08:07 13/05/2021

Năm 2020: Xử lý 4.735 văn bản quy phạm pháp luật không phù hợp

Bộ Tư pháp đã phát hiện 340 văn bản có quy định sai về nội dung, thẩm quyền ban hành và 58 văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật nhưng có chứa quy phạm pháp luật...

Đề cao tính chịu trách nhiệm của người đứng đầu trong việc ban hành văn bản và xử lý văn bản trái pháp luật.
Đề cao tính chịu trách nhiệm của người đứng đầu trong việc ban hành văn bản và xử lý văn bản trái pháp luật.

Bộ Tư pháp vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2021.

RÀ SOÁT 8.800 VĂN BẢN PHÁP LUẬT VỀ ĐẦU TƯ, KINH DOANH

Theo Báo cáo của Bộ Tư pháp, năm 2020, các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương đã thực hiện kiểm tra theo thẩm quyền đối với 14.276 văn bản quy phạm pháp luật. Qua kiểm tra đã phát hiện, kết luận, xử lý đối với 340 văn bản có quy định sai về nội dung, thẩm quyền ban hành và 58 văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật nhưng có chứa quy phạm pháp luật.

Riêng Bộ Tư pháp đã kiểm tra 5.161 văn bản, gồm 459 văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ và 4.702 văn bản của Hội đồng Nhân dân và UBND cấp tỉnh, phát hiện và kết luận xử lý đối với 68 văn bản, trong đó có 6 văn bản của cơ quan cấp bộ và 62 văn bản của chính quyền cấp tỉnh.

Trong công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật, năm 2020 cả nước đã thực hiện rà soát 33.711 văn bản trong tổng số 34.515 văn bản cần phảỉ rà soát, trong đó các cơ quan cấp bộ rà soát được 9.327 trong tổng số 9.335 văn bản, đạt 99,91% và các địa phương rà soát được 24.384 trong tổng số 25.180 văn bản, đạt 96.8%.

Qua rà soát đã xử lý 4.735 văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực, mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp.

Riêng đối với văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ toàn bộ 215 văn bản và bãi bỏ 1/2 không còn được áp dụng trên thực tế nhưng chưa có căn cứ xác định hết hiệu lực.

Cũng theo Báo cáo của Bộ Tư pháp, từ khi thành lập (tháng 2/2020) đến nay Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật đã tổ chức rà soát 8.779 văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước do các cơ quan trung ương ban hành để phát hiện, xử lý các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, hạn chế sự phát triển, trong đó trọng tâm là các văn bản, quy định về môi trường đầu tư, kinh doanh… Qua đó kịp thời tham mưu, đề xuất Quốc hội, Chính phủ các giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.

 

Từ khi thành lập (tháng 2/2020) đến nay Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật đã tổ chức rà soát 8.779 văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, trọng tâm là các văn bản, quy định về môi trường đầu tư, kinh doanh.

Cụ thể, Tổ công tác đã xác định 60 nội dung quy định trong 76 văn bản được nhận định là có bất cập, không còn phù hợp thực tiễn; 15 nội dung quy định trong 27 văn bản có mâu thuẫn, chồng chéo...

Trong công tác hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, năm 2020 Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, hệ thống hóa quy định pháp luật về hợp đồng, làm cơ sở để rà soát, đánh giá, đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật về hợp đồng và pháp luật về giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng phương thức trọng tài thương mại, hòa giải thương mại.

Kết quả là đã xác định, hệ thống hóa 306 văn bản quy phạm pháp luật có chứa quy định về hợp đồng đang còn hiệu lực tính đến ngày 31/5/2020 (bao gồm 56 luật, bộ luật; 111 nghị định; 04 quyết định; 135 thông tư, thông tư liên tịch) được quy định trong 1.854 điều luật thuộc 13 lĩnh vực pháp luật gồm Công thương, kế hoạch và đầu tư, ngân hàng, giao thông vận tải, tài chính, tài nguyên - môi trường, xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản, nông nghiệp và phát triển nông thôn…

Trong năm 2020, việc xử lý văn bản trái pháp luật đã được thực hiện ngày càng nghiêm túc, hiệu quả hơn. Phần lớn văn bản trái pháp luật sau khi đã được tự phát hiện hoặc do cơ quan có thẩm quyền kiểm tra phát hiện, kết luận đều được cơ quan ban hành có phương án xử lý kịp thời.

Đối với 38 văn bản có quy định trái pháp luật tồn đọng trước năm 2020 đã được cơ bản xử lý, hiện còn 7 văn bản đang cần tiếp tục được xử lý.

Báo cáo cũng nêu rõ, năm 2020 với gần 8.800 văn bản được Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật thực hiện rà soát, trong đó trọng tâm là quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Đây được đánh giá là đợt rà soát có tính toàn diện, hệ thống, chuyên sâu nhất từ trước đến nay đối với văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan trung ương. Qua đó đã phát hiện, kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan trung ương ban hành góp phần giải phóng nguồn lực, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.

QUY TRÁCH NHIỆM CHO NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU

Đề cập về phương hướng, nhiệm vụ năm 2021, Báo cáo của Bộ Tư pháp đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND cấp tỉnh tiếp tục xác định việc nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành và kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục là công tác trọng tâm, ưu tiên nguồn lực thực hiện.

Tổ công tác của Chính phủ sẽ tiếp tục giám sát việc thực hiện đúng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm trong công tác kiểm tra, rà soát, xử lý văn bản tại các bộ, ngành và địa phương. Các đơn vị phải theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, nắm bắt tình hình triển khai thực hiện các công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực, địa bàn quản lý để kịp thời giải quyết, chấn chỉnh vướng mắc, bất cập, hạn chế.

Việc tăng cường kiểm tra, rà soát văn bản theo lĩnh vực, địa bàn gắn với yêu cầu, giải pháp của Chính phủ về chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, giai đoạn 2021-2026 và yêu cầu quản lý ngành, lĩnh vực.

Đặc biệt chú ý, kịp thời phát hiện, tự xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý triệt để các quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp thực tiễn nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển, nhất là những trường hợp có quy định tác động tiêu cực đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, tổ chức, doanh nghiệp, xã hội.

Thực hiện nghiêm việc xem xét, xử lý trách nhiệm đối với đơn vị, cá nhân liên quan đến việc ban hành văn bản trái pháp luật theo quy định. Đặc biệt là đề cao tính chịu trách nhiệm của người đứng đầu trong việc ban hành văn bản và xử lý văn bản trái pháp luật.