Mỹ tính dùng luật khẩn cấp để ngăn các vụ thâu tóm của công ty Trung Quốc
Việc áp dụng đạo luật này sẽ đánh dấu một sự dịch chuyển lớn khỏi chính sách hiện nay của Mỹ
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang xem xét kích hoạt một đạo luật chỉ dùng cho các trường hợp khẩn cấp quốc gia nhằm ngăn chặn việc Trung Quốc đầu tư vào những công nghệ mà Washington cho là nhạy cảm.
Nguồn thạo tin tiết lộ với hãng tin Bloomberg rằng Bộ Tài chính Mỹ đang nghiên cứu các kế hoạch nhằm xác định những lĩnh vực công nghệ mà các công ty Trung Quốc có thể sẽ bị cấm đầu tư, chẳng hạn thiết bị bán dẫn hay viễn thông 5G.
Nếu các biện pháp hạn chế được đưa ra, đây sẽ là bước đi tiếp theo của chính quyền Trump trong việc trừng phạt Trung Quốc về điều mà Mỹ cho là nước này vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ. Tuần trước, ông Trump đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cân nhắc các biện pháp hạn chế đầu tư đối với các công ty Trung Quốc, sau khi Washington công bố kết quả cuộc điều tra nhằm vào hoạt động quyền sở hữu trí tuệ của Trung Quốc.
Hiện tại, giới đầu tư đang dồn sự chú ý vào kế hoạch đánh thuế của ông Trump đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, các biện pháp hạn chế đầu tư có thể sẽ có ảnh hưởng rất lớn.
Kể từ khi ông Trump lên cầm quyền, đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ đã giảm nhiều. Nếu các biện pháp hạn chế được đưa ra, các công ty Mỹ sẽ gặp khó khăn lớn hơn trong việc huy động vốn.
"Sẽ có những hạn chế về đầu tư nước ngoài", Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Wilbur Ross nói vào ngày 27/3 trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài Fox.
Mới đầu tháng này, ông Trump đã chặn đứng vụ hãng sản xuất thiết bị bán dẫn Broadcom dự định thâu tóm đối thủ Mỹ Qualcomm. Động thái này gửi đi một thông điệp rằng chính quyền Trump sẽ không nhẹ tay đối với bất kỳ thương vụ nào có thể mang lại cho Trung Quốc lợi thế về một công nghệ quan trọng.
Dù Broadcom có trụ sở ở Singapore, Trung Quốc bị cho là đặt ra rủi ro lớn cho Mỹ trong thương vụ trên, vì Qualcomm đang chạy đua mạnh mẽ với tập đoàn Huawei của Trung Quốc nhằm giành vị thế đi đầu về phát triển công nghệ không dây thế hệ tiếp theo.
Vào năm ngoái, ông Trump đã chặn kế hoạch thâu tóm hãng sản xuất con chip Lattice của một công ty đầu tư vốn cổ phần tư nhân có sự hậu thuẫn của một công ty quản lý tài sản nhà nước Trung Quốc.
Tổng thống Trump đã cho ông Mnuchin thời hạn 60 ngày kể từ ngày 22/3 để đề xuất các biện pháp giải quyết mối lo ngại về hoạt động đầu tư của Trung Quốc trong những lĩnh vực hay công nghệ mà Mỹ cho là quan trọng đối với Mỹ.
Về đạo luật khẩn cấp mà chính quyền Trump đang xem xét, đó là đạo luật có từ năm 1977, cho phép Tổng thống có quyền công bố tình trạng khẩn cấp quốc gia trong trường hợp có một "mối đe dọa bất thường". Sau khi công bố tình trạng khẩn cấp như vậy, Tổng thống có thể chặn các giao dịch và đóng băng tài sản.
"Đạo luật này chưa từng được sử dụng trong các trường hợp liên quan đến thương mại bất bình đẳng, nhưng đủ rộng để có thể đặt ra những hạn chế đối với giao dịch ở rất nhiều lĩnh vực", luật sư Christian Davis thuộc Akin Gump Strauss Hauer & Feld ở Washington, phát biểu.
Nguồn thạo tin nói chính quyền Trump muốn thực thi sự "có đi có lại" chặt chẽ đối với các thương vụ của Trung Quốc, nghĩa là chỉ phê chuẩn thỏa thuận trong những lĩnh vực mà các công ty Mỹ được phép đầu tư ở Trung Quốc. Bắc Kinh hiện đang hạn chế đầu tư nước ngoài ở nhiều ngành, từ sản xuất xe hơi, cung cấp dịch vụ viễn thông, cho tới thăm dò đất hiếm.
Việc áp dụng đạo luật này sẽ đánh dấu một sự dịch chuyển lớn khỏi chính sách hiện nay của Mỹ là Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CIFUS) đánh giá từng thương vụ xem có đe dọa an ninh quốc gia Mỹ hay không.
Theo dữ liệu của Bloomberg, giá trị các vụ thâu tóm mà doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện tại Mỹ trong năm 2017 giảm còn 31,8 tỷ USD, so với mức 53 tỷ USD vào năm 2016.