Năm 2021 sẽ không mua điện Trung Quốc để giải toả công suất điện mặt trời
Để giảm thiểu cắt giảm công suất điện mặt trời, EVN kiến nghị năm 2021 sẽ không mua điện Trung Quốc
Phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo là giải pháp quan trọng nhằm khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên tái tạo, phát điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước đã tới hạn. Tuy nhiên, việc phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời áp mái ồ ạt trong khi phụ tải không theo kịp đã gây áp lực truyền tải lớn lên hệ thống, buộc phải cắt giảm công suất tại nhiều dự án.
TIẾT GIẢM 1,3 TỶ KWH ĐIỆN MẶT TRỜI DO QUÁ TẢI
Ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN) cho biết, điện mặt trời áp mái tăng trưởng một cách đột biến, tháng 6/2020 cả nước có 6.000 MWp nhưng tháng 12/2020 đạt 10.000 MWp. Chỉ riêng trong vòng một tuần cuối năm 2020 có thêm 3.000 - 4000 MWp với mặt trời áp mái.
Trong 2020, ước sản lượng điện mặt trời tiết giảm không khai thác khoảng 365 triệu Kwh, chủ yếu trên 300 triệu Kwh không khai thác dược do quá tải lưới nội vùng chủ yếu lưới 120, 220 Kw ở miền Trung, Ninh Thuận, Bình Thuận. Tính hết năm 2020 đã có 20 lần cắt giảm, mỗi ngày cắt giảm 2,3 giờ, công suất cắt giảm lớn nhất 27/12.
Ông Nguyễn Tài Anh, Phó tổng giám đốc EVN cho biết, để giải tỏa năng lượng tái tạo, năm 2020 EVN đã đề xuất Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ bổ sung quy hoạch các công trình lưới điện, đồng thời các đơn vị đã triển khai thực hiện các công trình: Nâng công suất các TBA 500kV Vĩnh Tân, Di Linh; xây dựng mới các TBA 220kV Ninh Phước, Phan Rí...
Các Tổng công ty Điện lực (SPC, CPC) đã hoàn thành một số công trình lưới điện 110kV quan trọng. Vì vậy, từ tháng 8/2020 EVN đã đáp ứng được yêu cầu giải tỏa công suất các nguồn năng lượng tái tạo đã vận hành trước 30/6/2019 và các dự án mới vào vận hành.
Mặc dù vậy, đến cuối năm, với việc các nguồn điện mặt trời được đưa vào vận hành với khối lượng rất lớn, trong khi nhu cầu phụ tải giảm thấp dẫn đến tình trạng thừa nguồn cấp và thực hiện cắt giảm công suất phát các nguồn điện, bao gồm cả các nguồn điện năng lượng tái tạo.
Trong năm 2021, Phó tổng giám đốc EVN cho biết sẽ tiếp tục gặp khó khăn do dịch Covid 19 còn diễn biến phức tạp, nhu cầu điện tăng trưởng không cao trong khi nguồn năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng lớn.
Theo tính toán, trong năm 2021 sẽ phải cắt giảm điện năng lượng tái tạo khoảng 1,3 tỷ Kwh, trong đó có khoảng hơn 500 triệu Kwh do vấn đề thừa nguồn, cao điểm trưa và quá tải đường dây 500 kw từ miền Trung ra miền Bắc. Thực tế, trong những ngày đầu năm 2021 đã liên tục cắt giảm năng lượng tái tạo do phụ tải thấp.
ĐIỀU TIẾT NGUỒN GIẢI QUYẾT TÌNH TRẠNG VỪA THỪA, VỪA THIẾU
Đặc điểm của điện mặt trời là phụ thuộc vào khu vực và thời tiết. Tại Việt Nam, điện mặt trời thích hợp lắp đặt ở các khu vực nắng nóng như miền Trung, đặc biệt tại các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, nhất là vào những giờ cao điểm như trưa từ 11g đến 13g chiều. Điều này dẫn đến nghịch lý vào mùa nắng nóng, buổi trưa cao điểm phát điện của các dự án điện mặt trời dẫn đến thừa nguồn, quá tải đường truyền buộc phải cắt giảm. Trong khi đó, vào những tháng đầu năm, đặc biệt là là 17-18h chiều, nhu cầu điện tăng cao hệ thống gần như không có dự phòng về nguồn điện, thiếu điện, lại phải huy động khai thác dầu.
Để giải quyết tình trạng vừa thừa, vừa thiếu, đảm bảo đủ điện và không phải tiết giảm phụ tải, Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia kiến nghị năm 2021, EVN tập trung khai thác cao thuỷ điện để hỗ trợ cao điểm phụ tải chiều 17-18h khi điện mặt trời không phát và huy động thấp nhiệt điện than để giảm thiểu cắt giảm công suất điện mặt trời, nguy cơ hụt nước các hồ thuỷ điện so với kế hoạch.
Đề nghị các nhà máy thủy điện nhỏ, tập trung ưu tiên phát điện trong cao điểm sáng (6h00-8h00) và chiều (17h00 – 20h00) của hồ thuỷ điện, hạn chế phát điện trong các khung giờ còn lại như 11g -13 g chiều để giải toả công suất điện mặt trời. Đặc biệt sẽ không mua điện Trung Quốc trong năm 2021.
Yêu cầu nhà máy điện mặt trời, điện gió tham gia hỗ trợ điều chỉnh điện áp trong chế độ phát công suất tác dụng. Các nhà máy địện mặt trời có chế độ Qmode at night tham gia hỗ trợ điều chỉnh điện áp trong chế độ thấp điểm đêm.
Đơn vị quản lý lưới điện (NPT, PCs) đảm bảo tiến độ các công trình lưới giải toả năng lượng tái tạo và cấp điện Hà Nội, Thanh Hoá - Nghệ Tĩnh; tối ưu kế hoạch cắt điện lưới 500 kV, giảm thiểu ảnh hưởng đến phát năng lượng tái tạo.
Kiến nghị Bộ Công Thương, Chính phủ, chỉ đạo, hướng dẫn EVN, A0 về nguyên tắc huy động nguồn năng lượng tái tạo khi hệ thống thừa nguồn và/hoặc quá tải lưới điện.
Kiến nghị Bộ Công Thương chủ trì cuộc họp để thông báo với các Chủ đầu tư các nhà máy điện năng lượng tái tạo các phát sinh nêu trên cũng như giải pháp xử lý để phối hợp cùng EVN thực hiện việc giảm phát một cách công bằng, minh bạch cho đến khi xử lý dứt điểm vấn đề thừa nguồn/quá tải.
Quy hoạch tổng thể và đồng bộ điện mặt trời, điện gió theo cân đối cung cầu điện năng Quốc gia/miền/khu vực, và khả năng hấp thụ của lưới điện truyền tải/phân phối, yêu cầu chủ đầu tư năng lượng tái tạo trang bị các thiết bị pin tích trữ điện năng để hỗ trợ chuyển dịch năng lượng.
Chuyển sang cơ chế đấu giá/đấu thầu đối với các điện mặt trời, điện gió để kiểm soát chính xác lượng công suất mới đưa theo cung cầu phụ tải chung cả hệ thống điện trong tương lai.
Cập nhật và sửa đổi các quy định về cơ chế dịch vụ phụ trợ trong hệ thống điện để khuyến khích các Đơn vị phát điện tham gia cung cấp.
Liên quan đến vấn đề này, Phó thủ tướng Chính Phủ Trịnh Đình Dũng cũng nhấn mạnh, EVN phải xác định rõ cơ cấu nguồn điện, ưu tiên các nguồn điện sạch, năng lượng tái tạo với cơ cấu phù hợp đảm bảo vận hành an toàn hệ thống trong từng giai đoạn.
“Đường dây truyền tải điện nhà nước độc quyền quản lý thôi còn đầu tư thì phải khai thác xã hội hoá”, Phó thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu EVN khắc phục triệt để hiện tượng quá tải tại một số đường dây và trạm biến áp, đặc biệt chú trọng việc giải tỏa công suất nguồn điện năng lượng tái tạo.