10:17 27/05/2008

Myanmar vẫn trong tình trạng khẩn cấp

Quốc Trung

Mặc dù bão Nargis đổ vào Myanmar đã đi qua hơn 3 tuần, song theo Liên hiệp quốc, hiện còn 1,2 triệu nạn nhân chưa được giúp đỡ

Theo số liệu chính thức, bão Nargis đã cướp đi sinh mạng của khoảng 78.000 người Myanmar, ngoài ra vẫn còn 56.000 người mất tích.
Theo số liệu chính thức, bão Nargis đã cướp đi sinh mạng của khoảng 78.000 người Myanmar, ngoài ra vẫn còn 56.000 người mất tích.
Mặc dù bão Nargis đổ vào Myanmar đã đi qua hơn 3 tuần, song theo Liên hiệp quốc, hiện còn 1,2 triệu nạn nhân chưa được giúp đỡ. Trong khi đó, công việc cứu trợ triển khai chậm và số tiền mà các nhà tài trợ cam kết giúp Myanmar chỉ “như muối bỏ bể” so với nhu cầu cần 10,7 tỷ USD của nước này.

Theo số liệu chính thức, bão Nargis đã cướp đi sinh mạng của khoảng 78.000 người Myanmar, ngoài ra vẫn còn 56.000 người mất tích. Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar, ông Nyan Win mới đây cho biết, thiệt hại vật chất ước tính lên tới hơn 10 tỷ USD.

Cần đẩy nhanh tốc độ cứu trợ

Tuy nhiên, Liên hiệp quốc cho biết, có đến hơn một nửa trong số 2,4 triệu người cần được cứu trợ khẩn cấp của quốc tế vẫn chưa nhận được hàng cứu trợ. Ngày 25/5, tại cố đô Yangun của Myanmar đã khai mạc Hội nghị viện trợ cho nạn nhân của cơn bão Nargis với sự tham gia của đại diện hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, 24 cơ quan của Liên hợp quốc (Liên hiệp quốc) cùng các tổ chức viện trợ. Hội nghị kêu gọi tăng tiền tài trợ cho các nạn nhân bão Nargis.

Hội nghị diễn ra hai ngày sau khi Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon thông báo, Thống tướng Than Shwe, Chủ tịch Hội đồng Hoà bình và Phát triển quốc gia Myanmar, đã đồng ý cho tất cả các nhân viên cứu trợ quốc tế vào nước này để trợ giúp 2,4 triệu người dân bị ảnh hưởng của bão Nargis.

Ủy viên châu Âu phụ trách Phát triển và Viện trợ nhân đạo Louis Michel đã hoan nghênh tuyên bố của Chính phủ Myanmar về kế hoạch nói trên. Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan cũng hối thúc Chính phủ Myanmar nới lỏng hạn chế đối với nhân viên cứu trợ quốc tế và đưa ra một kế hoạch chi tiết về việc sử dụng các khoản tài trợ.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Myanmar Thein Sein tuyên bố, ban lãnh đạo nước này "sẽ xem xét" việc cho phép các nhân viên cứu trợ nước ngoài tham gia hoạt động cứu trợ. Ông cho biết Chính phủ nước ông "sẵn sàng chấp nhận các tổ chức quan tâm đến việc khôi phục và tái thiết Myanmar, miễn là không có ràng buộc kèm theo hoặc không liên quan đến việc chính trị hóa vấn đề".

Trong khi đó, Trưởng cơ quan cứu trợ thảm họa OCHA của Liên hiệp quốc John Holmes cho biết, mặc dù việc cung cấp đồ cứu trợ vào Myanmar đã được cải thiện, với 10 - 15 chuyến bay/ngày mang hàng tới Yangun, song vẫn cần thiết phải đẩy nhanh tốc độ này.

Những đắn đo về kế hoạch viện trợ

Thiệt hại bão Nargis là rất lớn, nhưng tại hội nghị Yangun, các nhà tài trợ quốc tế mới chỉ cam kết viện trợ hơn 150 triệu USD cho các nạn nhân của Nargis. EU đã cam kết viện trợ thêm 26,5 triệu USD ngoài 72,5 triệu USD đã cam kết trước đây. Trung Quốc tăng cam kết viện trợ lên 11 triệu USD, Australia 24 triệu, Hàn Quốc 2,5 triệu...

Số tiền này chỉ “như muối bỏ bể” so với tổng số gần 11 tỷ USD mà Chính phủ Myanmar mong muốn. Nguyên nhân cơ bản của tình trạng cứu trợ nhân đạo triển khai chậm và số tiền cứu trợ thấp là do những bất đồng trong công tác triển khai cứu trợ giữa các nhà tài trợ với Chính phủ Myanmar mấy tuần qua.

Các nhà tài trợ cảnh báo, họ sẽ chỉ mở hầu bao nếu các nhân viên cứu trợ nước ngoài được phép vào vùng thảm họa ở châu thổ Irrawaddy. Tổng thư ký ASEAN, Surin Pitsuwa thì cho rằng, các nhà tài trợ không cam kết viện trợ khi họ chưa nhận được kế hoạch cứu trợ chi tiết, minh bạch trong đó nói rõ về quy chế giám sát việc phân phối hàng viện trợ.

Tại hội nghị, Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon nêu rõ: "Thế giới cần phải tập trung vào việc cứu những người còn sống sót sau cơn bão Nargis vì vẫn còn rất nhiều người không có đủ lương thực, nước uống và nơi nương thân. Hoàn cảnh khó khăn của họ cần được ưu tiên trong việc khắc phục hậu quả của cơn bão Nargis".

Tổng thư ký Liên hiệp quốc cho biết, chiến dịch cứu trợ sẽ kéo dài ít nhất 6 tháng và Myanmar đã bắt đầu tôn trọng cam kết hôm 23/5 về việc cho phép các nhân viên cứu trợ nước ngoài vào vùng thảm họa.

Liên hiệp quốc đã phát động chiến dịch quyên góp 187 triệu USD hỗ trợ khẩn cấp cho Myanmar, đến nay đã quyên góp được 201 triệu USD. Số tiền này có thể sẽ tăng sau khi các chuyên gia được tới khảo sát vùng châu thổ Irrawaddy, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của bão Nargis.