23:28 10/07/2025

Các vấn đề lớn của ngân hàng vẫn chưa được giải quyết

Ngân Hà

Tại Hội nghị VSEFI 2025, Giáo sư Kose John từ Trường Kinh doanh Stern, Đại học New York, đã nhấn mạnh đến những vấn đề quan trọng liên quan đến sự ổn định của ngành ngân hàng và hệ thống tài chính…

 Giáo sư Kose John từ Trường Kinh doanh Stern, Đại học New York chia sẻ tại Hội thảo.
Giáo sư Kose John từ Trường Kinh doanh Stern, Đại học New York chia sẻ tại Hội thảo.

Chia sẻ tại Hội thảo quốc tế lần thứ IV về Khởi nghiệp, Tài chính và Đổi mới (VSEFI) 2025 diễn ra sáng ngày 10/7, Giáo sư Kose John cho biết sự ổn định của ngành ngân hàng và hệ thống tài chính vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết, thách thức các quan niệm phổ biến hiện nay.

Bắt đầu với những vấn đề liên quan tới quy định về vốn, Giáo sư Kose cho biết có sự khác nhau cơ bản về đòn bẩy nợ giữa các tập đoàn, doanh nghiệp thông thường với các ngân hàng. Trong đó, các ngân hàng thường có đòn bẩy nợ cao hơn so với các các doanh nghiệp thông thường.

Và vì vậy, theo Giáo sư Kose, các ngân hàng sẽ đưa ra các quy định nhằm kiểm soát nợ và cơ cấu vốn tối ưu. Mặc dù điều này là hợp lý song việc tìm ra “mức vốn tối ưu” vẫn là một vấn đề rất khó có câu trả lời chính xác và khoa học.

Ngoài ra, câu chuyện lương thưởng cho ban lãnh đạo cấp cao của các ngân hàng cũng là một trong những yếu tố làm trầm trọng thêm xu hướng chấp nhận rủi ro của ngân hàng. Việc phải giải quyết hai vấn đề này cùng lúc là một trong những lý do tại sao một giải pháp tối ưu vẫn còn lẩn khuất.

Tiếp theo, Giáo sư Kose đề cập đến bảo hiểm tiền gửi (FDIC) và thẳng thừng bác bỏ một quan niệm sai lầm phổ biến trong giới học thuật.

“Rất nhiều bài báo nói rằng FDIC sẽ dẫn đến rủi ro đạo đức. Điều đó hoàn toàn sai”, ông tuyên bố. Ông giải thích rằng FDIC tự nó không làm thay đổi động cơ của cổ đông ngân hàng; nó chỉ thay đổi khoản thanh toán cho người gửi tiền.

Vấn đề thực sự, theo ông, là bảo hiểm bị định giá sai, đặc biệt là khi nó được định giá thấp. Khi một ngân hàng có thể mua bảo hiểm với giá rẻ hơn giá trị thực của nó, ngân hàng sẽ có động cơ “tích trữ bảo hiểm” và sau đó chấp nhận nhiều rủi ro hơn để tối đa hóa giá trị từ khoản bảo hiểm được định giá thấp đó.

Bài học từ sự sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley (SVB) của Mỹ vào đầu năm 2023 là một ví dụ điển hình. Một lỗ hổng lớn của SVB là 90% tiền gửi không được bảo lãnh. Điều này đã tạo ra một cuộc tháo chạy của người gửi tiền, một loại rủi ro khác biệt không đến từ các lựa chọn đầu tư của ngân hàng, mà từ động cơ của người gửi tiền khi họ lo sợ mất tiền.

Đáng lưu ý, theo Giáo sư Kose, có những ngân hàng cũng đang gặp vấn đề tương tự, nghĩa là một phần lớn tiền gửi của ngân hàng không được bảo lãnh bởi FDIC và nếu các ngân hàng này gặp các vấn đề yếu kém trong bảng cân đối kế toán, sẽ tạo ra động lực cho người gửi tiền rút tiền khỏi ngân hàng.

Điều này dẫn đến một câu hỏi lớn và cấp bách, mà theo ông, nếu ai giải quyết được sẽ xứng đáng nhận giải Nobel: “Làm thế nào chúng ta có thể thiết kế hệ thống bảo hiểm tiền gửi để điều này không xảy ra? Và vì thế câu hỏi liệu có nên mở rộng bảo hiểm tiền gửi để bao phủ toàn bộ hay không vẫn là một vấn đề phức tạp và chưa được giải quyết. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định tài chính của mọi nền kinh tế nếu không có những giải pháp phòng bị”.

 

 

Các đại biểu đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia hội thảo.
Các đại biểu đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia hội thảo.

Ngày 10/7, Hội thảo quốc tế lần thứ IV về Khởi nghiệp, Tài chính và Đổi mới sáng tạo Việt Nam (VSEFI 2025) đã chính thức khai mạc tại Hà Nội. Hội thảo do Trường Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) đồng chủ trì, cùng các đối tác uy tín từ Australia, Pháp và Canada.

Sự kiện năm nay thu hút hơn 50 đoàn từ hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 45 bài tham luận chất lượng được lựa chọn từ hơn 110 bài gửi về. Các bài tham luận tập trung trong các lĩnh vực tài chính, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo…

Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Đào Thanh Trường, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, nhấn mạnh rằng với chủ đề “Đổi mới sáng tạo vì tăng trưởng và bao trùm bền vững”, hội thảo phản ánh tầm nhìn chung trong việc sử dụng tri thức không chỉ để thúc đẩy kinh tế, mà còn để nâng cao chất lượng cuộc sống và trao quyền cho các thế hệ tương lai.

Từ Paris, ông Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch AVSE Global và Trường Kinh doanh EMLV cũng chia sẻ rằng hội nghị diễn ra vào một thời điểm quan trọng khi Việt Nam và thế giới đang đối mặt với những biến đổi lớn về xã hội, sinh thái và công nghệ. Ông tin rằng tăng trưởng bền vững đòi hỏi hai yếu tố: một hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới mạnh mẽ, và một hệ thống tài chính ổn định.

Theo chia sẻ từ Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Định, Phó Hiệu trưởng Trường Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), khác với các kỳ trước tổ chức kết hợp trực tuyến và trực tiếp, năm nay, hội thảo diễn ra hoàn toàn theo hình thức trực tiếp. Theo Phó Giáo sư Nguyễn Văn Định, hình thức tổ chức như vậy xuất phát từ việc nhiều nhà khoa học không chỉ muốn trình bày kết quả nghiên cứu mà còn mong muốn trải nghiệm thực tiễn tại Việt Nam. Điều này đã góp phần tạo nên bầu không khí học thuật sinh động và kết nối sâu sắc hơn.