15:34 26/04/2014

Mỹ, châu Âu chưa thống nhất về trừng phạt bổ sung Nga

Diệp Vũ

Giới chức Mỹ và châu Âu cho hay, có khả năng, các lệnh trừng phạt mới sẽ được công bố vào ngày thứ Hai tuần tới

Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) đi thăm một căn cứ quân sự ở Hàn Quốc ngày 25/4 - Ảnh: Getty.<br>
Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) đi thăm một căn cứ quân sự ở Hàn Quốc ngày 25/4 - Ảnh: Getty.<br>
Mỹ và châu Âu đến hôm qua (25/4) vẫn chưa vượt qua được những khác biệt trong quan điểm về việc nên trừng phạt bổ sung Nga như thế nào. Kiev cho rằng, sự trì hoãn này của phương Tây khiến Nga càng “lấn tới” thúc đẩy phong trào đòi ly khai ở miền Đông của Ukraine.

Tờ Wall Street Journal cho biết, trong ngày hôm qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo Anh, Pháp, Đức và Italy để nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác trong vấn đề trừng phạt thêm đối với Nga. Các nhà lãnh đạo đã nhất trí về sự cần thiết phải hành động, nhưng ngày làm việc cuối cùng của tuần đã trôi qua mà không có một tuyên bố nào được đưa ra.

Giới chức Mỹ và châu Âu cho hay, có khả năng, các lệnh trừng phạt mới sẽ được công bố vào ngày thứ Hai tuần tới. “Có vẻ như quy trình này sẽ mất nhiều thời gian hơn dự kiến”, một quan chức cấp cao của Mỹ nói.

Trong khi đó, căng thẳng ở miền Đông Ukraine tiếp tục gia tăng. Một nhóm quan sát viên quân sự từ Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) hôm qua đã bị các phần tử vũ trang thân Nga bắt làm con tin. Lầu năm góc cho biết, máy bay chiến đấu của Nga đã nhiều lần xâm nhập không phận Ukraine trong 24 giờ trước đó.

Bất đồng còn tồn tại giữa Mỹ và châu Âu về trừng phạt bổ sung Nga hiện tập trung ở chỗ nên trừng phạt mạnh tới cấp độ nào. Mỹ có chủ trương trừng phạt các quan chức cấp cao trong Chính phủ Nga cũng như các lãnh đạo doanh nghiệp thân cận với Tổng thống Vladimir Putin và công ty của họ. Trong khi đó, châu Âu không muốn trừng phạt các lãnh đạo doanh nghiệp hay công ty Nga có quan hệ thân cận với ông Putin, và chỉ muốn hướng mũi nhọn trừng phạt vào các quan chức điện Kremlin.

Ngoài ra, theo một quan chức của châu Âu, các quy định luật pháp của châu Âu hiện nay khiến việc trừng phạt các cá nhân chỉ vì những nghi ngờ về tham nhũng hay các vụ làm ăn phi pháp trở nên khó khăn hơn.

Bên cạnh đó, cả Mỹ và châu Âu đều chưa sẵn sàng cho việc trừng phạt nhằm vào toàn bộ một ngành kinh tế nào đó của Nga như đề nghị của Chính phủ Ukraine.

Giới chức phương Tây đánh giá, nền kinh tế Nga hiện đang ở thế rất dễ bị tổn thương. Ngày 25/4, tổ chức đánh giá tín nhiệm Standard & Poor’s cắt giảm điểm tín nhiệm của Moscow về mức chỉ còn trên hạng không khuyến nghị đầu tư (junk) có 1 bậc. Ngay sau đó, Ngân hàng Trung ương Nga đã phải nâng lãi suất để ngăn đà trượt dốc của tỷ giá đồng Rúp.

Trong một cuộc họp báo ở Seoul, Hàn Quốc, nơi Tổng thống Mỹ Barack Obama đang có chuyến thăm chính thức, ông Obama nói, ngay cả khi phương Tây áp những lệnh trừng phạt hơn, Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể vẫn không thay đổi lập trường trong vấn đề Ukraine.

Nếu châu Âu trừng phạt các ngành kinh tế của Nga, thì rất có thể, chính nhiều nước trong Liên minh châu Âu (EU) sẽ lĩnh hậu quả. Các thành viên của khối này đang tích cực vận động để EU không áp những lệnh trừng phạt có khả năng gây thiệt hại lớn cho nước mình.

Chẳng hạn, Bỉ không muốn lệnh trừng phạt nhằm vào nhập khẩu kim cương của Nga, vì lệnh trừng phạt như vậy có thể gây thiệt hại cho vùng Antwerp của nước này, vốn là trung tâm giao dịch kim cương lớn nhất thế giới. Trong khi đó, các nước ở Đông Âu không muốn mất nguồn cung khí đốt từ Nga, bởi một số nước trong khu vực này nhập 100% khí đốt từ Nga.

Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm qua cảnh báo về trừng phạt bổ sung đối với các quan chức Nga, nhưng cũng nói thêm rằng, Berlin vẫn muốn tiếp tục con đường ngoại giao với điện Kremlin để giải quyết khủng hoảng ở Ukraine.