10:11 05/01/2018

Mỹ có thể sắp thành nước sản xuất dầu lửa số một thế giới

An Huy

Trong vòng một năm qua, xuất khẩu dầu của Mỹ đã tăng gấp 3 lần, lên mức cao chưa từng thấy

Một giàn khoan dầu của Mỹ trên vịnh Mexico. Sản lượng dầu gia tăng đã cho phép Mỹ giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu, bao gồm dầu từ Trung Đông - khu vực nhiều bất ổn.
Một giàn khoan dầu của Mỹ trên vịnh Mexico. Sản lượng dầu gia tăng đã cho phép Mỹ giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu, bao gồm dầu từ Trung Đông - khu vực nhiều bất ổn.

Mỹ có thể trở thành quốc gia sản xuất dầu lửa lớn nhất thế giới trong năm 2018 này - trang CNN Money cho hay.

Trang này dẫn một báo cáo mới của công ty nghiên cứu Rystad Energy nói Mỹ có thể tăng sản lượng khai thác dầu thêm 10% trong năm nay, lên mức khoảng 11 triệu thùng/ngày. 

Với mức sản lượng như vậy, Mỹ dễ dàng vượt qua Nga và Saudi Arabia để trở thành nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới.

Từ năm 1975 đến nay, chưa khi nào Mỹ dẫn đầu thế giới về sản lượng dầu, hay đạt mức sản lượng "vàng đen" cao hơn so với Nga và Saudi Arabia.

Nhưng nay, "thị trường dầu lửa đã hoàn toàn thay đổi do cỗ máy khai thác dầu đá phiến của Mỹ", ông Nadia Martin Wiggen, Phó chủ tịch Rystad, nhận định.

Dự báo của Rystad cho thấy cuộc cách mạng công nghệ nứt vỡ thủy lực (fracking) trong khai thác dầu đá phiến đã biến Mỹ thành một cường quốc năng lượng như thế nào. 

Đây là một cuộc dịch chuyển mà Tổng thống Donald Trump đã cam kết sẽ thúc đẩy thông qua nới lỏng các quy chế giám sát.

Sản lượng dầu gia tăng đã cho phép Mỹ giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu, bao gồm dầu từ Trung Đông - khu vực nhiều bất ổn.

Sản lượng dầu của Mỹ đã có lúc giảm xuống sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) do Saudi Arabia dẫn đầu mở một cuộc chiến giá dầu vào cuối năm 2015 nhằm giành lại thị phần đã mất vào tay các nhà khai thác dầu đá phiến Mỹ và một số quốc gia khác. 

Lượng dầu dư thừa khổng lồ trên toàn cầu đã khiến giá dầu sụt giảm từ mức hơn 100 USD/thùng xuống tới 26 USD/thùng.

Giá dầu rẻ đã khiến hàng loạt công ty dầu đá phiến ở Texas, North Dakota và một số vùng khai thác dầu khác ở Mỹ giảm hoạt động. Sản lượng dầu của Mỹ đã chạm đáy ở mức 8,55 triệu thùng/ngày vào tháng 9/2016, thấp hơn 11% so với mức đỉnh vào tháng 4/2015 - theo số liệu của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA).

Tuy nhiên, ngành dầu lửa Mỹ đã có một cuộc phục hồi ngoạn mục trong năm 2017, một phần nhờ giá dầu thô tăng lên, cũng như những công nghệ mới cho phép việc khai thác dầu đá phiến trở nên rẻ hơn và dễ dàng hơn.

EIA mới đây dựng báo sản lượng dầu của Mỹ sẽ đạt mức bình quân 10 triệu thùng/ngày trong năm 2018. Mức sản lượng này sẽ vượt qua sản lượng kỷ lục 9,6 triệu thùng/ngày mà ngành dầu lửa Mỹ đã thiết lập vào năm 1970.

Rystad Energy thậm chí còn đưa ra dự báo lạc quan hơn. Công ty này nhận định sản lượng dầu của Mỹ sẽ đạt mức 11 triệu thùng/ngày vào tháng 12 năm nay, vượt qua mức sản lượng dầu của Nga và Saudi Arabia.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với những dự báo lạc quan này. Ông Byron Wien, Phó chủ tịch mảng giải pháp tài sản tư nhân của Blackstone, mới đây dự báo sản lượng dầu đá phiến của Mỹ sẽ "gây thất vọng" trong năm 2018, đẩy giá dầu thô thế giới lên trên mức 80 USD/thùng.

Hôm thứ Tư, giá dầu thô ngọt nhẹ tại thị trường Mỹ lần đầu tiên vượt ngưỡng 61 USD/thùng trong hai năm rưỡi. Đợt tăng giá dầu gần đây chủ yếu do một vụ nổ đường ống dẫn dầu ở Libya và các cuộc biểu tình căng thẳng ở Iran.

Trong bức tranh lớn, sự phục hồi của giá dầu từ năm ngoái đến nay xuất phát từ nhu cầu tiêu thụ dầu gia tăng của thế giới và lượng dầu tồn kho trên toàn cầu giảm bớt. Thế giới thoát dần cảnh thừa mứa dầu là do OPEC và Nga nhất trí cắt giảm sản lượng cho tới hết năm 2018.

Từ khi lên cầm quyền, ông Trump đã tuyên bố sẽ mở ra một kỷ nguyên "năng lượng Mỹ thống trị", một phần thông qua giảm các biện pháp quản lý khai thác dầu. Tuần trước, cơ quan chức năng Mỹ đã đề xuất nới lỏng các quy chế giám sát về khai thác dầu ngoài khơi.

Tuy nhiên, báo cáo của Rystad nói rằng chính các lượng lượng thị trường chứ không phải sự nới lỏng quy chế đã thúc đẩy sự gia tăng sản lượng khai thác dầu của Mỹ.

Theo EIA, nhập khẩu dầu của Mỹ đã giảm 25% trong vòng 9 năm qua. Bên cạnh đó, xuất khẩu dầu của Mỹ tăng nhanh kể từ khi nước này dỡ lệnh cấm xuất khẩu dầu đã kéo dài 40 năm vào năm 2015. Trong vòng một năm qua, xuất khẩu dầu của Mỹ đã tăng gấp 3 lần, lên mức cao chưa từng thấy.

Hiện nay, Mỹ vẫn nhập khẩu dầu nhiều hơn xuất khẩu, nhưng mức nhập siêu đang giảm nhanh.