 50.000 đồng/người/ngày thực học.

Mức hỗ trợ tiền đi lại tối thiểu tăng lên 300.000 đồng/người/khóa học, nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15 km trở lên (mức cũ là 200.000 đồng).

Riêng đối với người khuyết tật và người học cư trú ở xã, thôn, bản thuộc vùng khó khăn, hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, mức hỗ trợ tiền đi lại tối thiểu 500.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú lừ 5 km trở lên (mức cũ là 300.000 đồng).

Dự thảo nêu rõ, mức hỗ trợ tiền ăn, đi lại cụ thể do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định, trên cơ sở mức hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, điều kiện từ ngân sách địa phương, và khả năng huy động thêm các nguồn kinh phí khác, để hỗ trợ thêm tiền ăn, tiền đi lại cho người học trong thời gian đào tạo.