Năm 2018 tồi tệ như thế nào đối với Huawei?
Điểm lại loạt vấn đề mà Huawei gặp phải trong năm 2018 trước khi Giám đốc tài chính (CFO) Wanzhou Meng bị bắt
Vụ bắt giữ Giám đốc tài chính (CFO) Wanzhou Meng của Huawei ở Canada đã trở thành sự kiện đỉnh điểm của một năm 2018 tồi tệ đối với tập đoàn công nghệ Trung Quốc này.
Dưới đây là loạt thách thức mà Huawei gặp phải trong năm 2018 được trang CNN Business điểm lại:
Thỏa thuận với AT&T đổ bể
Huawei khởi đầu năm 2018 bằng một thất bại, khi những tia hy vọng về việc nhà mạng AT&T sẽ bán điện thoại thông minh (smartphone) Huawei tại thị trường Mỹ bị dập tắt vào tháng 1.
Nếu được ký kết, đây sẽ là mối quan hệ đối tác đầu tiên giữa Huawei với một nhà mạng lớn của Mỹ. Nguồn thạo tin nói rằng thỏa thuận rơi vào đổ vỡ "ở phút chót".
Huawei tiếp tục đối mặt với sự phản đối ở Mỹ, một phần vì Washington lo ngại công nghệ của hãng này có thể bị Chính phủ Trung Quốc sử dụng để thu thập thông tin - một cáo buộc mà Huawei một mực phủ nhận.
Vào tháng 2, Huawei đón thêm một tin xấu nữa, khi các cơ quan tình báo Mỹ khuyến nghị công dân nước này không sử dụng điện thoại Huawei. Điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, các quan chức tình báo cấp cao nhất cho rằng Huawei và một công ty công nghệ khác của Trung Quốc là ZTE đặt ra nguy cơ an ninh đối với người tiêu dùng Mỹ.
Tiếp đó, đến tháng 3, hãng bán lẻ Best Buy - một trong số ít những nơi mà người tiêu dùng ở Mỹ có thể tìm mua thiết bị Huawei - tuyên bố ngừng bán hàng Huawei.
Giới an ninh Anh cảnh báo "rủi ro mới" từ Huawei
Các quan chức an ninh cấp cao nhất của Anh từng cảnh báo rằng họ chỉ có thể cung cấp "sự đảm bảo có giới hạn" rằng các thiết bị của Huawei không đặt ra nguy cơ nào cho an ninh quốc gia.
Trong một báo cáo thường niên hồi tháng 7, một ủy ban giám sát của Chính phủ Anh nói rằng "những hạn chế trong các quy trình kỹ thuật của Huawei đặt ra những rủi ro mới cho các mạng viễn thông của Anh".
Hôm thứ Tư tuần này, tập đoàn viễn thông BT Group của Anh tuyên bố sẽ không mua thiết bị Huawei cho bộ phận cốt lõi trong mạng không dây thế hệ tiếp theo của tập đoàn . BT cũng nói sẽ loại công nghệ hiện nay của Huawei khỏi phần chính trong mạng 4G của tập đoàn trong vòng 2 năm.
Australia "cấm cửa" Huawei khỏi mạng 5G
Tham vọng trở thành một công ty đi đầu thế giới về công nghệ 5G của Huawei vấp phải trở ngại lớn vào tháng 8 năm nay, khi Australia cấm Huawei cung cấp thiết bị 5G cho các mạng không dây của nước này.
Chính phủ Australia nói rằng sự tham gia của các nhà cung cấp thiết bị viễn thông "có khả năng chịu sự chỉ đạo ngoài luật pháp từ một chính phủ nước ngoài, không phù hợp với các quy định của Australia" có thể dẫn tới việc các nhà mạng không dây của nước này không "bảo vệ đầy đủ được mạng 5G khỏi sự truy cập hoặc can thiệp bất hợp pháp".
Phản ứng với động thái trên của Australia, Huawei nói rằng đây là "một kết quả cực kỳ đáng thất vọng đối với người tiêu dùng", đồng thời mạnh mẽ phủ nhận cáo buộc cho rằng sản phẩm của công ty đặt ra rủi ro an ninh. Huawei nhấn mạnh rằng thiết bị của họ được tin tưởng sử dụng ở 170 quốc gia và bởi 46 trong số 50 công ty viễn thông lớn nhất thế giới.
Mỹ kêu gọi đồng minh cấm sử dụng thiết bị Huawei
Hồi tháng 11, tờ Wall Street Journal đưa tin nói rằng Washington đang kêu gọi các quốc gia đồng minh dừng sử dụng các thiết bị viễn thông do Huawei sản xuất vì nguy cơ an ninh quốc gia.
Giới thạo tin tiết lộ với tờ báo trên rằng giới chức Mỹ đang thúc giục các nước có căn cứ quân sự Mỹ cấm việc dùng thiết bị Huawei trong các mạng không dây và Internet. Trong số này có các nước như Đức, Italy và Nhật Bản.
Trong một tuyên bố vào thời điểm đó, Huawei nói "bất ngờ vì hành vi của Chính phủ Mỹ như được nêu trong bài báo", rằng "hành động như vậy không nên được khuyến khích".
Tuần trước, New Zealand cấm Spark - công ty viễn thông lớn nhất nước này - sử dụng thiết bị Huawei trong mạng di động 5G vì lý do an ninh quốc gia.
Một vài tin tốt
Đón nhiều tin xấu là vậy, nhưng năm 2018 không phải không có những tin tốt cho Huawei.
Trong 6 tháng đầu năm, công ty chưa lên sàn chứng khoán này đạt mức doanh thu 47,4 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Huawei không công bố con số lợi nhuận.
Mới đây, Huawei đã vượt qua đối thủ Mỹ Apple về doanh số điện thoại thông minh, trở thành nhà sản xuất smartphone lớn thứ nhì thế giới, chỉ đứng sau đối thủ Hàn Quốc Samsung. Huawei dự báo doanh thu cả năm nay sẽ lần đầu tiên vượt 100 tỷ USD.
Tuần trước, Huawei nói với CNN rằng công ty đã ký được hơn 20 hợp đồng thương mại về trang thiết bị và công nghệ mạng 5G, nhưng không tiết lộ đối tác là công ty hay quốc gia nào.
Hôm thứ Tư tuần này, Huawei cho biết đã ký một biên bản ghi nhớ (MoU) với nhà mạng không dây Altice của Bồ Đào Nha để phát triển các dịch vụ 5G.
Mặc dù vậy, giới phân tích cảnh báo rằng Mỹ có thể có thêm những động thái tiếp theo với Huawei. Năm nay, Washington đã trừng phạt ZTE bằng cách cấm các công ty Mỹ bán công nghệ và linh kiện cho ZTE trong vài tháng, khiến công ty này điêu đứng. Không loại trừ khả năng lệnh trừng phạt tương tự có thể được áp lên Huawei.
"Trong trường hợp xấu nhất, Mỹ có thể cấm các công ty của họ cung cấp cho Huawei, mà Huawei thì vẫn phụ thuộc vào các công ty Mỹ về các linh kiện chủ chốt", ông Paul Triolo, chuyên gia của công ty tư vấn rủi ro Eurasia Group, nhận định.